NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 VÀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH LỚP 1, 2, 6 NĂM HỌC 2021-2022; CÁC KHỐI 3, 4, 5, 7, 8, 9 CÁC NĂM TIẾP THEO TẠI HUYỆN NAM TRỰC | HUYỆN NAM TRỰ
I. VỀ NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019;
– Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
– Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
– Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đối mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông báo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình;
– Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
– Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;
– Kế hoạch số 681/KH-BGDĐT ngày 28/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020 – 2025);
– Thông tư số 13/2020/TT/BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học;
– Thông tư số 14/2020/TT/BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông;
– Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018;
– Kế hoạch số 86/2019/KH-UBND ngày 07/6/2019 của UBND tỉnh Nam Định về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới;
– Nghị Quyết Đại hội Đảng các cấp;
– Kết luận 77/KL-BCH ngày 16/8/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Nam Trực nhiệm kỳ 2021-2025 về phát triển sự nghiệp giáo dục giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo;
– Kế hoạch số 70/KH-UBND của UBND Huyện Nam Trực về triển khai kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
II. VỀ MỤC TIÊU KHÁI QUÁT CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018:
Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
III. VỀ YÊU CẦU CƠ BẢN CẦN ĐẠT VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC
1. Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
2. Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau:
a) Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;
b) Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.
Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.
3. Những yêu cầu cần đạt cụ thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi được quy định tại Mục IX Chương trình tổng thể và tại các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
IV. VỀ NHỮNG ĐIỂM MỚI CĂN BẢN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Lần đầu tiên định hình “sản phẩm” giáo dục
Điểm hoàn toàn mới trong chương trình đổi mới giáo dục sắp được triển khai là lần đầu tiên, ngành giáo dục đưa ra được mô hình “sản phẩm” tương lai của mình. Chương trình giáo dục sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực cốt lõi gồm ba năng lực chung và 7 năng lực chuyên môn. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những biểu hiện cụ thể của học sinh cần đạt được ở từng cấp học.
2. Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho người học
Các yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi là căn cứ để xây dựng chương trình môn học và hoạt động giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học, đánh giá kết quả giáo dục học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông.
Phương pháp giáo dục sẽ không còn lối dạy truyền thụ kiến thức một chiều, thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép như truyền thống.
Giáo dục cũng không cào bằng như hiện nay mà hướng tới cá nhân hóa theo năng lực của từng học sinh.
Chương trình giáo dục chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.
Các phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng sẽ thay đổi phù hợp với mục tiêu và phương pháp giáo dục để hỗ trợ giáo dục đạt mục tiêu đề ra.
3. Sẽ có nhiều sách giáo khoa (Hiện có tới 5 bộ SGK)
Chương trình giáo dục hiện hành chỉ có một bộ sách giáo khoa chính thống trên toàn quốc từ lớp một đến lớp 12, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng và Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền phát hành.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thì các tổ chức, cá nhân có năng lực đều có thể tham gia viết sách giáo khoa. Việc lựa chọn sách nào sẽ do học sinh, phụ huynh, giáo viên quyết định. Các trường cũng không phải chọn trọn một bộ mà họ có thể chọn nhiều sách từ các bộ khác nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vẫn soạn thảo một bộ sách giáo khoa nhằm đảm bảo chắc chắc việc có sách cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, bộ sách này không có tính pháp định bắt buộc sử dụng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định 718/QĐ-BGDĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 6, Năm học 2021-2022 UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định 900/QĐ- UBND phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn tỉnh Nam Định gồm 3 bộ sách: Bộ sách Cánh diều, bộ sách kết nối tri thức và cuộc sống, bộ sách Chân trời sáng tạo.
4. Giáo dục cơ bản 9 năm
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục cơ bản sẽ kết thúc ở lớp 9, gồm 5 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở.
Giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh sẽ phải học bắt buộc 11 nội dung giáo dục, gồm 10 môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.Các môn học bắt buộc ở bậc tiểu học gồm Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Các môn học bắt buộc ở bậc trung học cơ sở gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Giai đoạn giáo dục cơ bản có hai môn tự chọn là Ngoại ngữ thứ hai và Tiếng dân tộc thiểu số.
5. Ba năm giáo dục định hướng nghề nghiệp
Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển ba năm trung học thành giai đoạn định hướng nghề nghiệp với nhiều đổi mới so với chương trình hiện tại.
Theo đó, ở bậc học này chỉ còn 5 môn học bắt buộc thay vì bắt buộc học tất cả 13 môn như.
Các môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Các môn học được lựa chọn chia thành ba nhóm. Nhóm khoa học xã hội gồm môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm khoa học tự nhiên gồm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Học sinh chọn 5 môn trong số các môn được lựa chọn, mỗi nhóm ít nhất một môn.
Ngoài ra, bậc học này còn một số nội dung bắt buộc khác như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, chuyên đề học tập bắt buộc (ba chuyên đề), chương trình giáo dục địa phương.
6. Xuất hiện thêm môn học mới: Hoạt động trải nghiệm
Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông là nội dung hoàn toàn mới lạ trong chương trình giáo dục phổ thông sắp được triển khai.
Nội dung cơ bản của chương tình này xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân, giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp.
Nội dung này được triển khai qua bốn nhóm hoạt động chính: hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp.
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ
1. Việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ giáo viên đáp ứng với yêu cầu luật giáo dục 2019 và việc thực hiện chương trình GDPT 2018.
Nghị định 71/2020/NĐCP ngày 30/6/2020 quy định rõ 2 giai đoạn, cụ thể với từng cấp học như sau: từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.
* Bậc học Mầm non
+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;
+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.
* Cấp học Tiểu học
+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;
+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
* Cấp học THCS
+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;
+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.
2. Về cơ sở vật chất các nhà trường (Thực hiện theo thông tư mới của Bộ GD&ĐT ban hành)
Thông tư số 13/2020/TT/BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư số 14/2020/TT/BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông;
VI. VỀ NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 THỂ HIỆN TRONG THÔNG TƯ 18/2018- BGD&ĐT
Chương trình GDPT 2018 bao gồm quy định chương trình tổng thể, quy định chương trình môn học và hoạt động giáo dục của Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông.
Ví dục ở cấp THCS có một số nội dung cốt lõi sau:
1. Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc:
Là môn học mà mọi học sinh đều phải học và hoạt động giáo dục mà mọi học sinh đều phải tham gia gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
2. Các môn học tự chọn:
Các môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh chọn theo nguyện vọng gồm: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc thiểu số. (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng): Năm học 2021-2022 nhà trường chưa tổ chức dạy các môn học tự chọn.
3. Về phương pháp dạy mới của chương trình GDPT 2018 so với chương trình GDPT hiện hành:
– GV là người tổ chức các hoạt động giáo dục, học sinh chủ động tìm tòi, phát hiện kiến thức để phát triển phẩm chất và năng lực.
– Chuyển từ dạy kiến thức thuần túy sang dạy cách tiếp cận kiến thức, cách khai thác sử dụng và cách đưa kiến thức về với thực tiễn.
– Không so sánh học sinh với nhau mà kết hợp theo dõi đánh giá sự tiến bộ với từng học sinh.
VII. VỀ LỘ TRÌNH THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018:
– Năm học 2020-2021: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 1.
– Năm học 2021-2022: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 2 và lớp 6.
– Năm học 2022-2023: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
– Năm học 2023-2024: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
– Năm học 2024-2025: Thực hiện chương trình mới đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
VIII. VỀ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
– Cán bộ quản lý, các thầy cô giáo đã được tập huấn chương trình GDPT 2018 và chương trình sách giáo khoa lớp 6. Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học.
– Đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, 2 và 6 năm học 2021-2022 là những giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, tích cực trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
– Luôn chủ động sáng tạo trước mọi tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh để hoàn thành kế hoạch dạy học
IX. VỀ CÁC ĐIỀU KIỆN TRANG THIẾT BỊ :
– Về thiết bị dạy học: Ngành GD&ĐT huyện đã tiến hành rà soát thiết bị dạy học hiện có, đối chiếu với Thông tư số 44/2020/TT-BGDĐT ngày 03/11/2020 ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu để xây dựng phương án đối với những thiết bị còn thiếu.
– Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị dạy học tự làm để đáp ứng yêu cầu chương trình lớp các khối lớp.
– Để triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp uỷ đảng, chính quyền, phụ huynh, nhân dân, toàn thể xã hội: Đối với cấp uỷ, chính quyền cần quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị đảm bảo điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục
X. VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ:
+ Cán bộ quản lý từ Phòng GD&ĐT đến các nhà trường chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo tới toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh; rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đánh giá sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên; phối hợp với Đài phát thanh xã viết bài tuyên truyền về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tới chính quyền địa phương, tới toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh, PHHS, nhân dân và toàn xã hội để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các lực lượng xã hội. Từng cơ sở nhà trường xây dựng cụ thể, xin ý kiến chỉ đạo của ngành và địa phương, chủ động dự kiến phân công giáo viên tham gia học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
+ Đối với giáo viên: nhận thức rõ giáo viên là nhân tố quan trọng nhất để thực hiện chương trình, dạy học theo chương trình; sự thay đổi thành công hay không không phải là chương trình, sách giáo khoa mà phải là thay đổi của người giáo viên; giáo viên phải giải phóng tư tưởng với giá trị cốt lõi tình yêu nghề, tâm huyết với nghề, luôn luôn tự học; chủ động, sáng tạo, phát huy sáng tạo cao nhất.
+ Đối với học sinh: xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập, phát huy phẩm chất năng lực, chủ động trong học tập, học tập vì chính bản thân mình, học tập để thích nghi, tồn tại và phát triển.
+ Đối với phụ huynh học sinh: Phối hợp và hỗ trợ nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, trong việc kiểm tra đánh giá học sinh, nhất là trong giai đoạn hiện nay diễn biến dịch Covid 19 phức tạp rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường dạy học online cho các con học sinh.
Trên đây là một số vấn đề mới, một số nét cơ bản về chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thay sách giáo khoa lớp 1, 2 và 6 năm học 2021-2022 và các lớp 3,4,5,7,8,9 các năm tiếp theo lộ trình thực hiện của ngành GD&ĐT huyện Nam Trực – Nam Định xin giới thiệu tới các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và toàn thể nhân dân.
Ban biên tập phòng Giáo dục và Đào tạo