Nam Định: Điểm sáng đầu tư | Kinh tế địa phương
Đó là khẳng định của ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
>> Nam Định: Doanh nghiệp vận tải đề xuất 5 giải pháp để phục hồi sau đại dịch
– Xin ông cho biết một vài nét chính về tiềm năng và cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Nam Định?
Tỉnh Nam Định nằm ở Trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên gần 1.700 km2, có 72 km bờ biển, dân số gần 1,8 triệu người, có 09 huyện và thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, với 226 xã, phường, thị trấn. Quá trình phát triển kinh tế đã hình thành khá rõ 3 vùng: Vùng kinh tế nông nghiệp; vùng kinh tế biển và vùng trung tâm công nghiệp, dịch vụ thành phố Nam Định. Là địa phương có truyền thống hiếu học; có nhiều làng nghề, có những làng nghề truyền thống lâu đời như dệt, cơ khí, đúc đồng, đồ gỗ mỹ nghệ… Tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú như Khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần, Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, bãi tắm Thịnh Long, Quất Lâm, làng nghề cây cảnh Vị Khê….
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh hoàn thành, đưa vào sử dụng Tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào có tổng chiều dài 6,5 km; Tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (Cầu Lạc Quần) đến Cầu Sa Cao với chiều dài 16,6 km; Đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; Tỉnh lộ 488 (từ cầu Vòi đến thị trấn Thịnh Long) có chiều dài 47,2 km; Tỉnh lộ 487 với chiều dài 21,3 km;….
Bên cạnh đó là tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án như tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; Tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua địa phận tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C; Đầu tư xây dựng khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định.… Chuẩn bị khởi công một số dự án chiến lược như: Khu công nghiệp Mỹ Thuận; Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Hồng Tiến; Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I tại huyện Hải Hậu với tổng mức đầu tư 2,072 tỷ USD. Lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng Tổng kho và cảng xuất nhập khẩu xăng dầu tại cửa Lạch Giang… Các dự án trọng điểm này sau khi hoàn thành sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thu ngân sách và tạo đà phát triển lâu dài đối với kinh tế – xã hội của tỉnh.
– Vậy kết quả cụ thể thu hút đầu tư vào tỉnh Nam Định trong thời gian qua?
Trong giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư vào tỉnh Nam Định ước đạt 3,5 tỷ USD và trên 32.000 tỷ đồng, tăng rất cao so với giai đoạn 2010-2015.
Trong năm 2020, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 85 dự án (gồm 65 dự án đầu tư trong nước, 20 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký là 3.430,2 tỷ đồng và 257,96 triệu USD. Trong đó có dự án Công ty TNHH Top Textiles của nhà đầu tư Joyful Wonder Limited (Hồng Kông) đầu tư tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông có tổng vốn đăng ký 203 triệu USD.
Năm 2021, tính đến hết tháng 5 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 373 doanh nghiệp và 29 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 3.000,8 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 9.865 doanh nghiệp và 798 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 74.599,6 tỷ đồng. Có 233 doanh nghiệp khôi phục hoạt động trở lại.
– Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư đã tác động như thế nào đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thưa ông?
Trong những năm qua, kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định đã phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm GRDP giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 7,9%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của giai đoạn 2010-2015 (6,2%/năm). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,9%; khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,1% (tăng 6,1% so với năm 2015). Sáu tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn ước tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,72% so với cùng kỳ năm 2020 (Kế hoạch cả năm: tăng từ 14% trở lên). Giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 1.098 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 17.362 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.
– Xin cảm ơn ông!
Đánh giá của bạn: