NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN

Một mùa thi mới lại bắt đầu đối với các bạn sinh viên trường Đại học Thủy lợi. Học như thế nào để mang lại hiệu quả trong suốt quả trình học tập cũng như để đạt điểm cao trong đợt thi cuối kỳ có thể là câu hỏi trăn trở đối với nhiều bạn sinh viên. Vấn đề ở đây chính là quá trình tự học của sinh viên, ở cả trên lớp và ở nhà. Để định hướng cho các bạn sinh viên, bài viết này sẽ đưa ra một số điểm chính mà các bạn cần lưu ý để thực hiện tốt quá trình tự học của mình.

Lớp 59K-QT đang làm kiểm tra cuối kỳ một học phần chuyên ngành

 

Khái niệm tự học đã được nhiều học giả đúc kết và đưa ra. Tuy nhiên khái niệm đơn giản và dễ hiểu nhất do nhà giáo Nguyễn Cảnh Toàn đưa ra, đó là “Tự học là tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp,…) … để chiếm lĩnh tri thức một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình”[1]. Do vậy, từ định nghĩa trên ta có thể rõ rằng tự học cũng là một quá trình và do bản thân mỗi người học phải chủ động thực hiện. Nếu xây dựng và làm chủ được phương pháp tự học, đặc biệt là sự tự giác, ý chí và sự chủ động sáng tạo sẽ khơi dậy năng lực tiềm năng, tạo ra động lực nội sinh cho mỗi sinh viên.

Trong tất cả các lĩnh vực khoa học, quá trình tự học có một số điểm cơ bản chung mà nhiều nhà khoa học giáo dục đã đúc rút. Sau đây là nội dung quan trọng trong quá trình tự học mà mỗi sinh viên cần quan tâm thực hiện một cách thường xuyên:

Luôn xây dựng cho mình một kế hoạch học tập cụ thể, rõ ràng: Đối với bất kì ai muốn việc học thật sự có hiệu quả thì mục đích, nhiệm vụ và kế hoạch học tập phải được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Trong đó kế hoạch phải được xác định với tính hướng đích cao. Tức là kế hoạch ngắn hạn, dài hơi thậm chí từng môn học, từng phần phải được lên kế hoạch rõ ràng, nhất quán cho từng thời điểm từng giai đoạn cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Vấn đề kế tiếp là phải chọn đúng trọng tâm, xác định được cái gì là cốt lõi, là quan trọng để ưu tiên tác động trực tiếp và dành thời gian giải quyết. Nếu việc học dàn trải thiếu tập trung thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao. Sau khi đã xác định được trọng tâm, phải sắp xếp các phần việc một cách hợp lý về cả nội dung lẫn thời gian, đặc biệt cần tập trung hoàn thành dứt điểm từng phần, từng mục theo thứ tự được thể hiện chi tiết trong kế hoạch. Điều đó sẽ giúp quá trình tiến hành việc học được trôi chảy thuận lợi.

Đẩy mạnh quá trình tự tìm tòi, tiếp cận và nắm vững nội dung tri thức: Đây là quá trình quyết định và chiếm nhiều thời gian công sức nhất. Khối lượng kiến thức và các kĩ năng được hình thành nhanh hay chậm, nắm bắt vấn đề nông hay sâu, rộng hay hẹp, có bền vững không,… tùy thuộc vào nội lực của chính bản thân chúng ta. Một số hoạt động trong quá trình này bao gồm:

–  Tiếp cận thông tin: Lựa chọn và chủ động tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và từ những hoạt động như đọc sách giáo trình, nghe giảng, tra cứu trên Internet, trao đổi với bạn học cùng lớp hoặc giảng viên,… Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, nguồn thông tin có thể tiếp cận là vô hạn và một công cụ rất hữu dụng đó là tra cứu trên Google để tìm kiếm thông tin.

– Xử lý thông tin: Việc xử lý thông tin trong quá trình tự học không bao giờ diễn ra trong vô thức mà cần có sự động não, suy nghĩ và xử lý. Quá trình này có thể được tiến hành thông qua việc phân tích, đánh giá, tóm lược, tổng hợp, so sánh,…

– Vận dụng thông tin, tri thức: Trong việc vận dụng thông tin, tri thức khoa học để giải quyết các vấn đề liên quan như thực hành bài tập, thảo luận, xử lý các tình huống, viết tiểu luận, báo cáo,… Tuy nhiên cần tập trung và giới hạn vào trọng tâm vấn đề, tránh lan man và quá rộng.

Tóm lại, tự học là một quá trình cần được thực hiện liên tục, bắt đầu bằng việc nghiên cứu về chủ đề trước khi lên lớp, tham gia học tập trên lớp, đến tự học ở nhà và liên hệ trên thực tiễn để củng cố và làm chủ tri thức. Đối với từng môn học, các bạn sinh viên cần phải tìm hiểu và suy nghĩ kỹ về môn học, xác định rõ mình sẽ học được gì sau khi học phần kết thúc. Ở trên lớp cần tập trung tiếp thu kiến thức và đây là điều cần thiết để có thể tiết kiệm thời gian tự học ở nhà. Cố gắng nắm bắt và hiểu bản chất vấn đề. Ví dụ khi học về một chủ đề mới thì cần phải hiểu khái niệm của nó. Đối với những chủ đề khó, để hiểu khái niệm đôi khi đọc ở trong sách hay bài giảng là chưa đủ mà có thể cần tìm kiếm thêm trên Google để hiểu rõ bản chất của nó, cần tìm ra nguồn gốc của nó ra sao, ý nghĩa của nó là gì, mối liên hệ của nó trên thực tế, cố gắng học để hiểu bản chất chứ không chỉ để biết những gì giảng viên truyền đạt. Để ôn tập hiệu quả, đối với mỗi môn học, sinh viên cần hệ thống hóa lại các kiến thức cốt lõi, hiểu bản chất các vấn đề cốt lõi. Khi chúng ta hiểu bản chất vấn đề thì khi thực hiện bài thi thậm chí không biết câu trả lời chính xác, chúng ta có thể suy luận để trả lời đúng các tình huống mà đề bài ra.

Vấn đề tự học rõ ràng không hề đơn giản. Muốn hoạt động học tập có hiệu quả nhất thiết mỗi sinh viên phải có sự nỗ lực, phải chủ động, tự giác học tập bất cứ lúc nào có thể bằng chính nội lực của bản thân mình.

TS. Trương Đức Toàn

[1] Nguyễn Cảnh Toàn, Tuyển tập tác phẩm  tập II, Tự giáo dục, Tự học, Tự nghiên cứu, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông – Tây, 2001, trang 621.