Năm Kỷ Sửu trâu vàng
“Việt Nam, đất nước của nông dân
Mà bao giờ. Một con trâu cũng thân hơn vị hoàng đế”.
Ludemit (nhà thơ Hy Lạp)
(Cadn.com.vn) – Mùa xuân năm Kỷ Sửu đến vội vàng vì đất nước đang đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ta có đâu lững thững như trâu vàng trong truyền thuyết dân gian từ núi Lạn Kha (Bắc Ninh) nghe tiếng chuông Trấn Vũ ngỡ mẹ gọi, vội quay về. Trâu vàng bị lừa tức giận giẫm nát cả một vùng bên sông Nhị thành Hồ Tây. Bởi thế Hồ Tây thuở xưa còn có tên đẹp là Kim Ngưu (Trâu Vàng). Lại có huyền tích nhà nào có 10 con trai đánh lưới sẽ bắt được trâu vàng… và ngôi sao đẹp cũng là sao Ngưu – đó là sao văn chương, một trong 28 vị sao của “nhị thập bát tú”. Sao Ngưu còn có thiên tình sử của Ngưu Lang và nàng Chức Nữ. Chàng trai chăn trâu và cô gái đẹp hằng năm gặp gỡ vào đêm mưa ngâu buồn – đêm thất tịch (mồng 7, tháng 7). Xưa có câu hát “con trời lấy gã chăn trâu cũng buồn!”.
Con trâu với đời sống dân Việt thật thân thiết, quý yêu, nhiều tình nghĩa. Hình ảnh con trâu trong huyền tích, thần thoại, ngụ ngôn; trong thơ ca, trong tranh Đông Hồ ngày Tết, trong chạm trổ các đền chùa cũng khá nhiều.
Thuở xưa, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu đánh trận. Cậu bé chăn trâu ấy có lần đánh trận cờ lau “chiến thắng” đã mổ trâu của hào chủ khao quân, rồi cắm đuôi trâu vào kè đá nói trâu chui vào hang không kéo ra được. Lớn lên, anh chàng họ Đinh đánh đâu thắng đấy cho nên được mục đồng tôn là Vạn Thắng Vương, sau lên ngôi là Đinh Tiên Hoàng.
Đối với nông dân nước ta, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, cho nên nông dân không quản ngại khó khăn chăm sóc, bảo vệ trâu: “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”. Bác nông dân vỗ về, mến yêu trâu như người thân trong gia đình. Ngày xửa ngày xưa anh học trò nghèo Lý Mật, nhà vất vả lắm, phải chăn trâu cắt cỏ nhưng rất hiếu học. Anh vừa chăn trâu, vừa treo sách lên sừng để ngồi học. Cho nên người đời gọi là “ngưu giác quảy thư”. Các thời trước người đậu giải Nguyên cũng gọi là Ngưu giác tiên sinh. Nguyễn Trực, lưỡng quốc Trạng nguyên của ta, lúc nhỏ cũng ngồi trên mình trâu học, quét lá đa đốt lửa đêm đêm cho có ánh sáng đọc sách. Hồi kháng chiến chống Pháp, các lớp bình dân học vụ của thiếu niên chăn trâu, đều viết chữ trắng trên mình trâu đen cho các mục đồng học dễ thuộc, dễ nhớ!
Con trâu cày xưa là vật thiêng liêng khi tế trời đất, người xưa đã tru hắc mã tế thiên, trảm bạch ngưu tế địa. Các dân tộc miền núi ăn thề thường có tục đâm trâu. Ngưu hoàng là vị thuốc lấy mật trâu mà chế. Ngưu lạc lấy chất đặc trong sữa làm thức ăn bổ dưỡng. Trong Kiều có câu: “Làm thân trâu ngựa đền bù trúc mai”. Con trâu và cuộc sống ở nông thôn gắn bó nhiều. Giờ đây công nghiệp hóa, máy cày, máy kéo người dân vẫn gọi là trâu đỏ, hoặc trâu sắt. Anh hùng chăn nuôi Hồ Giáo chăm sóc con trâu Mura như chăm sóc người thân. Vì trâu của Ấn Độ tặng giống tốt nhiều sữa, anh rất quý yêu giống trâu này. Bọn giặc Pháp, Mỹ rất thù ghét trâu bò, vì trâu bò góp phần “thực túc binh cường”, cũng như bọn phản động ở biên giới thu mua sừng trâu, tìm cách làm cho nông dân nghèo đói.
Ảnh: M.T
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng trong tác phẩm “Con trâu” của ông đã mô tả người nông dân đấu tranh với giặc Pháp bảo vệ trâu, bảo vệ mùa màng. Anh họa sĩ Lê Văn Tài xúc động khi đọc cuốn sách này đã vẽ bức tranh trâu rất tài tình tặng tác giả tiểu thuyết “Con trâu” ở Nam Bộ, con trâu năm Sửu (1949) kéo pháo 105 ở Tầm Vu đứt ruột chết. Con trâu chiến công đó đã vang vọng trong lòng chúng ta từ đó đến nay. Trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn Carmen (Liên Xô cũ) hình ảnh con trâu kéo pháo vào Điện Biên đẹp đẽ uy nghi quá!
Năm Sửu – năm Con Trâu – cũng là những mốc của nhiều sự kiện lịch sử. Năm Kỷ Sửu (1019), Lý Thánh Tông đặt niên hiệu Sùng Hưng đại bảo. Vua tự thân đánh trâu cày ruộng tịch điền, dựng cung Long Đức ở ngoại ô ở gần dân để tìm hiểu đời sống của nhân dân. Năm Ất Sửu (1085), Lý Nhân Tông đặt niên hiệu Quang Hựu, cầu kẻ hiền tài giúp nước, giảm nhẹ thuế khóa, tạp dịch ít. Năm Quý Sửu (1133), Lý Thần Tông, một vị anh quân dùng người hiền, thích điều lành, răn điều ác, nhân từ khoan thứ. Lý Cao Tông năm Ất Sửu đặt niên hiệu Bình Trị Long Ứ¬ng thương dân, thường phát chẩn khi mất mùa. Đến đời Trần, Trần Huệ Tông lên ngôi năm Quý Sửu (1373) để tâm lo việc nước, mở khoa thi chọn người tài lo quốc sự. Thời Lê, những năm Sửu là những năm thịnh vượng. Lê Kính Tông năm Tân Sửu (1601), Lê Thần Tông Kỷ Sửu (1644) lên ngôi là người học rộng tài cao, thích văn thơ.
Nhưng từ cổ chí kim chưa thời nào, chưa có ở đâu có hình ảnh con trâu kéo cỗ ngưu xa chiến thắng chở tên giặc lái Mỹ bị ta bắn rơi. Đó là thiếu tá Ghi-đơn lái chiếc Con ma (Fantom) ngày 7-8-1966 bị què chân, du kích phải dùng xe trâu “rước” về khách sạn Hilton. Con trâu vẫn ung dung đủng đỉnh bước.
Gần đây ở Đồ Sơn đã tổ chức hội chọi trâu vào mùa xuân, mà từ bao năm nay vì chiến tranh đã bị mai một. Đó là một lễ hội truyền thống dân gian tốt đẹp.
Hôm nay chúng ta đang bước nhanh vào năm Trâu Vàng, Việt Nam, năm đổi mới thắng lợi với những chùm hoa mãn đình hồng rực rỡ, và bông mai vàng khoe sắc xuân. Bến Nghé xưa có tên văn chương là Ngưu Chữ – tức Bến Trâu – nhà yêu nước thế kỷ trước Trần Bích San (1840-1877) đã có tâm sự:
Kim niên Ngưu Chữ thượng
Tằng phú hữu hoa khai
(Năm nay trên sông Bến Nghé, không biết có hoa nở hay không?)
Xuân Sửu này trả lời nhà thơ họ Trần rằng – trên sông Bến Nghé nhiều cờ hoa vẫy chào năm trâu Việt Nam – năm Trâu Vàng thắng lợi.
Bến Nghé, Xuân 2009
Đoàn Minh Tuấn