Na Chi Lăng – Ngọt thơm đặc sản vùng đất xứ Lạng
Na Chi Lăng được trồng ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn từ những năm 1980 và dần trở thành cây trồng chủ lực tại đây nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được nhiều người biết đến là “thủ phủ” của cây na với tổng diện tích trên 1.500 ha.
Cây na theo chân đồng bào dân tộc Tày, Nùng lên những đỉnh núi có độ cao gần 800m rồi vào thung lũng. Nơi nào bước chân người dân đến được nơi đó có na. Nhiều gia đình những ngày này ở hẳn trên các nương na vừa thu hoạch vừa chăm sóc. Toàn huyện Chi Lăng có gần 2.000 ha na trên 9 xã.
Không phải tự nhiên mà na Chi Lăng lại trở thành sản phẩm nổi tiếng, đặc biệt. Hầu như Na Chi Lăng đều được trồng trên những vách núi đá vôi cao chót vót. Đi qua Chi Lăng vào mùa thu hoạch na, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân cheo leo trên những ngọn núi để thu hoạch trái chín.
Nhận biết na Chi Lăng chính hiệu
Na Chi Lăng được chia thành hai loại là na dai và na bở. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Loại na này có ưu điểm là ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, khi ăn có cảm giác các múi cũng dai hơn. Trong khi đó, na bở thường mềm, dễ vỡ, nát, nhiều hạt và cũng không ngọt thơm như na dai.
Na Chi Lăng có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở vùng khác. Đối với na Chi Lăng, quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống. Đó là na chín cây, ăn ngọt và thơm. Ngoài ra, vỏ na có màu xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Những quả na Chi Lăng chín tự nhiên không ngâm thuốc có mùi thơm dịu, vị ngọt thanh. Trong khi đó, na ngâm hóa chất để chín ép rất nhạt, ăn bị sượng và không có mùi vị đặc trưng của na. Màu sắc của na chứa hóa chất cũng không tự nhiên, quả nào cũng đều tăm tắp, không có vết nứt, cuống bị gẫy, vỏ khó bóc.
Tháng 8 hàng năm – thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ, hàng trăm sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom. Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Cách chăm sóc cây na Chi Lăng
– Giữ ẩm cho đất và chống xói mòn
Để giữ được ẩm cho cây trong mùa khô và chống xói mòn trong mùa mưa, người dân thường tận dụng những cỏ, rác thu được trên núi tủ gốc cây quanh năm. là thời kỳ nở hoa và quả non vào tháng 4, tháng 5.
– Đốn tỉa đau để khống chế độ cao, kích thích cành xuân và làm cho cây trẻ lại
Hàng năm sau thu hoạch khoảng 2 tháng(đầu tháng 12) người dân thường đốn đau đến tận cành cấp 2 (độ cao cây chỉ còn khoảng 2 – 2,5m) thì cành xuân bật mầm tập trung, sớm hơn và có thời gian sinh trưởng dài hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra hoa và đậu quả tốt.
– Bón phân phục hồi cây sau thu hoạch
Người dân Chi Lăng thường bón sớm ngay sau thu hoạch (tháng 9) để tận dụng được lượng mưa cuối mùa hòa tan phân. Lượng phân bón cho mỗi cây tùy theo loại phân. Nếu thời tiết có biểu hiện hạn sớm, nên kết hợp bón phân qua đất với phân bón qua lá.
– Bón phân thúc lộc và đón hoa
Đợt bón thúc lộc và đón hoa cần thực hiện ngay đầu tháng 2. Bón mỗi cây 3kg phân NPK Lâm Thao 5 – 10 – 3, hoặc 1kg NPK Việt Nhật 15 – 15 – 15 cùng với 15 – 20kg phân hữu cơ hoai mục (nếu không có phân hữu cơ có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh hoặc Sông Gianh với lượng 1kg/cây hoặc các loại phân hữu cơ sinh học khác).
– Bón phân thúc quả
Vào tháng 6, khi quả có đường kính 3 – 5cm, thấy bộ lá na xanh tốt thì chỉ cần bón phân kali 1 – 2kg/cây. Nếu bộ lá xanh vàng tức là có biểu hiện thiếu dinh dưỡng thì sử dụng phân hỗn hợp NPK 12 – 5 – 10 bón cho mỗi cây từ 3 – 5kg tùy theo tình trạng của cây.
– Bón vôi chống chua
Cần bón vôi cho na hàng năm khoảng 1 – 2kg vôi bột cho một cây. Bón vôi khi đất ẩm, rải đều vôi xung quanh gốc cây, xới nô
ng, trộn đều vôi với đất. Chú ý chỉ bón vôi trước hoặc sau khi bón các loại phân vô cơ khác từ 10 – 15 ngày để tránh làm bung trôi các chất dinh dưỡng của các loại phân.
– Thụ phấn bổ sung cho na
Để tăng tỷ lệ đậu quả, na cần được thụ phấn bổ sung. Người ta thường nuôi thả con bọ thụ phấn vào vườn na hoặc thụ phấn nhân tạo bằng các dụng cụ thụ phấn như “súng”, ống thổi hoặc bút lông.
KẾT NỐI
đưa sản vật vươn xa
Sản vật từ vách núi đá vôi
Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được biết đến với địa hình núi đá, tuy nhiên nơi đây lại được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu thời tiết vô cùng thuận lợi điều này tạo điều kiện cho na Chi Lăng phát triển.
Na Chi Lăng lần đầu xuất hiện từ những năm 1980 trên vách núi đá Cai Kinh. Khi đó, giống na được người dân mang từ huyện Hoài Đức, Hà Nội về. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn nên núi đá vôi là địa điểm lý tưởng nhất để trồng na lúc bấy giờ. Có lẽ những người trồng na đầu tiên ở Chi Lăng cũng không thể ngờ rằng đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những trái na phát triển.
Vùng sản xuất Na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Diện tích ước đạt trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng.
Na Chi Lăng được trồng chủ yếu trên vách núi đá cao nên người dân nơi đây đã chế tạo ra những chiếc ròng rọc để thu hoạch na từ trên đỉnh núi xuống. Chiếc ròng rọc này chạy từ trên cao xuống chân núi. Dây cáp để chuyển na xuống núi là 2 đoạn dây chắc chắn song song móc vào vành chiếc xe đạp. Cứ 2 sọt na được đu xuống thì 2 sọt rỗng lại được ròng rọc đưa lên.
Quả na vừa được hái xong sẽ được bà con tập kết dưới chân núi và được phân theo kích cỡ rồi đem đóng vào trong thùng xốp. Cứ một lượt na được xếp vào là lại được lót một lượt giấy báo để tránh cho na bị dập, nát. Các chủ buôn chỉ việc cho các thùng na lên xe tải, chở đi khắp các vùng miền trong cả nước.
Na Chi Lăng có nhiều đặc điểm khác biệt với những giống na ở các vùng khác. Đó là quả to đều, khi chín có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, thịt quả nhiều, có màu trắng kem và ăn rất ngon miệng.
Thêm vào đó, với khí hậu đặc trưng của vùng đất xứ Lạng kết hợp vùng núi đá vôi Cai Kinh giàu khoáng chất, cây na sinh trưởng, phát triển tốt. Điểm đặc biệt nữa thu hút người tiêu dùng là toàn bộ diện tích trồng na của huyện (hơn 2.000 ha) đều được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ những năm 2013, huyện Chi Lăng bắt đầu áp dụng sản xuất na đạt tiêu chuẩn VietGAP; và đến năm 2017 áp dụng theo bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 vào sản xuất na. Tính đến nay, huyện đã thực hiện được 613,62 ha na đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhờ biết cải thiện trọng lượng, chất lượng quả na, không còn nhiều na nhỏ trên cây, thay vì thu 2 – 3 gánh na nhỏ như trước đây, hiện tại nông dân chỉ cần thu về một gánh na to được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mở rộng hướng tiêu thụ
Hiện nay, diện tích na trên địa bàn Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha. Dự kiến đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Đặc biệt, na Chi Lăng lọt vào top 50 trái cây đặc sản Việt Nam, được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017; được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vinh danh và trao Cúp Vàng chứng nhận sản phẩm na Chi Lăng trong tốp 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018. Na Chi Lăng đã có mã số vùng ngăn ngừa giả mạo thương hiệu trên 40 ha của 20 hộ trồng na tại thôn Lũng Than (thị trấn Đồng Mỏ) và thôn Giáp Thượng 2 (xã Y Tịch).
Thời gian qua, việc tiêu thụ na trên địa bàn huyện cơ bản được các thương lái thu mua vận chuyển đi các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, một số hộ dân cũng đã quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội cũng như sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn.
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức điểm kết nối giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ na Chi Lăng tại thành phố Hà Nội. Hiện nay, na Chi Lăng có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước.
Trung Quốc cũng là một thị trường tiềm năng của na Chi Lăng nhưng đang qua đường tiểu ngạch. Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung mong muốn thúc đẩy mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Để làm được điều này, những sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn đã được cấp mã số vùng trồng, quan tâm đến phương thức đóng gói, bảo quản, dán tem truy xuất nguồn gốc. Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây na theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu theo đường chính ngạch sang một số thị trường nước ngoài.
Dự kiến đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Trình bày: Duy Kiên – Ánh Tuyết