NTO – 10 môn thể thao lạ lùng nhất tại Olympic
1. Bắn bồ câu
Môn thể thao giống như 1 thú đi săn này được xuất hiện lần đầu tại Olympic Paris năm 1900. Khi đó, có khoảng 300 con bồ câu trở thành mục tiêu cho các VĐV bắn hạ. Nhà vô địch Olympic năm 1900 trong môn này là Leon de Lunden người Bỉ khi ông bắn được 21 con bồ câu, nhiều hơn 1 con so với Maurice Faure của Pháp. Donald MacIntosh của Australia đứng thứ 3 nhờ “hạ sát” 18 con bồ câu. Chính vì tính chất tàn bạo của môn thể thao này mà chỉ sau một thời gian nó đã bị dẹp bỏ dù tại Olympic 1904, bồ câu nhựa đã được đưa vào thay thế.
Bắn bồ câu được xem là một trong những môn thể thao lạ lùng nhất
được đưa vào thi đấu tại Olympic
2. Kéo co
Môn thể thao đậm chất dân dã này một thời gian là môn thi đấu chính thức tại các kỳ Olympic 1904, 1908, 1912 và 1920. Khi đó, Anh là quốc gia thường vô địch. Năm 1908, thậm chí một đơn vị cảnh sát của Anh đã giành tấm HCV.
Tại SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar năm 2013, môn kéo co
cũng được đề xuất đưa vào thi đấu
3. Jeu de Paume (đánh bóng bằng bàn tay)
Từ này có nghĩa là “trò chơi của lòng bàn tay”. Có thể coi đây là tiền thân của môn tennis. Người chơi đánh bóng bằng bàn tay hoặc miếng gỗ nhỏ thay vì vợt như bây giờ. Năm 1900, Jeu de Paume chỉ được đưa ra công chúng giới thiệu và thi đấu liên tiếp tại 2 kỳ Olympic 1904 và 1908. Tới năm 1924, Jeu de Paume một lần nữa được đưa vào chương trình thi đấu chính thức và sau đó thì hoàn toàn biến mất.
4. Roque (bóng vồ)
Là môn xuất xứ từ Pháp với tên gốc là croquet, người Mỹ gọi nó là môn bóng vồ, được thi đấu lần đầu tiên năm 1904 tại Olympic St. Louis (Mỹ). Khác với croquet, sân roque được rải cát và quây thành hình bát giác. Viền sân được đắp cao hơn để khi bóng lăn tới đây sẽ bật ngược lại (như trò billiard). Sân có các lỗ và người chơi phải đánh được bóng vào đây. Ngoài người Mỹ thì không một quốc gia nào biết chơi môn này nên sau đón, roque bị loại khỏi các chương trình thi đấu vì người ta cho rằng người Mỹ đưa nó vào chỉ để câu thêm huy chương.
Sân chơi Roque
5. Nhảy cao tại chỗ 3 lần
Điền kinh xuất hiện trong chương trình thi đấu của Olympic từ rất sớm nhưng chưa hoàn thiện như bây giờ. Thế nên ở kỷ nguyên đầu của các kỳ Olympic hiện đại đã xuất hiện môn nhảy cao tại chỗ 3 lần. Môn thể thao lạ lùng và rất tốn sức này chỉ tồn tại được trong 4 kỳ Thế vận hội, từ 1900 đến 1912.
6. Leo dây thừng
Đây từng là một trong những môn “đinh” của thể dục dụng cụ, xuất hiện xen kẽ tại Olympic từ 1896 tới 1932. Tới năm 1904, môn leo dây thừng thu hút sự chú ý của toàn thể mọi người, khi người thắng cuộc là George Eyser bị cụt một chân. Sau này, vận động viên người Mỹ còn sưu tập được thêm 5 tấm huy chương nữa, trong đó có 2 HCV.
7. Đấu súng tay đôi
Nhiều người tự hỏi đây có phải một môn đòi hỏi sự dũng cảm tuyệt đối và sẵn sàng chấp nhận cái chết? Không đến mức rùng rợn như vậy, bởi đối thủ của vận động viên là ma-nơ-canh. Lần đầu tiên ra mắt vào năm 1906, người thi phải bắn vào một ma-nơ-canh mặc quần áo kỳ dị từ khoảng cách 20 tới 30m. Đến năm 1912, đấu súng tay đôi được đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic Stockholm, Thụy Điển nhưng các VĐV chỉ dùng đạn giả và thắng cuộc khi bắn trúng…cổ họng đối phương.
8. Bơi nghệ thuật 1 người
Ngày nay, khán giả không còn lạ gì với những màn ba-lê dưới nước đẹp như mơ của hai người hay một nhóm vận động viên. Nhưng trong các năm 1984, 1988 và 1992, các nữ thí sinh có thể một mình độc diễn trong bể bơi để tranh huy chương. Vì quá tẻ nhạt, môn này đã bị dẹp bỏ.
9. Bơi vượt chướng ngại vật
Đây là một môn lạ lùng và buồn cười nhất trong lịch sử Olympic. Các vận động viên phải bơi tới một cây cột, leo lên trên đỉnh rồi xuống bơi tiếp, trèo qua 2 chiếc thuyền, lặn dưới đáy 2 thuyền khác, và cuối cùng là về đích. Tổng chiều dài bơi là 200m. Môn thi này chỉ được tổ chức đúng một lần vào kỳ Thế vận hội năm 1900, và vận động viên người Úc Frederick Lane trở thành quán quân duy nhất của môn này.
Frederick Lane trên đường đua năm 1900
10. Nhảy cắm và im lặng
Đây được coi là môn thi đấu hài hước nhất và chỉ xuất hiện đúng 1 lần tại Olympic 1904. Các thí sinh phải nhảy xuống bể bơi và giữ nguyên tư thế lúc nhảy xuống trong vòng 60 giây, hay cho tới khi đầu họ nổi lên khỏi mặt nước. Sau đó ban tổ chức đo khoảng cách từ mép bể bơi tới đầu là bao xa. William Dickey, người Mỹ là quán quân duy nhất từ trước đến nay ở môn này.
Ngoài những môn thi đấu kỳ dị này thì cricker, golf hay bóng bầu dục là những môn có đông đảo người chơi nhưng ít được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của các kỳ Olympic. Cricket chỉ xuất hiện đúng 1 lần tại Olympic 1900. Golf xuất hiện tại Olympic 1900 và 1904. Bóng bầu dục được tổ chức tại Olympic 1900, 1908, 1920 và 1924 (sẽ xuất hiện tại Olympic 2016 ở Rio de Janeiro).
Các VĐV từ hơn 200 quốc gia sẽ dự tranh 302 bộ huy chương tại Olympic 2012
kéo dài từ 27-7 đến 12-8
Tại Olympic 2012 năm nay các VĐV sẽ tranh tài ở 26 môn gồm: Thể thao dưới nước (nhảy cầu, bơi, bơi nghệ thuật, bóng nước), bắn cung, điền kinh, cầu lông, bóng rổ, quyền anh, canoe/kayak, xe đạp, đua ngựa, đấu kiếm, thể dục, judo, 5 môn phối hợp hiện đại, rowing, thuyền buồm, bắn súng, bóng bàn, bóng đá, bóng ném, khúc côn cầu, bóng chuyền, taekwondo, quần vợt, 3 môn phối hợp, cử tạ và vật.
26 môn này có tổng cộng 302 bộ huy chương. Điền kinh và thể thao dưới nước có số bộ huy chương nhiều nhất lần lượt là 47 và 34 bộ huy chương.
Nguồn Infonet