NTO – Cách làm bài văn nghị luận xã hội đạt điểm cao
Cần nắm được dạng bài nghị luận xã hội
Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn ra đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn theo hướng mở nhằm đánh giá được năng lực và phân loại trình độ của học sinh, nhất là ở mảng câu hỏi nghị luận xã hội. Điều này cũng giúp học sinh có khả năng vận dụng được những hiểu biết thực tế vào bài viết của mình. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vẫn có hiện tượng thí sinh làm xa đề, lạc đề, lan man,… Vì vậy, việc xác định kiểu dạng đề thi nghị luận là rất cần thiết, tránh cho thí sinh đi lạc hướng và làm sai đề. Muốn vậy, mỗi thí sinh phải đọc kỹ đề bài, chú ý những từ ngữ để nhận kiểu, dạng bài văn. Thông thường, ta dễ bắt gặp 2 kiểu, dạng đề đó là: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội.
Lập dàn ý theo bố cục của từng dạng đề nghị luận
Sau khi xác định được kiểu, dạng đề nghị luận, chúng ta cần bắt tay nhanh vào việc lập dàn ý. Tuy nhiên, muốn lập dàn ý đầy đủ thì ta phải nắm được bố cục chung của từng kiểu bài văn nghị luận xã hội. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý thường đề cập tới những vấn đề về đạo đức, lối sống, quan điểm sống của các nhà tư tưởng lỗi lạc hay các danh nhân nổi tiếng. Dấu hiệu để nhận biết kiểu đề này thường là những câu nói trực tiếp để trong ngoặc kép của các nhà tư tưởng, các danh nhân nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học, …
Về bố cục, trước hết phần mở bài, ta phải giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận. Phần thân bài cần giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm. Sau đó, ta phân tích và chứng minh mặt đúng – sai của tư tưởng, đạo lý đó. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội. Cuối cùng, ta cần phải bình luận mở rộng vấn đề: có thể là bác bỏ những biểu hiện sai lệch, khẳng định tính đúng đắn. Tất cả những bước trên ta phải có dẫn chứng đi kèm nhằm tăng tính thuyết phục cho người nghe, người đọc. Phần kết bài cần đánh giá khái quát ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận và rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng đạo lý đó.
Đối với dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội thường đề cập tới nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày và mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người như: gian lận trong thi cử, vấn đề tai nạn giao thông, bạo lực học đường, quan điểm về sống thử, văn hóa thần tượng,… Có thể nói, đây là dạng chung mà nhiều năm gần đây Bộ Giáo dục đã hướng đến để học sinh tiếp cận. Để làm dạng bài này đạt kết quả cao, đòi hỏi thí sinh phải có vốn hiểu biết nhất định về đời sống xã hội để vận dụng vào bài làm. Phần mở bài, cần giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận. Phần thân bài, cần triển khai các điểm sau: nêu thực trạng của hiện tượng đời sống: hệ quả tác động (tích cực, tiêu cực) của hiện tượng, thái độ của con người và xã hội đối với hiện tượng, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó (nguyên nhân chủ quan, khách quan), đưa ra giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Phần kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận đồng thời bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống cần nghị luận.
Tích lũy kiến thức xã hội và nắm bắt thông tin
Nhiều giáo viên khi chấm bài làm của thí sinh đều cho rằng số rất ít thí sinh làm bài tốt ở câu nghị luận xã hội. Bởi lẽ, ở trường học, các em còn quá lệ thuộc vào cách học khuôn mẫu, thiếu tư duy, sáng tạo. Do vậy để đạt điểm cao, ngoài kiến thức được học tại trường, các em phải có lượng hiểu biết về xã hội. Thí sinh có thể ủng hộ hay phản đối một quan niệm nào đó song phải có khả năng lập luận sắc bén và cách hành văn trôi chảy, có sức thuyết phục. Văn nghị luận xã hội khác với nghị luận văn học ở chỗ nó là những kiến thức được tích lũy và lấy ra từ cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, bạn cần sự tìm kiếm, học hỏi và nắm bắt thông tin nhanh chóng. Muốn vậy, cần khai thác thông tin trên đài, báo, truyền hình hàng ngày; ghi chép lại những nhân chứng, bài học, tình huống hay và có ý nghĩa trong cuộc sốngđể làm tư liệu, dẫn chứng cho bài làm.
Chú ý về thời gian
Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên thí sinh cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, chúng ta cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.
Cao Nguyên