NHẬN THỨC VỀ AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI CÁC VẤN ĐỀ AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thứ Tư, 16/11/2022 – 09:07

NHẬN THỨC VỀ AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG VÀ
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI CÁC VẤN ĐỀ
AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

ThS. Trần Ngọc Sáng
GV. Khoa Xây dựng Đảng

 

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với những kẻ thù hùng mạnh và nhiều nguy cơ, thách thức to lớn. Trong suốt quá trình ấy, ông cha ta đã làm nên biết bao chiến công oanh liệt, bảo vệ vững chắc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển. Từ khi Đảng ra đời, cách mạng Việt Nam đã tiếp tục giành nhiều thắng lợi vĩ đại, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, hiện nay đất nước đang phải đối diện với nhiều thách thức trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trong đó nổi lên những vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Khái niệm “an ninh” là trạng thái ổn định, an toàn, không có dấu hiệu nguy hiểm, đe dọa sự tồn tại và phát triển bình thường của cá nhân, của tổ chức, của từng lĩnh vực hoạt động xã hội hoặc của toàn xã hội.

Từ đó suy rộng ra, “an ninh quốc gia” ở nước ta được hiểu là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ Xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Các nước trên thế giới có quan niệm về an ninh quốc gia khác nhau, xuất phát từ vị thế và trình độ phát triển của quốc gia đó. Ngay cả trong một quốc gia thì quan niệm về an ninh quốc gia ở mỗi giai đoạn lịch sử cũng có những nội dung khác nhau để phù hợp với tình hình thực tế.

Nhìn chung, trong những giai đoạn lịch sử trước đây thuật ngữ “an ninh quốc gia” thường chỉ được giới hạn những vấn đề thuộc về an ninh quân sự. Bởi lẽ trong bối cảnh thế giới khi ấy, những nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia hầu hết chỉ tập trung vào các hoạt động quân sự để tấn công vào chính quyền nhà nước, vào biên giới lãnh thổ của một quốc gia. Những nguy cơ khác chỉ là thứ yếu, hoặc đơn thuần chỉ để phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho những hoạt động về quân sự, chính trị. Vì vậy, quan niệm về an ninh quốc gia theo cách hiểu này được gọi là “an ninh truyền thống”.

Sau Chiến tranh lạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển dần trở thành xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Bước vào thế kỷ XXI, môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, đa dạng hơn. Thực tế thế giới dần nảy sinh nhiều vấn đề mới, đe dọa đến độc lập, chủ quyền của nhiều quốc gia dân tộc và cuộc sống bình yên của nhân dân các nước nhưng không thuộc về lĩnh vực quân sự. Quan niệm về an ninh quốc gia vì thế cũng có những thay đổi, từ đó thuật ngữ “an ninh phi truyền thống” đã xuất hiện để miêu tả những biến đổi mới của môi trường an ninh quốc tế.

Từ năm 1983, Richard H. Ullman, một học giả Hoa Kỳ, được coi là người tiên phong đưa ra quan niệm về an ninh phi truyền thống (non-traditional security). Ông cho rằng an ninh quốc gia không nên hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ nhà nước trước những cuộc tấn công quân sự qua biên giới lãnh thổ mà an ninh quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống, bao gồm: khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, an ninh môi trường, di cư bất hợp pháp, an ninh năng lượng và an ninh con người.

Trải qua quá trình phát triển về nhận thức, đến nay quan niệm về an ninh phi truyền thống đã phân nhánh thành hai trường phái rõ rệt.

Trường phái thứ nhất quan niệm an ninh phi truyền thống là an ninh tổng hợp, bao gồm tất cả các lĩnh vực như quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường… Trường phái này cho rằng an ninh phi truyền thống không đối lập với an ninh truyền thống, mà chỉ là sự mở rộng nội hàm của khái niệm an ninh truyền thống mà thôi.

Trường phái thứ hai lại quan niệm an ninh phi truyền thống là một lĩnh vực mới, phân biệt với an ninh truyền thống. Theo trường phái này thì an ninh phi truyền thống sẽ không bao hàm lĩnh vực an ninh quân sự. An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống là hai mặt hợp thành an ninh quốc gia nói chung. Hiện nay quan điểm của Đảng và Nhà nước ta cũng theo cách tiếp cận này.

Có thể thấy giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống có mối liên hệ biện chứng. Các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống thường có tác động qua lại, hơn nữa trong những điều kiện nhất định còn có thể chuyển hóa lẫn nhau. Bên cạnh đó, một số vấn đề vốn thuộc về lĩnh vực an ninh phi truyền thống có thể diễn biến thành vấn đề an ninh truyền thống và ngược lại.

Tuy nhiên, giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống vẫn có những khác biệt rất cơ bản.

Một là, phạm vi quan tâm của an ninh truyền thống thường lấy đơn vị là quốc gia, dân tộc; còn phạm vi quan tâm của an ninh phi truyền thống lại bao gồm từ con người, quốc gia và cả nhân loại.

Hai là, nội dung quan tâm của an ninh truyền thống tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quân sự, chính trị, nhưng an ninh phi truyền thống lại quan tâm ở nhiều lĩnh vực của đờỉ sống xã hội, môi trường sinh thái và những vấn đề toàn cầu.

Ba là, mối đe dọa của an ninh truyền thống chủ yếu đến từ bên ngoài biên giới quốc gia, còn các mối đe dọa an ninh phi truyền thống lại đến từ cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Bốn là, ứng phó với vấn đề an ninh truyền thống nhấn mạnh biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao của từng quốc gia riêng lẻ; trong khi đó, ứng phó với vấn đề an ninh phi truyền thống phải sử dụng tổng hợp các biện pháp với sự tham gia của nhiều tổ chức, nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, nhận thức về an ninh phi truyền thống là cả một quá trình với nhiều giai đoạn, nhiều nấc thang từ thấp đến cao.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX, văn kiện Đại hội VIII của Đảng (6/1996) đã thể hiện: “Cộng đồng thế giới đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu (bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những bệnh tật hiểm nghèo…), không một quốc gia nào có thể tự giải quyết, mà phải có sự hợp tác đa phương”.

Đại hội IX (01/2001) tiếp tục khẳng định tinh thần của Đại hội VIII đồng thời bổ sung thêm vấn đề phòng chống tội phạm quốc tế vào nội dung này.

Đại hội X (4/2006) đã bổ sung và phát triển một số luận điểm quan trọng: “Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức phối hợp giải quyết; khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng tăng”.

Như vậy có thể thấy rõ, cho đến Đại hội X, Đảng chưa chính thức sử dụng khái niệm “an ninh phi truyền thống” trong các văn kiện chính trị. Tuy nhiên, Đảng đã nhận thức và chỉ ra những dấu hiệu, những vấn đề của an ninh phi truyền thống đồng thời ý thức được xu hướng phát triển và những tác động sâu sắc của những vấn đề này trong tương lai.

Phải đến Đại hội XI của Đảng (4/2011) thuật ngữ “an ninh phi truyền thống” mới chính thức sử dụng với các nội dung cụ thể như chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế bùng nổ dân số, phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh hiểm nghèo…

Đại hội XII (01/2016) đánh dấu một bước tiến mới trong nhận thức của Đảng ta, bằng cách đặt an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh truyền thống, đồng thời chỉ ra một số vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố… Như vậy, an ninh phi truyền thống đã được nâng lên ngang hàng với an ninh truyền thống, trở thành một lĩnh vực quan trọng của an ninh quốc gia nói chung.

Đại hội XIII của Đảng (01/2021) đã tiếp tục khẳng định nhận thức, quan điểm nhất quán về nội dung, thách thức của an ninh phi truyền thống đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp” , “Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ” , từ đó Đảng đề ra nhiệm vụ “sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống” …

An ninh phi truyền thống đã và đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc nghiên cứu, dự báo để chủ động có biện pháp phòng, chống là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Để ứng phó hiệu quả với tác động của an ninh phi truyền thống, bảo vệ an ninh quốc gia, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh mới cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có thể làm điều này bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau. Trước hết là thông qua hình thức truyền thông (báo, đài phát thanh truyền hình…) để tác động đến nhận thức cho cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó là lồng ghép các biện pháp giáo dục trong nhà trường, tổ chức tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học, thông tin thời sự… Các biện pháp này cần thực hiện thường xuyên, đồng bộ và nội dung, hình thức phải hướng đến các đối tượng cụ thể mới có thể đem lại hiệu quả.

Thứ hai, chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Một trong những đặc điểm của công tác đảm bảo an ninh quốc gia là tính phòng ngừa rất cao. Bởi một khi các nguy cơ gây mất an ninh quốc gia nếu chuyển hóa thành thực tế, dù ở mức độ nào, cũng tác động tiêu cực đến đời sống bình yên của người dân, đến sự ổn định và phát triển của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, để ứng phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Đảng, Nhà nước ta cần chủ động đầu tư phát triển kinh tế – xã hội bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chăm lo bảo vệ môi trường sinh thái… Cần chủ động phân loại từng lĩnh vực an ninh phi truyền thống với đặc điểm khác nhau để xác định những cơ chế, phương thức ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó cần xây dựng các lực lượng chuyên trách về ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, tinh thông nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức hội nhập quốc tế, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thổng chính trị và toàn xã hội trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. An ninh phi truyền thống hầu hết đều là những vấn đề phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực và có tác động rộng lớn đến đời sống xã hội. Chính vì thế, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đòi hỏi phải có sự tham gia có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, Đảng cần có những dự báo khoa học về xu hướng phát triển của tình hình thế giới, nhận thức rõ các vấn đề an ninh phi truyền thống, từ đó xác định chủ trương, đường lối để ứng phó phù hợp. Nhà nước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, chỉ đạo lực lượng chuyên trách ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống trên từng lĩnh vực. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể có nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp các lực lượng xã hội để phối hợp phòng ngừa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; đồng thời phản biện các chương trình, dự án có khả năng tạo ra mối đe dọa an ninh phi truyền thống, bảo đảm phát triển bền vững cho đất nước. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao trách nhiệm trước các vấn đề an ninh phi truyền thống, tỉnh táo trước các sự kiện mà bản thân có thể tham gia một cách vô thức.

Thứ tư, tăng cường mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với các nguy cơ của an ninh phi truyền thống. An ninh phi truyền thống hầu hết là những vấn đề mà một quốc gia đơn lẻ không thể nào tự mình giải quyết một cách trọn vẹn. Do đó, việc hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống là một tất yếu khách quan. Để thực hiện chủ trương này, Việt Nam cần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng hợp tác về phòng ngừa và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thông qua cơ chế và phương thức đa dạng, linh hoạt; tham gia các cơ chế hợp tác an ninh song phương và đa phương trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Tóm lại, với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, an ninh phi truyền thống hiện đã và đang nổi lên như một bộ phận đặc biệt quan trọng của bảo vệ an ninh quốc gia nói chung. Vì vậy, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nâng cao nhận thức về vấn đề này, đồng thời phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc tham gia cùng các lực lượng chuyên trách ứng phó hiệu quả, kịp thời những mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Chỉ có như vậy an ninh quốc gia mới được giữ vững, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân, tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu đang đặt ra bức thiết hiện nay và cả tương lai phía trước./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, H.2015.

3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Giáo dục Quốc phòng và An ninh – Chương trình Cao cấp Lý luận Chính trị, Nxb Lý luận Chính trị, HN.

4. Hoàng Thị Huệ: An ninh phi truyền thống là gì ? Quan niệm về an ninh phi truyền thống trên thế giới, Trang thông tin điện tử Luật Minh Khuê, https://luatminhkhue.vn/an-ninh-phi-truyen-thong-la-gi-quan-niem-ve-an-ninh-phi-truyen-thong-tren-the-gioi.aspx, ngày truy cập 27/7/2022

5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật số 32/2004/QH11 ngày 3/12/2004: Luật An ninh quốc gia.

6. Trịnh Tiến Việt: Nhận thức về an ninh phi truyền thống theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và những vấn đề đặt ra đối với pháp luật hình sự Việt Nam, Báo điện tử Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/824988/nhan-thuc-ve-an-ninh-phi-truyen-thong-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang-va-nhung-van-de-dat-ra-doi-voi-phap-luat-hinh-su-viet-nam.aspx, ngày truy cập 27/7/2022.