NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI BỊ MÈO CÀO – Trung Tâm Y Khoa Pasteur Đà Lạt

Việc bị cào khi chơi với mèo không hiếm khi xảy ra. Tuy vậy, cần theo dõi và chăm sóc vết thương một cách cẩn thận để tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Không phải tất cả các vết cào do mèo đều nguy hiểm. Tuy nhiên,  một vài trường hợp có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh hoặc các vấn đề về sức khoẻ khác.

Bài viết này sẽ đề cập đến những rủi ro mà vết mèo cào có thể gây ra và liệu bạn có cần được chăm sóc y tế sau khi bị cào hay không.

Vô tình bị mèo cào có cần đi tiêm phòng không?

Một số rủi ro của vết mèo cào

Ngay cả khi bạn đang âu yếm hoặc chơi đùa nhẹ nhàng với chú mèo của bạn, việc bị cào vẫn thỉnh thoảng xảy ra và đôi khi không thể tránh khỏi. Dược sĩ Johns Hopkins nói rằng: “Mèo con dưới 1 tuổi thậm chí có khả năng cào bạn cao hơn. Mèo có thể quen với chuyển động của bạn khi chơi đùa và bạn sẽ dễ bị cào hơn do mèo con đang nghĩ rằng bạn là kẻ thù của chúng.”

Bất kể mèo ở độ tuổi nào, vết cào có thể có nhiều vấn đề hơn so với việc đỏ và sưng. Những vết thương này đôi khi làm rách da, chảy máu và thậm chí làm bạn nhiễm bệnh.

Cả mèo tây và mèo ta đều có thể truyền virus và vi khuẩn sang người qua vết cào trên da. Một vài biến chứng có thể xảy ra khi bị mèo cào bao gồm:

  1. Sốt
  2. Uốn ván
  3. Dại

Cách xử trí khi bị mèo cào tại nhà

Đầu tiên, bạn nên rửa vết cào bằng xà phòng và nước ấm. Thực hiện bước này cho tất cả các vết cào, cho dù là do mèo bạn nuôi hay mèo hoang. Sau đó, vỗ và thấm nhẹ trên vết xước bằng khăn sạch.

Trong trường hợp da bị chảy máu, hãy nhấn nhẹ lên vết thương bằng một miếng gạc sạch. Bạn cũng có thể sát trùng vết thương nhẹ nhàng sau khi băng vết thương bằng băng vô trùng.

Theo dõi vết thương trong trường hợp xuất hiện bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào sau đây:

  1. Sưng đỏ
  2. Xuất hiện mù hoặc dịch tiết trên vết thương
  3. Các triệu chứng tương tự như cúm, bao gồm sốt, nhức đầu và ớn lạnh.

Liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Ngoài ra, bạn cũng nên được điều trị nếu gần đây bạn bị cào, cắn hoặc bị mèo lạ liếm vào vết thương hở trên da.

Xử lý khi bị mèo cào vào mắt

Đôi khi mèo có thể vô tình cào xước mặt, bao gồm cả vùng mắt của bạn. Nếu trường hợp này xảy ra, bạn nên rửa mắt ngay với nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Cẩn thận không chà xát hoặc dụi mắt trong trường hợp có bất cứ dị vật nào trong mắt, chẳng hạn như một phần móng của mèo hoặc bụi.

Sau đó, bạn nên liên hệ bác sĩ để được kiểm tra chính xác tình trạng của mắt. Từ đó bác sĩ có thể kê toa thuốc nếu mắt của bạn gặp bất kỳ vấn đề nào.

Theo Học viện Mắt Hoa Kỳ, các vết xước ở mắt thường có xu hướng lành nhanh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, các vết thương này có thể dẫn đến:

  1. Đau mắt
  2. Rối loạn chảy nước mắt
  3. Đau đầu
  4. Nhạy cảm với ánh sáng
  5. Mờ mắt.

Tình trạng sốt do mèo cào

Sốt do mèo cào là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Bartonella Henselae  có trong nước bọt của mèo. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC ước tính rằng đến 40% số lượng mèo có thể mang loại vi khuẩn này nhưng hầu hết lại không xuất hiện triệu chứng nào.

Ban đầu, mèo có thể bị nhiễm vi khuẩn từ bọ chét. Sau đó, vi khuẩn có thể lây lan qua những con mèo khác khi mèo đánh nhau. Cuối cùng, vi khuẩn có thể truyền sang người  qua vết cào, cắn hoặc liếm vết thương hở bởi những con mèo bị nhiễm bệnh.

Triệu chứng của sốt do mèo cào

Nếu bạn bị sốt do mèo cào, CDC cho biết rằng bạn có thể xuất hiện các triệu chứng sau trong vòng 3 đến 14 ngày kể từ khi nhiễm vi khuẩn:

  1. Vết xước hoặc cắn ngày càng đỏ hoặc sưng nhiều hơn.
  2. Sốt, đau nhức và các triệu chứng tương tự cúm khác.
  3. Phát ban toàn cơ thể.
  4. Sưng hạch bạch huyết.
  5. Mệt mỏi nhiều.

Điều trị sốt do mèo cào

Sốt do mèo cào có thể được điều trị bằng kháng sinh cùng với chăm sóc vết thương tại nhà. Điều này có thể giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng của sốt do mèo cào gần như tương tự với một số bệnh do nhiễm trùng khác, chẳng hạn như bệnh uốn ván do vi khuẩn Clostridium Tetani gây ra. Do đó, cần liên hệ với bác sĩ và giải thích về bất cứ triệu chứng nhiễm trùng nào bạn đang gặp phải để được điều trị đúng cách.

Theo CDC, sốt do mèo cào có khả năng gây biến chứng cao hơn đối với người dưới 14 tuổi hoặc có hệ miễn dịch yếu. Mặc dù các biến chứng này thường hiếm khi xảy ra, chúng có thể bao gồm:

  1. Tổn thương não
  2. Tổn thương các cơ quan nội tạng khác
  3. Rối loạn chức năng da (Angiomatosis Bacillary), gây những tổn thương trên da như đỏ, đổi màu và tạo vảy trên da
  4. Mắt đỏ
  5. Cáu gắt
  6. Các triệu chứng tương tự với cúm.

 Bệnh dại

Bệnh dại là một bệnh nghiêm trọng  xảy ra do nhiễm virus sau khi bị cắn từ một loài động vật bị nhiễm bệnh. Mặc dù virus dại không phổ biến đối với mèo nhà, những trường hợp dại lây nhiễm từ mèo hoang thường cao hơn các loài động vật tại gia khác.

Mèo bị nhiễm bệnh có thể xuất hiện những hành vi thất thường, thậm chí kích động và tấn công bất ngờ. Các triệu chứng khác bao gồm bỏ ăn, mất kiểm soát cơ bắp và liệt.

Tuy mèo có nhiều khả năng truyền virus sang người qua nước bọt bằng việc cắn, khả năng mèo bị nhiễm bệnh truyền virus sang người qua các vết cào là thấp hơn đáng kể. Các triệu chứng ban đầu ở người thường tương tự như các triệu chứng của cúm và có thể kéo dài đến nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau. (Theo CDC)

Trong trường hợp bạn nghi ngờ rằng đã bị cào, cắn hoặc có bất kỳ tác động nào với một con mèo dại, bạn nên được điều trị khẩn cấp ngay cả khi không xuất hiện triệu chứng cụ thể nào. Sử dụng huyết thanh và tiêm phòng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Làm thế nào để giảm rủi ro do mèo cào?

Bạn có thể giảm thiểu những rủi ro liên quan đến sức khoẻ do mèo cào bằng những cách sau:

  1. Vệ sinh và chăm sóc bất kỳ vết thương nào do mèo gây ra.
  2. Tránh chơi đùa quá mức và thô bạo, đặc biệt đối với mèo con.

Tránh chơi đùa quá mức, thô bạo đặc biệt đối với mèo con

  1. Giữ mặt tránh xa mèo trong khi chơi đùa nhằm tránh những thương tích ở mắt.
  2. Băng bó bất kỳ vết thương hở nào nhằm tránh bị mèo liếm.
  3. Tạo môi trường sinh hoạt an toàn cho mèo nhà và tránh xa mèo hoang.
  4. Tránh tiếp xúc với mèo hoang hoặc mèo có biểu hiện bất thường.
  5. Tiêm vắc-xin đầy đủ cho mèo nhà, chẳng hạn như vắc-xin dại.

Tiêm vắc xin đầy đủ cho mèo nhà, như vắc xin dại.. là hết sức cần thiết 

  1. Tiêm vắc-xin đầy đủ cho bản thân, bao gồm cả vắc-xin uốn ván định kỳ.
  2. Đảm bảo mèo nhà được điều trị bọ chét đúng cách theo khuyến nghị của bác sĩ thú y.

Kết luận

Những vết xước do mèo cào thường không thể tránh khỏi đối với những người yêu mèo. Tuy nhiên, cần cẩn thận, rửa sạch và theo dõi bất kỳ vết thương nào do mèo gây ra sau khi chơi đùa với chúng.

Do một vài trường hợp mèo cào có thể dẫn đến nhiễm trùng, cần lưu ý theo dõi và kiểm tra những dấu hiệu bất thường và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Mặc dù khó tránh hoàn toàn những trường hợp bị mèo cào khi bạn nuôi một chú mèo trong nhà, có một vài biện pháp có thể thực hiện để ngăn ngừa các biến chứng. Các biện pháp này có thể bao gồm vệ sinh vết thương đúng cách, tránh xa động vâậ hoang dã và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin được khuyến nghị.

(Theo Healthline)

Tác giả: CN. Nguyễn Nhật Phúc

TRUNG TÂM Y KHOA PASTEUR ĐÀ LẠT

Thời gian làm việc:

– Từ thứ 2 đến thứ 6:

Sáng: 7h00 – 11h30, Chiều: 13h15 – 16h30

– Thứ bảy: 7h00 – 11h30

Cơ sở 1: 16 Lê Hồng Phong, Phường 4, tp Đà Lạt

Cơ sở 2: 5 Thống Nhất, Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng

Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 19001042 Fanpage: Y khoa Pasteur Đà Lạt