NHANQUYEN.VN & DANQUYEN.VN

SỐ 1 – QUYỀN BÌNH ĐẲNG

Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận và bình đẳng trước pháp luật đồng thời được coi như một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về quyền con người, do đó được đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người.

Quyền này gồm ba khía cạnh liên kết với nhau (mà đôi khi được đề cập như các quyền hàm chứa (unenumerated rights), đó là: (i) không bị phân biệt đối xử, (ii) được thừa nhận tư cách con người (thể nhân) trước pháp luật, và (iii) có vị thế bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng.

Quy định về quyền này đầu tiên được đề cập trong các Điều 1, 2, 6, 7, 8 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR), sau đó được tái khẳng định trong các Điều 2, 3, 16 và 26 ICCPR, cụ thể như sau:

Về khía cạnh thứ nhất, Điều 1 UDHR nêu rõ, mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền…Điều 2 UDHR quy định, mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do…mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác. Ngoài ra, Điều này cấm phân biệt đối xử dựa trên địa vị chính trị, pháp lý của quốc gia hoặc lãnh thổ, bất kể là lãnh thổ độc lập, uỷ trị, quản thác, chưa được tự quản hay đang phải chịu bất kỳ hạn chế nào khác về chủ quyền.

Hai điều kể trên của UDHR được nhắc lại và cụ thể hóa trong các Điều 2 và 3 ICCPR. Theo Điều 2 ICCPR, các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác (Khoản 1). Các Khoản 2 và 3 Điều này đề cập đến nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp cần thiết…nhằm thực hiện các quyền được công nhận trong Công ước, và bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước đều nhận được các biện pháp khắc phục hiệu quả, cho dù sự xâm phạm này là do hành vi của những người thừa hành công vụ gây ra…Điều 3 ICCPR tập trung vào khía cạnh bình đẳng giữa nam và nữ, theo đó, các quốc gia thành viên Công ước cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định.

Về khía cạnh thứ hai, Điều 6 UDHR quy định, mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi. Quy định này được tái khẳng định nguyên văn trong Điều 16 ICCPR.

Về khía cạnh thứ ba, Điều 7 UDHR quy định, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt nào…Điều 8 UDHR cụ thể hóa một khía cạnh quy định ở Điều 7 khi nêu rằng, mọi người đều có quyền được các toà án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ mà đã được hiến pháp hay luật pháp quy định.

Điều 26 ICCPR tái khẳng định hai quy định kể trên của UDHR, đồng thời nêu rõ, về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt đối xử và đảm bảo cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác.

Bên cạnh những khía cạnh đã nêu cụ thể trong các quy định ở trên của UDHR và ICCPR, Ủy ban Quyền con người (Human Rights Committee – cơ quan giám sát thực hiện ICCPR của Liên Hợp Quốc, sau đây viết tắt là HRC), trong Bình luận chung số 18 thông qua tại phiên họp lần thứ 37 năm 1989 của Ủy ban đã phân tích về ý nghĩa và nội hàm của quyền này một cách khá chi tiết, mà có thể tóm tắt những điểm quan trọng như sau:

Thứ nhất, không phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng đóng vai trò là cơ sở và nguyên tắc chung trong việc bảo vệ tất cả các quyền con người. Các quốc gia thành viên có trách nhiệm bảo đảm quyền này cho mọi người có mặt trên lãnh thổ nước mình, bất kể người đó là công dân nước mình, người không quốc tịch hay người nước ngoài, bất kể các yếu tố dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị, thành phần xã hội, tài sản hay bất kỳ yếu tố nào khác (đoạn 1).

Thứ hai, Điều 26 ICCPR không chỉ cho phép tất cả mọi người có vị thế bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, mà còn nghiêm cấm các quốc gia thành viên ban hành bất kỳ quy định pháp luật nào có tính chất phân biệt đối xử (đoạn 1).

Thứ ba, quyền không bị phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng phải được áp dụng trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia được quy định ở Điều 4 ICCPR[2] (đoạn 2).

Thứ tư, quyền không bị phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mang tính chất khái quát, thể hiện trong nhiều bối cảnh, có mối liên hệ với việc thực hiện các quyền con người khác, cụ thể như với quyền được bình đẳng trước tòa án (các Khoản 1 và 3 Điều 14 ICCPR), quyền được tham gia vào đời sống của cộng đồng (Điều 25 ICCPR)…(đoạn 2).

Thứ năm, các quốc gia thành viên có quyền tự quyết định các biện pháp thích hợp để thực hiện quyền này, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cần phải có những hành động chủ động (ví dụ như để bảo đảm sự bình đẳng về quyền và trách nhiệm của vợ và chồng nêu trong Khoản 4 Điều 24 ICCPR…) (đoạn 5).

Thứ sáu, trên thực tế ICCPR không đưa ra định nghĩa về sự phân biệt đối xử, tuy nhiên, theo HRC, thuật ngữ này được hiểu là bất kỳ sự phân biệt, loại bỏ, hạn chế hay thiên vị nào thực hiện dựa trên bất kỳ yếu tố nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các vị thế khác, mà có mục đích hoặc có tác động làm vô hiệu hóa hay làm suy giảm sự thừa nhận, thụ hưởng hay thực hiện các quyền và tự do của tất cả mọi người trên cơ sở bình đẳng (đoạn 7). Cũng theo Ủy ban, trong các bối cảnh có liên quan, các định nghĩa về sự phân biệt đối xử về chủng tộc nêu ở Điều 1 Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc, và về phân biệt đối xử chống lại phụ nữ nêu ở Điều 1 Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ sẽ được áp dụng (đoạn 6).

Thứ bảy, quyền bình đẳng không có nghĩa là áp dụng một kiểu đối xử cho mọi đối tượng trong cùng một tình huống (tức cào bằng), và không phải mọi sự khác biệt về đối xử đều tạo nên sự phân biệt đối xử. Nếu sự đối xử khác biệt được xác định dựa trên các điều kiện hợp lý, khách quan và nhằm mục đích để đạt được sự bình đẳng thì không bị coi là trái với ICCPR (các đoạn 10 và 13).

Quan điểm này tương thích với quy định về các biện pháp đặc biệt tạm thời áp dụng để bảo đảm bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trên thực tế mà được nêu ở Điều 4 CEDAW. Thêm vào đó, ngay trong ICCPR cũng có một số quy định phản ánh nguyên tắc này, cụ thể như quy định trong Khoản 5 Điều 6 ICCPR nghiêm cấm áp dụng hình phạt tử hình với những người dưới 18 tuổi và phụ nữ có thai; quy định trong Khoản 3 Điều 10 Công ước yêu cầu phải giam giữ người chưa thành niên làm trái pháp luật tách riêng khỏi những tội phạm đã trưởng thành. Hoặc như quy định ở Điều 25 cho phép phân tách đối tượng được hưởng các quyền chính trị (bầu cử, ứng cử..) trên cơ sở vị thế công dân.

(Trích Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật – ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, trang 190 – 195)

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM: