NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG ĐIỂN CỐ TRONG VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM THẾ KỈ XVII-XIX
TS. Nguyễn Thị Việt Hằng
1. Mở đầu
So với thời Lý Trần, giai đoạn thế kỉ XVII – XIX văn học Phật giáo Việt Nam không đi sâu vào giảng giải nội dung triết học mà chủ ý ca ngợi, đề cao đức Phật, đạo Phật là cốt yếu, do vậy nghệ thuật sử dụng điển cố cũng mang đặc trưng riêng biệt. Đặc trưng ấy xuất phát từ việc các tác giả mong muốn việc phục hưng đạo Phật ngày một sáng sủa trong nhân dân, vì vậy đối tượng tiếp nhận văn học đương thời cũng chính là đông đảo quần chúng mà đa phần là dân lao động không được học hành nhiều, cần một phương thức truyền đạt dễ hiểu nhất. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận tiếp nhận văn học Phật giáo là các trí thức Phật học, có thể giác ngộ được những gì uyên áo nhất. Vì vậy điển cố có khi được sử dụng khá giản đơn, có khi lại rất uyên thâm, nhưng có thể nói, trên phương diện nghệ thuật sử dụng điển cố, văn học Phật giáo giai đoạn này đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh chuyển tải và ca ngợi đạo Phật của mình.
2. Nội dung
2.1. Sơ lược về nghệ thuật sử dụng điển cố trong văn học trung đại Việt Nam
Sử dụng điển cố là phương thức sáng tác quen thuộc của văn học trung đại, nhằm diễn đạt sao cho ngắn gọn, cô đọng, trí tuệ và trang nhã vấn đề mà tác giả muốn gửi gắm.
Đoàn Ánh Loan trên cơ sở tiếp thu các kết quả nghiên cứu đi trước đưa ra định nghĩa “điển cố là những từ ngữ về chuyện xưa, tích cũ, về tư tưởng, hình tượng trong sách xưa được tác giả dùng làm phương tiện để diễn đạt ý tưởng một cách ngắn gọn, hàm súc. Điển cố bao gồm:
1. Từ hay nhóm từ được lấy ra từ những câu chuyện trong kinh, sử, truyện, các sách ngoại thư… về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, địa danh, những quan niệm trong cuộc sống.
2. Từ hay nhóm từ mượn ý, lời từ câu thơ hoặc bài thơ của người trước, hay được trích từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao có tích truyện được lưu truyền hoặc đã nổi tiếng” [4,tr20].
Theo đó, trên phương diện nghệ thuật, điển cố bao gồm hai phương thức “dụng điển” và “lấy chữ”. Bên cạnh đó, trên phương diện nội dung thể hiện, điển cố có thể được sử dụng theo cách vừa dụng vừa giảng điển một cách dễ hiểu, hoặc chỉ được nêu lên trong câu, bắt buộc người đọc phải “nằm lòng” được điển hoặc phải tra cứu mới hiểu được nội dung mà tác giả đề cập tới. Văn học Phật giáo Việt Nam sử dụng cả hai phương thức trên, do đặc thù gắn chặt với tông giáo mà nó phản ánh, đồng thời lại gắn với đối tượng tiếp nhận nên điển cố Phật giáo có khi được giảng giải khá dễ hiểu, có khi lại được dùng một cách uyên áo, đòi hỏi người đọc phải có một hiểu biết nhất định về đạo Phật để nắm bắt được nội dung mà tác giả gửi gắm.
2.2. Phương thức sử dụng điển cố nghệ thuật
Do đặc thù chuyển tải tư tưởng, ca ngợi đạo Phật, điển cố trong văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII – XIX ngoài các tích truyện, từ ngữ được trích dẫn còn bao gồm cả các công án Thiền. Các điển cố đa phần đều xuất phát từ kinh điển tông giáo, trong đó hầu hết đều từng được sử dụng trong văn học Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, nhiều điển cũng từng xuất hiện ở văn học Phật giáo nước ta thời Lý – Trần. Bên cạnh đó, các tác giả đôi khi cũng sử dụng cả các điển cố của Nho giáo để soi sáng cho các nội dung Phật giáo cần truyền tải đến người đọc.
Như đã nói, các tác giả thiền sư thường chú trọng vào giảng đạo là chính, do đó cách dụng điển của họ cũng hướng tới mục tiêu để người tiếp nhận dễ hiểu, và vì vậy họ thường sử dụng điển cố theo phong cách giảng điển – vừa dụng vừa giảng giải, khiến người đọc có khi không cần biết gì về điển ấy cũng có thể hiểu được ý tứ. Chẳng hạn điển “Niêm hoa vi tiếu” kể tích Tôn giả Ca Diếp mỉm cười và được trao tâm ấn ở pháp hội Linh Sơn khi đức Thế Tôn đưa cành hoa lên. Đây là điển quen thuộc của Phật giáo, từng xuất hiện trong thơ Trần Thái Tông, được Chân Nguyên thể hiện lại khá hấp dẫn trong nhiều tác phẩm. Thiền tông bản hạnh kể lại: “Thuở xưa cả hội Kỳ Viên / Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày / Ca Diếp trí tuệ cao tay / Liễu ngộ tự tính bằng nay mỉm cười”. Ba bài kệ ở Ngộ đạo nhân duyên, trong đó có một bài trùng với kệ của Tịnh độ yếu nghĩa diễn đạt khá súc tích, giàu ý nghĩa tích truyện này: “Thích Ca xuất thế đại nhân duyên / Ca Diếp đầu cơ đắc ấn truyền / Niêm hoa vi tiếu nghiễm nhiên tại / Lạc diệp phân phương biến đại thiên”. Thiền tịch phú lại viết khá hài hước: “Ca Diếp nhãn đồng, thoắt chốc ngộ miệng cười hệch hệch”. Cả mấy lần dụng điển, Chân Nguyên đều chú trọng viết một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ, dễ hiểu. Ngay cả trong tác phẩm chỉ có duy nhất một tích Phật giáo như Đạt Na thái tử hành thì cách này cũng được vận dụng triệt để. Điển kể về Phật Thích Ca, kiếp trước vốn là một Bồ tát, một lần gặp một con cọp vừa sinh xong nhưng nó đói quá định ăn cả thịt con, ngài bèn tự róc thịt mình cho cọp. Chân Nguyên kể lại điển qua lời nhân vật thái tử Đạt Na để giải thích cho hành động thí con của mình khi vợ tỏ ra quá đau khổ: “Nàng dầu chẳng thấy nguồn cơn / Xưa kia Bồ tát ấy càng từ bi / Hoành thân hoại thể một khi / Thí cho hùm đói nào thì tiếc đâu”.
Có thể thấy, cách dụng điển theo xu hướng giảng giải đã trở thành quen thuộc, nhất là khi hướng tới mục đích nhấn mạnh vào thuyết giáo, ca ngợi đạo Phật. Tích đức Phật lúc mới sinh bước đi bảy bước có bảy bông hoa sen đỡ và đưa tay chỉ đất, trời tuyên bố “thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” được Toàn Nhật viết lại trong Tam giáo nguyên lưu ký: “Phút liền nách hữu sinh ra / Chân đi bảy bước liên hoa rạng ngời / Hai tay chỉ đất chỉ trời / Mới nói một lời duy ngã độc tôn”. Hải Lượng trong Phán thanh dẫn tích Hàn Xương Lê nói “Bắt buộc tăng nhân trở lại làm dân, gieo sách Phật vào đống lửa, biến chùa chiền thành nhà tranh” để bàn về chuyện “mộ Phật”, coi đây là người “không kính mộ Phật là giải thoát kiến trọc, được vào vô dư niết bàn”. Nhìn chung, điển cố ở giai đoạn này không phải không có những khi buộc người đọc phải tra cứu, nhưng đó là những trường hợp hãn hữu, còn lại đa phần đều được phiên giải khá cặn kẽ. Một số tác giả còn dùng thủ pháp liệt kê điển để nhấn mạnh ý tứ đề cao Phật pháp. Chân Nguyên trong Thiền tịch phú dẫn liên hoàn các tích, bao gồm chuyện đức Phật Thích Ca tu hành khổ hạnh trên núi tuyết, Bồ tát Di Lặc bởi “vô tâm” nên vân du đây đó, đức Huệ Năng tám tháng giã gạo ở nhà bếp, tổ Đạt Ma chín năm “tọa thiền” quay mặt vào tường (điển này vẫn được gọi bằng tên “Đạt Ma cửu niên diện bích”, từng xuất hiện trong bài thơ Đạt Ma diện bích của Trần Thái Tông), Thần Quang chặt cánh tay để cầu đạo, Ca Diếp ngộ đạo trong pháp hội Linh Sơn (Niêm hoa vi tiếu): “Thích Ca Phật Tổ năng kiến tánh, ngồi Tuyết Sơn khô khẳng gầy gò / Di Lặc Tiên Quang bởi vô tâm, đi vân thủy đẫy đà phục phịch / Đức Huệ Năng bát nguyệt thung phường / Tổ Đạt Ma cửu niên diện bích / Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê mặt ngó đăm đăm / Ca Diếp nhãn đồng, thoắt chốc ngộ miệng cười hệch hệch”. Một đoạn ngắn giảng liên tiếp điển cố, lại kể bằng giọng điệu khôi hài, kết hợp khéo léo giữa từ Hán – Việt và thuần Việt, nhất là các từ láy rất gợi hình, phép đối cũng được vận dụng tinh tế khiến người đọc có cảm giác thích thú và bị cuốn theo cảm xúc “vui thay tu đạo Thích” của tác giả.
Tương tự, Quan Âm Thị Kính có những đoạn liệt kê điển bằng cách giảng giải như: “Rằng: Ngô Thị tụng Kim Cương / Chân thân còn đấy tượng vàng ngàn thu / Rằng Địa Tạng dốc lòng tu / Độ cho cũng khỏi được từ đấng thân”. Toàn Nhật viết khá nhiều đoạn thơ liệt kê hàng loạt các điển cố, chẳng hạn: “Thiện Bưu người ở Trấn Giang / Lòng tin niệm Phật túc oan thoát trừ / Lại ông Đại Hạnh thiền sư / Niệm Phật khi tịch thân như sống còn / …Kìa chim anh vũ loài hèn / Niệm Phật còn trổ hoa sen hiện tiền”. Ý tứ nhấn mạnh về khả năng của việc niệm Phật, hay nói chính xác hơn là thuyết giảng về sự giải thoát kỳ diệu của đạo Phật đối với muôn người, kể cả loài vật thể hiện rõ ràng khi mà tác giả tâm huyết với nó đến độ lặp lại đoạn thơ trong hai tác phẩm Hứa Sử truyện vãn và Tam giáo nguyên lưu ký. Tích truyện nếu kể lại thì dài dòng, song đã được tối giản một cách gọn ghẽ và dễ hiểu.
Trong đặc trưng riêng của ngôn ngữ nghệ thuật văn học Phật giáo, các ảnh dụ công án Thiền thường được sử dụng theo tính chất liệt kê như vậy. Hương Hải trong Sự lý dung thông viết một đoạn thơ dài 8 câu, bao gồm hàng loạt các ảnh dụ: “Lộc dương theo dấu hay đâu / Nê ngưu vào bể rộng sâu khôn tìm / …Uyên ương vẽ dáng xem hình / Cứ đâu lưới rách cho mình mới thông”. Ở các tác phẩm khác tuy không liệt kê dồn dập như trong Sự lý dung thông, song ít nhất cũng phải là hai ảnh dụ. Toàn Nhật trong Bát nhã ngộ đạo vãn: “Rồng lên non, hùm kia xuống biển”, “Địch không lỗ có duyên mới biết / Đàn không dâu vô phước khó nghe”; trong Tham thiền vãn: “Mấy lạ dường trâu cày đáy biển / Người đá cười bụm miệng cùng nhau”… Sở dĩ các ảnh dụ được sử dụng nhiều là bởi nó mang ý nghĩa giải sự vướng chấp, khử dây ràng buộc, đánh mạnh vào sự lãnh ngộ của người theo đạo. Muốn thuyết giảng về Phật giáo, không gì đắc địa hơn là dùng công án Thiền. Ở đây, người đọc có thể thấy xuất hiện nhiều lần ảnh dụ “nê ngưu” (con trâu đất – diễn tả chân tâm mê lầm của con người bị đánh mất, không tìm lại được) vốn là một ước lệ quen thuộc của Ngữ lục Thiền tông Trung Quốc và được sử dụng trong thơ của một số tác giả thời Lý – Trần (tiêu biểu là bài Thủ nê ngưu của Tuệ Trung).
Một số điển cố trở nên quen thuộc khi xuất hiện liên tục ở những tác giả, tác phẩm khác nhau. Tích Đạt Ma trên đường “tầm sư học đạo”, tới Tương Dương, người lái đò thấy ông nghèo không chịu chở, ông bèn bẻ cành lau đi qua được nhắc lại ba lần. Một lần trong bài kệ truyền pháp của thiền sư Tông Diễn cho thiền sư Tĩnh Giác: “Đạt Ma Tây lai truyền hà pháp? Lô hoa thiệp hải thủy phù phù” (Đạt Ma Tây sang truyền pháp gì? / Cành lau qua biển nổi phau phau). Hai lần trong tác phẩm Lục tổ truyện diễn ca và thơ quốc âm (bài số 18) của Toàn Nhật: “Sông xanh biển nước rờn rờn / Bẻ lau qua biển tới miền Trung Hoa” và “Tua noi đức tổ lau qua biển”. Vẫn là cách vừa dụng vừa giải điển, tích truyện Đạt Ma đã được kể lại khá dễ hiểu, nhấn mạnh vào quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, cản trở của người tu hành. Điển cố “kim thân” nghĩa là “thân vàng”, chỉ đức Phật được dùng bốn lần. Trong bài thơ Hưng Long tự tặng Liên lão thiền sư của Ngô Thì Nhậm viết: “Đại pháp luân / Hiện kim thân”. Đại pháp tức là “Đại thặng chi pháp” (thuyết pháp Đại thặng), pháp luân là thuyết pháp của nhà Phật, được ví như xe pháp. “Kim thân” ghi lại tích Hán Minh đế mơ thấy người vàng to lớn, trên trán có hào quang liền hỏi quần thần và được trả lời đó là Phật ở Tây Phương. Trong tác phẩm Lục tổ truyện diễn ca của Toàn Nhật ghi lại tích tu hành của Phật Thích Ca: “Phật tổ khổ hạnh lắm thay / Sáu năm tuyết lãnh mới thành kim thân” và Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu Tịnh Độ vãn khuyên người đời cố gắng tu hành để đạt đạo: “May mà chứng đặng kim thân”. Trong Đạt Na thái tử hành, Chân Nguyên khuyên nhủ người tu hành cố gắng để được giác ngộ: “Lòng bền dạ vững chớ sai / Có ngày ắt được bảo đài kim thân”. Đặc biệt, hình ảnh nước Cam Lộ trong “tĩnh bình” của Quan Âm Bồ Tát với ý nghĩa tưới mát, làm dịu đi đau khổ, được sử dụng trong hầu hết các tác phẩm của giai đoạn này. Sự lý dung thông: “Cam lồ nước nước sái làm mưa” (câu 91); Cung oán ngâm khúc: “Nước dương muốn rẩy nguội dần lửa duyên” (câu 48); Tham thiền vãn: “Cam lồ rửa sạch tánh mê” (câu 17); Văn chiêu hồn: “Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi” (câu 18); Quan Âm Thị Kính: “Ngửa nhờ giọt nước dương chi” (câu 551), “rẩy cành dương chẳng bận chút trần ai” (phần thư)…
Quan niệm thế giới chúng sinh theo Phật giáo có ba cõi là cõi dục giới, cõi sắc giới, cõi vô sắc giới được Phật giáo thể hiện ngắn gọn bằng chữ “ba cõi” cũng được dùng với mật độ đậm đặc. Sự lý dung thông của Hương Hải dùng hai lần ở câu 48: “Làm thầy ba cõi đạo trường nhân thiên”, câu 51: “Trong nơi ba cõi ra vào”. Quan Âm Thị Kính dùng một lần trong câu 766: “Lòng đi ba cõi hưỡng bay chín trời”. Toàn Nhật dùng tới 14 lần trong các câu 89, 736, 1290, 2927, 3089, 3100 của tác phẩm Hứa Sử truyện vãn; trong phần thơ, câu 430, 544, 574 của tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký; câu 5 của Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn; câu 41, 62 của Giới hành đồng tử; trong phần thơ của Huấn đệ tử quốc ngữ ca: “Ở trong ba cõi xoay vần”, “Thảy trong ba cõi tay này bắt tha” , “Một dạ chăm chăm ba cõi thông”, “Ở trong ba cõi khác nào lửa un”…
Các địa danh gắn với nhân vật và sự kiện tiêu biểu của Phật giáo như Tào Khê, Thứu Lĩnh, Linh Sơn, non Hàn… cũng được dùng thường xuyên như một điển cố nhấn mạnh dòng Thiền mà Phật giáo nước ta tiếp thu. Đặc biệt điển Tào Khê, chỉ cội nguồn của tông phái Thiền từng được sử dụng nhiều trong văn học Phật giáo Lý – Trần, đến giai đoạn này vẫn thường xuyên xuất hiện. Hương Hải thiền sư nói về cái gọi là “sự lý dung thông” trong tác phẩm cùng tên: “Khát thì uống nước Tào Khê”; Toàn Nhật viết Lục tổ truyện diễn ca, Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn nhắc tới địa danh Tào Khê như một cái đích đến đầy ý nghĩa của người tu hành: “Dòng thiền lửa cháy tới miền Tào Khê”, “Băng băng bước tới Tào Khê”, “Khát thì uống nước Tào Khê”… Ngoài ra, nhiều điển cố khác cũng được dùng lặp lại ít nhất hai lần. Chẳng hạn, điển “nhà lửa” lấy chữ từ kinh Pháp Hoa: “Ba cõi giống như nhà lửa, bao nhiêu là khổ não thực đáng sợ”. Ngô Thì Hoành trong Thanh dẫn của Thoát thanh viết: “Hết thảy vạn dân như ở trong ngôi nhà đang cháy…”; Toàn Nhật trong Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn: “Ví như nhà lửa đốt hầm”. Điển “quy mao thố giác” (sừng thỏ lông rùa) thường được dùng trong Thiền tông, chỉ sự tồn tại không thể có, cũng chính là chỉ cho lý của “không”. Hương Hải dùng điển này để nhắc nhở người tu hành cần hiểu rõ sự sinh diệt của các pháp không thật giống như lông rùa sừng thỏ, vì bản chất nó là chân như: “Lông rùa sừng thỏ hề sao / Nhẫn như không nhẫn nhục nào nhục ai”. Chân Nguyên trong Thiền tịch phú khuyên bảo người theo đạo cần tránh mê lầm để có thể giác ngộ: “Dầu người quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa”. Nguyễn Danh Nho trong Đọc Phật kinh hữu cảm nhấn mạnh rằng sắc tức là không mà không là sắc, đừng có truyền nhau bậy bạ rằng thỏ có sừng, rùa có lông: “Sắc tức thị không, không thị sắc, / Quy mao thố giác mạc truyền ngoa”… Cách dụng điển như vậy cho thấy, những triết lý của đạo Phật đã trở nên phổ biến không chỉ trong giới tăng chúng mà còn trong sự hiểu biết của nhiều trí thức. Điều này có thể cho chúng ta một phỏng đoán rằng, nó cũng có thể đã đi vào tiềm thức của mọi tầng lớp mộ đạo đương thời.
Bên cạnh các việc sử dụng các tích truyện và “lấy chữ” nói trên, bằng cách nói đầy hình ảnh, với những biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ, những ước lệ, tượng trưng…, văn học Phật giáo thế kỷ XVII – XIX còn sử dụng hàng loạt các điển cố Phật giáo với mật độ cao. Chẳng hạn: Tây Phương cực lạc (chỉ nơi người tu hành sẽ đến khi đắc đạo); Nê lê (chỉ địa ngục), khổ hải, sông mê (chỉ cuộc đời đau khổ); thuyền Bát nhã, pháp thuyền, thuyền từ (ví đạo Phật như chiếc thuyền trí tuệ mầu nhiệm có thể chở con người thoát khỏi song mê, biển khổ); trồng Bồ Đề, tu Bồ Đề (chỉ việc tu hành); hoa Ưu Đàm nở (chỉ kết quả viên mãn của việc tu hành)… Cách dùng các mĩ từ thể hiện rõ đặc trưng tư duy hàm súc, thâm diệu của Phật giáo nói chung và văn học Phật giáo nói riêng.
Sáng tác giữa thời kỳ mà văn chương Nho giáo là chủ đạo, các tác giả văn học Phật giáo thế kỷ XVII – XIX không chỉ dùng điển cố của riêng Phật giáo mà còn kết hợp với các điển của nhà Nho để làm nổi bật hơn quan niệm nhà Phật. Bên cạnh Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh dùng Nho giảng Phật, sử dụng nhiều điển cố của nhà Nho để soi sáng cho triết học Phật giáo, ta cũng có thể bắt gặp trong tác giả khác cách làm tương tự. Chẳng hạn, trong Tam giáo nguyên lưu ký, Toàn Nhật sử dụng tích “giấc mộng hoàng lương” để nói về “vô thường”: “Nhưng mà không khỏi vô thường / Ví như giấc mộng hoàng lương khác gì”. Lấy ý từ câu “Nhân sinh như bạch câu quá khích” của Trang Tử: “Người đời chẳng khác qua cửa sổ / Thiếu niên ngày nọ phút đã già” (Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn). Tương tự như vậy, các điển về Thạch Sùng, Hàn Tín… được ghi lại trong Bát nhã ngộ đạo vãn, Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu Tịnh Độ vãn cũng đều được dùng làm rõ hơn về cuộc đời vô thường. Hương Hải và Toàn Nhật cùng lấy chữ trong câu “Kẹp Thái sơn mà nhảy qua biển Bắc” của Mạnh Tử để chỉ những hành động khó làm mà người tu hành phải vượt qua: “Kẹp non nhảy bể mới tài” (Sự lý dung thông); “Chí anh hùng nhảy bể kẹp non” (Tham thiền vãn), “Mới đủ sức dùng vượt biển trèo non” (Thiền cơ yếu ngữ vãn)… Cách dụng điển này cũng là một trong những minh chứng rõ rệt của tư tưởng “dung hòa tam giáo” vốn là xu hướng nổi bật đương thời.
3. Kết luận
Đoàn Trung Còn khẳng định: “Ngoài sự nương vào ngôi Tam Bảo mà lấy tích làm đề cho những áng văn chương, các bậc thi nhân, văn sĩ ta lại còn nhờ ảnh hưởng của Phật, Pháp, Tăng trong thực hành văn chương nữa” [1,tr125-126]. Việc sử dụng điển cố Phật giáo khá đậm đặc và một vài điển cố Nho giáo, cộng với cách thức “dụng điển” và “lấy chữ” như đã phân tích ở trên cho thấy, văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII – XIX rõ ràng có những đặc trưng riêng, độc đáo.
Tài liệu tham khảo
[1]. Đoàn Trung Còn (2004), Tam bảo văn chương (Tái bản), Nxb Tôn giáo.
[2]. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Lang (2010), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập I, II, III) (Tái bản), Nxb Văn học.
[5]. Đoàn Ánh Loan (2003), Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài in trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc “Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”. Nxb. Khoa học xã hội, 2017.