NASA công bố ảnh chụp xe tự hành của Trung Quốc trên Sao Hỏa

Theo trang Spacenews, hình ảnh vệ tinh mới từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy xe tự hành thăm dò Sao Hỏa của Trung Quốc dường như đã “chết máy”, nằm bất động trên bề mặt cằn cỗi của hành tinh Đỏ.

Hình ảnh minh họa tàu thăm dò Thiên Vấn-1 hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa. Ảnh: SCMP

Hình ảnh minh họa tàu thăm dò Thiên Vấn-1 hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa. Ảnh: SCMP

Xe tự hành Zhurong, lần đầu tiên đến Sao Hỏa vào năm 2021. Sau hành trình khám phá ban đầu, nó đã chuyển sang trạng thái “ngủ đông” từ tháng 5/2022. Các báo cáo hồi đầu năm nay cho thấy xe tự hành đã không liên lạc lại với trạm điều khiển trên Trái Đất kể từ thời điểm đó.

Theo những bức ảnh do tàu quỹ đạo trinh sát Sao Hỏa của NASA chụp, phương tiện thám hiểm của Trung Quốc dường như đã “chết máy”. Ba hình ảnh trên được chụp trong suốt năm 2022 và 2023, cho thấy xe tự hành đã di chuyển vào vị trí gần một miệng núi lửa trên bề mặt “hành tinh Đỏ”. Tuy nhiên, hai bức ảnh bổ sung cho thấy xe tự hành này đã không di chuyển khỏi một điểm dừng bên cạnh miệng núi lửa.

Dựa trên các bức ảnh, xe tự hành dường như không hề thay đổi vị trí trong khoảng thời gian từ ngày 8/9/2022 đến ngày 7/2/2023. Nhìn chung, xe tự hành của Trung Quốc đã di chuyển khoảng 2 km trong thời gian thực hiện nhiệm vụ trước khi dừng lại gần miệng núi lửa. Có khả năng chiếc xe tự hành hoạt động trở lại vào một lúc nào đó, nhưng cơ hội là “rất mong manh” nếu các tấm pin Mặt Trời của xe bị phủ đầy bụi.

Xe tự hành Zhurong là một phần trong sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của Trung Quốc, được gọi là Tianwen-1 (Thiên vấn 1). Nhiệm vụ của xe tự hành là nghiên cứu địa hình của bề mặt Sao Hỏa. Mặc dù phương tiện này đã hoàn thành nhiệm vụ chính trước khi ngủ đông, nhưng chiếc xe tự hành này đã được thiết lập để tiếp tục các nhiệm vụ bổ sung vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, hiện tại xe tự hành vẫn im lặng dù được thiết kế để khởi động trở lại.

Nguyên nhân xe tự hành tạm ngưng hoạt động rất có thể là do các tấm pin Mặt Trời đã bị cát bao phủ. Đây cũng là lý do nhiều tàu vũ trụ khám phá Sao Hỏa khác từng gặp phải trong quá khứ, bao gồm cả tàu đổ bộ InSight của NASA. Mặc dù các phương tiện vũ trụ vận hành bằng năng lượng Mặt Trời có khả năng hoạt động mãi mãi, miễn là Mặt Trời còn chiếu sáng để cung cấp năng lượng, nhưng cát bụi là thứ có thể âm thầm hủy hoại và ngăn cách quá trình tái tạo năng lượng này. Đặc biệt, bức xạ Mặt Trời trong mùa đông trên Sao Hỏa cũng giảm xuống mức thấp, càng cản trở việc cung cấp năng lượng cho xe tự hành. Nhiều khả năng phương tiện này đã chịu chung số phận với các tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng Mặt Trời khác trong quá khứ.

Hiện một số phương tiện khác của NASA như xe tự hành Curiosity và Perseverance đã sử dụng một cách tiếp cận năng lượng khác. Các xe này vận hành bằng cách sử dụng hệ thống năng lượng đồng vị phóng xạ. Những bộ pin này được thiết kế để có thể giúp xe hoạt động trong ít nhất 14 năm.