NÂNG CAO NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON

Trước những yêu cầu của xã hội và sự đổi mới của ngành, để nâng cao chất lượng giáo dục của ngành học, đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội, vấn đề mang tính chiến lược hàng đầu là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cả về trình độ, phẩm chất và năng lực.

Đối với giáo viên mầm non (GVMN), khác với giáo viên (GV) các bậc học khác, để thực hiện tốt hoạt động cụ thể của mình, đó là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục các cháu, người giáo viên phải có những năng lực nhất định như:
– Khi nói đến hoạt động giáo dục trẻ thì người giáo viên cần có năng lực xây dựng chương trình giáo dục, năng lực lập kế hoạch giáo dục dài hạn, năng lực xây dựng môi trường giáo dục thân thiện cho trẻ, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục…, và kèm theo các kĩ năng cụ thể.
– Khi nói đến hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ thì người giáo viên cần có: năng lực trong thái độ ứng xử và ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ, năng lực truyền đạt và hướng dẫn trẻ thực hiện những yêu cầu của giáo viên, năng lực tổ chức thực hiện việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Những năng lực này được thể hiện qua hàng loạt các kĩ năng trong khi làm việc với trẻ như những kĩ năng tổ chức cho trẻ ăn, ngủ, kĩ năng tổ chức cho trẻ vệ sinh cá nhân,…
Đứng trước thời kì đổi mới của đất nước, người GVMN rất cần thiết phải rèn luyện và nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình, đặc biệt là Năng lực sư phạm. (Gồm các năng lực thuộc về nhân cách; các năng lực dạy học; các năng lực tổ chức – giao tiếp). Giáo viên có những năng lực sư phạm là người đã tích lũy được vốn tri thức, hiểu biết về kĩ năng nhất định để làm được những công việc chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non.
Ngoài ra, để thuận lợi trong quá trình lựa chọn việc làm, hay có thể thành công hơn trong nghề nghiệp sau này, GVMN cần phải có năng lực sư phạm chuyên biệt, như: hát hay, múa dẻo, đàn giỏi, vẽ tranh đẹp, làm đồ chơi tài tình, kể chuyện hấp dẫn, … Những năng lực chuyên biệt này sẽ giúp họ có được những hoạt động mang tính hấp dẫn, sinh động, gây được nhiều hứng thú đối với trẻ nhỏ, có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành cảm xúc thẩm mĩ, đạo đức của các em. Đây cũng là những mặt mạnh, là những đánh giá nổi bật về khả năng của người giáo viên mầm non.
Bên cạnh đó, mỗi GVMN đều phải hiểu được đặc điểm lao động của nghề là: luôn thể hiện các chức năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ thơ, lấy quan hệ tình cảm yêu thương mẹ – con làm yếu tố quyết định. Vì thế, lòng yêu trẻ là phẩm chất số 1 trong nhân cách một GVMN đích thực.
GVMN không chỉ là người thầy vun đắp tri thức, mà còn thực sự là người mẹ hiền thứ hai của các em. Nếu không yêu thương trẻ và đam mê với nghề thì việc trở thành GVMN trong thời đại mới đã khó, mà trụ vững được với nghề còn khó khăn hơn nhiều…
Một số biện pháp nâng cao năng lực nghề cho giáo viên mầm non

  • Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sư phạm với nhiều hình thức khác nhau.

Hàng năm GVMN cần thường được tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, không chỉ vào thời gian đầu năm học do trường, phòng/ sở GD tổ chức, mà trong suốt quá trình làm việc GV đều phải có ý thức tự học: tham gia các buổi dự giờ, sinh hoạt chuyên môn cùng đồng nghiệp, tham quan các trường bạn về cách sắp xếp, tổ chức môi trường hoạt động cho trẻ; tìm hiểu chương trình CSGD của các trường, các nước khác trọng khu vực qua các cuộc họp, hội thảo; tham dự các hội thi của ngành, tham gia các lớp học nâng cao trình độ; xem phim ảnh, học trực tuyến qua truyền hình và internet những nội dung liên quan đến chuyên ngành GDMN; học và tìm hiểu thêm các kĩ năng phòng – xử trí các bệnh và tai nạn thường gặp ở trẻ, kĩ năng ứng xử sư phạm, sử dụng nhạc cụ, sử dụng vi tính, tiếng Anh; học tập nghị quyết của Đảng; học các phương pháp dạy học và học cách làm việc hiệu quả; … Phải tham gia các chương trình bồi dưỡng, tự học qua thực hành trải nghiệm, qua thực tế làm việc.

  • Thành lập các câu lạc bộ.

GVMN rất đa tài, nhiều cô giáo trẻ còn có những sở thích riêng phù hợp với nghề nghiệp. Chẳng hạn, nhiều người ham mê hát, nhạc; nhiều người thích làm đồ chơi (chuyên làm hoa từ các nguyên liệu khác nhau, làm các sản phẩm từ cát, thích gấp giấy…); có bạn trẻ thích làm tranh truyện trẻ em; GV lớn tuổi sáng tác thơ, đan lát,…vv. Nếu thành lập các câu lạc bộ này, GVMN ở các trường có thể giao lưu, học hỏi, thỏa mãn nhu cầu khám phá và sáng tạo của mình. Sản phẩm có được dù là vật chất hay tinh thần cũng giúp các cô giáo vui vẻ hơn, dễ dàng thể hiện các năng lực chuyên biệt trong công tác chuyên môn ở trường mầm non.

  • Tổ chức các hội thi theo nhu cầu và khả năng GV.

Tất cả các cuộc thi phải trên quan điểm không áp lực. Mỗi người GV đều có mặt mạnh riêng, những năng lực tiềm ẩn của họ sẽ được khám phá nếu cho họ lựa chọn cách để tự thể hiện mình.
Các phòng giáo dục, trường mầm non, ủy ban nhân dân xã,… là người khởi xướng phong trào và động viên GVMN tham gia. Chẳng hạn: ngày 8/3 hội thi “Phụ nữ đa tài”, các cô GVMN đăng kí tham gia thể hiện: hiểu biết kiến thức ngành, nấu ăn (làm bánh, nấu chè), làm đồ dùng đồ chơi, ca hát, sáng tác thơ, đóng kịch, sơ cấp cứu, trang trí lớp học, giờ dạy tốt, ứng xử hay,… Kết quả cuộc thi đều phải được ban tổ chức ghi nhận sự nhiệt tình và cố gắng của họ, các tiết mục (tác phẩm) tốt sẽ lần lượt được công diễn vào dịp thích hợp. Hội thi giống như ngày “hội” thực sự, giúp GV hứng khởi, vừa thoải mái tinh thần, vừa có thêm kinh nghiệm trong chuyên môn nghiệp vụ.

  • Đa dạng hóa các hình thức đánh giá giáo viên

Chúng ta cần sử dụng nhiều hình thức khác nhau để đánh giá GV tại những thời điểm khác nhau: Kiểm tra nhận thức xã hội và chuyên môn bằng phiếu trắc nghiệm; quan sát quá trình tổ chức một hoạt động; đàm thoại để biết ý tưởng xây dựng kế hoạch /môi trường học tập cho trẻ; giao một nhiệm vụ nhất định; dự giờ dạy không báo trước, sắp đặt để GV ứng xử các tình huống sư phạm; vv… Đánh giá định kì và đánh giá thường xuyên. Ngoài cán bộ quản lí làm nhiệm vụ kiểm tra, cần lấy nguồn thông tin đánh giá (có minh chứng) từ đồng nghiệp, từ các bậc phụ huynh, từ trẻ,… và tự đánh giá của GV.
Các hình thức đánh gia cần công khai cho GV biết trước, kết quả đánh giá phải thông báo cho GV. Thay vì tìm kiếm nhược điểm, phải phát hiện được nhiều mặt ưu điểm của mỗi GV. GV sẽ hài lòng nếu kết quả đánh giá là khách quan và chính xác. Cho GV biết họ có năng lực và có thể làm rất tốt lĩnh vực nào đó, đồng thời khuyến khích, động viên họ cố gắng hơn vì tập thể.

  • GVMN được hưởng chế độ theo năng lực

Không phải GV nào cũng làm việc giống nhau. Sau mỗi thời gian nhất định, tùy thuộc vào kết quả đánh giá, CBQL xem xét, đề xuất chế độ ưu đãi cho những người có năng lực tốt hơn như: có năng khiếu nổi trội; có khả năng tổ chức rất tốt các hoat động giáo dục trẻ; có khả năng tuyên truyền thành công kiến thức nuôi dạy trẻ tới cộng đồng; thu hút được nhiều trẻ đến trường nhập học; được mọi phụ huynh tín nhiệm; có ý tưởng mới giúp phát triển ngành học,vv… Cho dù là nhiều hay ít, vật chất hay tinh thần, nếu được tập thể ghi nhận thì những “phần thưởng” đó cũng xứng đáng với năng lực và tâm huyết của họ, thúc đẩy sự phấn đấu của cá nhân đối với nghề nghiệp.

  • Khách quan trong việc tuyển dụng GV vào làm việc tại các trường mầm non.

Trường nào, người quản lí nào cũng mong muốn có được nhiều giáo viên tốt. Nhưng thực tế thì không phải GV nào có nhiều năng lực cũng dễ dàng xin được việc làm … Các tiêu chí xét tuyển của các trường, các cán bộ quản lí là khác nhau. (Đây là một trong những lí do ảnh hưởng đến lòng yêu nghề của GVMN).
Để có chất lượng giáo dục tốt, các cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ phải có kế hoạch bồi dưỡng và xét tuyển đội ngũ giáo viên. Tiêu chí tuyển chọn phải công khai, rõ ràng; sau khi sơ tuyển, GVMN trước khi được đứng lớp thực sự cần trải qua các bài thi (về nhận thức, kĩ năng sư phạm) và thời gian thử thách nhất định. Cả hội đồng sư phạm nhà trường được tham gia đánh giá năng lực của GV mới…. Trước khi nhận GV vào làm việc tại cơ sở GDMN, cần xét đến phẩm chất và lòng yêu trẻ, yêu nghề của GV. Chỉ khi người GV có lòng yêu nghề thì mới có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với nghề, và khi thực sự yêu nghề họ mới làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn phấn đấu không ngừng để nâng cao trình độ, năng lực và hoàn thiện bản thân mình. “Người thầy giỏi nhất dạy bằng trái tim chứ không phải từ sách vở”.

  • Xây dựng một tập thể sư phạm lành mạnh, đoàn kết

Một tập thể thân ái, đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ đồng nghiệp cả về vật chất và tinh thần, phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, nề nếp, kỉ cương, dân chủ,… sẽ giúp GVMN yên tâm công tác, sẵn sàng vì sự lớn mạnh của tập thể.

  • Bản thân mỗi người GVMN phải biết tự làm đẹp

Ai cũng thích mình đẹp và thích thưởng thức cái đẹp. Sẽ là tốt nhất nếu chúng ta giáo dục đạo đức, tình cảm, trí tuệ và thẩm mĩ cho trẻ bằng chính hình ảnh tuyệt vời của cô giáo mầm non. Đúng là yếu tố ngoại hình của cô giáo rất quan trọng đối với trẻ. Nhưng không có nghĩa là phải ăn mặc diêm dúa hay trang điểm cầu kì, “Cô giáo đẹp” thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn và vẻ đẹp trí tuệ. Các cô cần có cơ thể khỏe mạnh, có ánh mắt vui tươi, thân thiện, có lời nói dịu dàng, cách ăn mặc lịch sự, dáng đi, cử chỉ, hành vi, cách ứng xử,…phải thể hiện người có văn hóa cao và chuẩn mực – xứng đáng là “thần tượng” của các cháu. Mỗi một cô giáo đẹp sẽ có cả một nhà trường đẹp.
Vì vậy, dù bận rộn vất vả đến đâu cũng cần tạo một tâm lí thoải mái cho cả cô và trẻ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”….
Có thể nói, GVMN là người quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo ở bậc học đầu tiên này. Mỗi đứa trẻ sau này sẽ là ai, sẽ trở thành người như thế nào, nhân cách của trẻ sẽ phát triển ra sao?… Một phần trách nhiệm thuộc về các cô nuôi dạy trẻ, “người mẹ hiền thứ hai” của các em.
          Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ, nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức. GDMN cần khẳng định vai trò và vị trí của mình, mỗi giáo viên MN cần không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất và năng lực, cần tạo cho mình bản lĩnh nghề nghiệp và kĩ năng học tập suốt đời nhằm đáp ứng xu thế phát triển của thời đại.