Năm 2022 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở Nghệ An tăng gần 30%
(Baonghean.vn) – Trước thực trạng bị chấm dứt hoặc hoãn hợp đồng lao động, cuộc sống của nhiều công nhân, lao động ở Nghệ An vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật.
Hàng nghìn lao động bị mất việc
Một buổi sáng đầu tháng 12, dù chưa đến giờ làm việc nhưng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, có rất nhiều lao động đến chờ để được giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Anh Lê Văn Mạnh, quê xã Nghi Xá (Nghi Lộc), nguyên là công nhân Công ty TNHH Tân Việt Trung cho biết, trước đây hai vợ chồng làm việc trong Nam, mấy năm gần đây ở quê mở nhiều công ty nên vợ chồng quyết định về quê xin vào làm ở công ty gần nhà, tiện chăm sóc con cái.
“Từ đầu năm đến nay, khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng nên công ty đã thực hiện phương án giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc luân phiên và thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động. Đợt này công ty chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 100 người, trong đó có tôi. Tết đến nơi mà mất việc, chúng tôi cũng không biết phải xoay sở ra sao”, anh Mạnh chia sẻ.
Cũng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên) cho biết, chị đã làm ở Công ty TNHH Matrix Vinh được hơn 10 năm.
“Từ cuối tháng 10, do không có đơn hàng nên công ty phải tạm ngừng hoạt động và chấm dứt hợp đồng với hơn 400 công nhân. Từ đó đến nay, tôi loay hoay tìm việc khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm thấy chỗ phù hợp. Chồng tôi cũng là lao động tự do, nguồn thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn”, chị Hiền chia sẻ.
Báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 23/12/2022, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp của 20.310 trường hợp, tăng 28,52% so với năm 2021, trong đó lao động làm việc trong các doanh nghiệp trong tỉnh là xấp xỉ 9.000 người.
Theo các cán bộ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm, từ nay đến Tết Nguyên đán, con số đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị vẫn chưa dừng lại, dự kiến có thể tăng lên hàng nghìn người.
Còn theo số liệu khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh vào cuối tháng 11/2022, trên địa bàn có 25 doanh nghiệp, chủ yếu là ngành may mặc, giày da… bị ảnh hưởng. Đơn hàng dịp cuối năm của các doanh nghiệp này bị các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cắt giảm. Số lao động bị giảm giờ làm là 19.942 người, lao động bị chấm dứt hợp đồng là 1.797 người, lao động bị tạm hoãn hợp đồng 452 người.
Có 5 doanh nghiệp đã giảm từ 100 lao động trở lên trong 1 tháng qua, với tổng số lao động giảm là 1.257 người, 85% số này là lao động phổ thông.
Cụ thể, Công ty TNHH Matrix Vinh giảm 435 lao động (trên tổng số 466 lao động toàn công ty); Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế ABC – chi nhánh Nghệ An giảm 371 lao động; Công ty TNHH Merry & Luxshare giảm 250 lao động; Công ty TNHH Tân Việt Trung giảm 101 lao động và Công ty CP Thế giới gỗ giảm 100 lao động. Theo tìm hiểu, sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều công nhân còn bị doanh nghiệp nợ lương, chưa thanh toán tiền bồi thường vi phạm hợp đồng khiến cuộc sống ngày càng khó khăn.
Những giải pháp hỗ trợ
Trước thực trạng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh mất việc vào dịp cuối năm, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để hỗ trợ cho người lao động.
Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Theo chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm thường xuyên kết hợp với các địa phương nắm bắt thông tin về tình hình của doanh nghiệp, thực tế thất nghiệp của người lao động để có phương án hỗ trợ kịp thời. Trung tâm cũng tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động thất nghiệp để kết nối với doanh nghiệp khác có nhu cầu tuyển dụng, tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho lao động mất việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, những tháng cuối năm này, Trung tâm đã thực hiện một số giải pháp như: Áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống nộp hồ sơ online; tra cứu kết quả, tiếp nhận hồ sơ gửi qua đường bưu điện, hộp thư điện tử…”.
Để giúp những người lao động mất việc nhanh chóng tìm được việc làm, sớm quay lại thị trường lao động, Trung tâm đã sử dụng nhiều hình thức tư vấn phù hợp với người lao động như: Tư vấn trực tiếp; tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, thông qua hội thảo, hội nghị… và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Về phía tổ chức Công đoàn, ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các cấp công đoàn nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; tham gia đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án duy trì nhiều việc làm nhất có thể cho người lao động, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, tổ chức công đoàn cơ sở với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên sẽ tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp, đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ lao động mất việc tìm kiếm việc làm mới, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục đăng tải thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên trang Fanpage của Công đoàn Nghệ An, trang Thông tin điện tử của LĐLĐ tỉnh.
Còn trước mắt, Liên đoàn Lao động tỉnh đã lên kế hoạch hỗ trợ Tết cho công nhân lao động, theo đó, những lao động bị mất việc làm hoặc bị hoãn hợp đồng lao động được hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/người”.
Trong Công văn số 1566-CV/TU về tổ chức Tết Quý Mão, Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị trong tỉnh quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tổ chức Tết 2023.
Trong đó, lưu ý tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhất là người bị mất việc làm.