Năm 2021 Co-opBank làm ăn ra sao?
TCDN –
Năm 2021, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) tăng khoản cho vay lên hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2020. Dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân đạt 22.600 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Theo kết quả báo cáo thường niên năm 2021 của Co-opBank đăng tải trên website vào tháng 7/2022 cho thấy, năm 2021 Co-opBank giữ nguyên vốn điều lệ đạt 3.029 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đạt hơn 49 nghìn tỷ đồng, tăng 12,56% so với 2020. Trong đó nguồn vốn huy động đạt 43 nghìn tỷ đồng, tăng 14,35% so với cùng kỳ năm 2020. Tiền gửi quỹ tín dụng nhân dân đạt gần 36 nghìn tỷ đồng tăng gần 20% so với cùng kỳ. Mặt khác, một số hoạt động tăng trưởng âm như: vốn dự án âm 167 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ; tiền gửi dân cư và tổ chức kinh tế cũng giảm sâu, âm 593 tỷ đồng, âm 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, Co-opBank tăng khoản cho vay lên hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm 2020, nhưng báo cáo không thể hiện cho vay khoản cụ thể nào?. Dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân đạt 22.600 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Co-opBank tăng khoản mua trái phiếu năm 2021 đạt 19.900 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ. Trong đó doanh số mua trái phiếu đạt 4.833 tỷ đồng, doanh số bán trái phiếu đạt 1.100 tỷ đồng.
Mặt khác, dư nợ cho vay quỹ tín dụng nhân dân âm 158 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với cùng kỳ. Tương tự, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng trưởng lùi, âm 48 tỷ đồng.
Cơ cấu dư nợ theo đối tượng cho vay thì dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân đạt 87%, dư nợ cho vay quỹ tín dụng nhân dân đạt 13%, giảm 4,34% so với năm 2020.
Theo báo cáo, tổng số nợ xấu Co-opBank thu hồi được năm 2021 đạt 166 tỷ đồng. Tổng nợ xấu còn lại tính đến hết 2021 là 886 tỷ đồng.
Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là Ngân hàng hoạt động theo mô hình Tổ chức tín dụng là hợp tác xã với mục tiêu chủ yếu là liên kết, tương trợ và tăng cường hiệu quả cho hoạt động của hệ thống các Qũy tín dụng nhân dân; Làm đầu mối và giữ vai trò điều hoà vốn cho hệ thống Qũy tín dụng nhân dân.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có Trụ sở chính tại Tầng 4 – Tòa nhà N04 – Hoàng Đạo Thúy – P. Trung Hoà – Q. Cầu Giấy – Hà Nội, với 32 Chi nhánh, 67 Phòng giao dịch và gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân thành viên ở các xã, phường và là Ngân hàng có vốn hỗ trợ của Nhà nước lên đến hơn 99%.