[My reading list] Sách, truyện, blog … hay nhất tôi từng đọc – The Present Writer

Bài viết tổng hợp danh sách những gì hay nhất tôi từng đọc, từ sách chuyên ngành, tiểu thuyết, đến truyện tranh, blog. Tiêu chí để chọn vào danh sách này bao gồm: (1) những tác phẩm tôi thích nhất từ lần đầu đọc, (2) những tác phẩm tôi cảm thấy có thể đọc đi đọc lại nhiều lần nhất, và (3) những tác phẩm có ý nghĩa nhất đối với quá trình trưởng thành và phát triển bản thân của tôi. Bạn đọc có thể click vào những từ khoá đã được hyperlink sau đây để tới từng thể loại mình quan tâm: Sách học thuật; Sách phi học thuật;  Blogs;  Truyện tranh

Đây là một trong những bài viết thuộc series “The Chi List” – nơi tôi chia sẻ những gì mình thích nhất tới bạn đọc. Tất cả những bài viết trong series này đều được cập nhật thường xuyên, lần cuối cùng bài viết này được cập nhật là 9/5/2017

 I. Sách học thuật (academic)

1. Ain’t No Makin’ It (Jay MacLeod) 

Cho đến ngày hôm nay, Ain’t No Makin’ It (tạm dịch: Không Thể Làm Được) của Jay MacLeod vẫn là cuốn sách tạo cảm hứng lớn nhất cho sự nghiệp nghiên cứu của tôi. Qua quá trình nghiên cứu nhiều năm về hai nhóm thanh niên lao động nghèo, MacLeod bàn về sự bất bình đẳng xã hội và ảnh hưởng của nó đến định hướng tương lai của thanh niên ở tầng lớp dưới. Là một cuốn sách học thuật nhưng được viết với văn phong dễ hiểu, sáng rõ, lôi cuốn, khiến người đọc cuốn vào trang sách. Đây là cuốn sách đặc biệt thú vị cho tất cả những ai học Xã hội học, Giáo dục, Tâm lý học, Phát triển thanh niên …

2. Pedagogy of the Oppressed (Paulo Freire) 

Trong Pedagogy of the Oppressed (tạm dịch: Giáo dục cho những người bị áp bức), Paulo Freire viết về bất công, áp bức trong xã hội. Ông chỉ trích trường học là nơi tiếp diễn sự bất công đó qua việc “nhồi” kiến thức vào đầu học sinh một cách rập khuôn, giết chết tư duy sáng tạo và phản biện. Freire đề xuất một phương pháp dạy học mới, khuyến khích trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học, kết nối kiến thức được học trong sách vở vào đời sống hàng ngày, truyền cảm hứng cho học sinh đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột. Khi mới ra đời, cuốn sách từng bị cấm xuất bản ở một số quốc gia đang bị cai trị bởi chế độ độc tài; cho đến ngày nay, mặc dù đã được bán ra hơn 1 triệu bản với nhiều thứ tiếng, cuốn sách vẫn tiếp tục là đề tài tranh cãi trong giới học thuật.

3. School and Society (Walter Feinberg & Jonas F. Soltis) 

Cuốn sách này có thể gọi là “sách giáo khoa” cho những ai học về School and Society (Trường học và Xã hội). Sách thống kê và viết lại một cách cô đọng, dễ hiểu, chi tiết các học thuyết về giáo dục và xã hội. Tại sao trường học lại phản ánh bộ mặt của xã hội và xã hội lại có thể bị ảnh hưởng bởi trường học? Làm sao để hiểu được tận gốc rễ các vấn đề tồn tại trong xã hội hiện nay dưới góc độ giáo dục? Cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn những khái niệm cơ bản nhất.

 II. Sách phi học thuật (non-academic)

A. Sách giả tưởng (fiction)

1. Tuyển tập truyện ngắn (Nam Cao) 

Từ khi còn đi học phổ thông cho tới tận bây giờ, Nam Cao vẫn luôn là nhà văn tôi yêu thích nhất. Có cái gì đó rất thật, rất dung dị, mà cũng rất sâu sắc, thấm thía trong văn Nam Cao. Nam Cao là tiêu biểu trong những nhà văn có thể dùng những ngôn từ hết sức bình thường, không lên gân lên cốt, không hoa mỹ, nhưng vẫn chạm được tới tâm hồn người đọc. Truyện ngắn tôi thích nhất của Nam Cao là “Bài học quét nhà” – một mẩu truyện nhỏ ít được mọi người biết đến nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc ngây thơ, non nớt của con trẻ.

2. To Kill The Mocking Bird (Harper Lee)

To Kill a Mockingbird (Giết Con Chim Nhại) là một trong những cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất mọi thời đại. Cuốn sách viết về cuộc sống và những sự kiện biến động xảy ra ở một thị trấn nhỏ miền Nam nước Mỹ vào những năm 1930s, dưới con mắt nhìn của một cô bé có tên là Jean Louise “Scout” Finch. Khi bắt đầu câu chuyện, Scout mới 6 tuổi và khi kết thúc câu chuyện, cô bé khoảng 8 tuổi. “Giết con chim nhại” là cái nhìn ngây thơ, trong sáng vào một thế giới bất công, phân biệt chủng tộc, đầy oan trái. Bạn đọc có thể tham khảo bài review ngắn của tôi về cuốn sách này tại đây.

B. Sách phi giả tưởng (non-fiction)

1. The Four Agreements (Don Miguel Ruiz)

Đúng như tên gọi, The Four Agreements (Bốn Thoả Ước) viết về bốn điều quan trọng nhất mà tác giả đúc kết được từ cuộc sống. Bốn thoả ước là bốn chìa khoá về tinh thần để con người tự giải phóng bản thân, sống một cuộc sống tích cực, hạnh phúc. Tôi đã từng viết một bài review chi tiết về cuốn sách này ở đây. Đây là một cuốn sách khá trừu tượng và tương đối khó đọc vì tác giả viết về những thứ tưởng chừng như rất đơn giản của cuộc sống nhưng qua lăng kính triết học, tín ngưỡng, tâm thần học… Nếu bạn kiên nhẫn đọc kỹ, tìm hiểu ý tưởng lớn của tác giả, và ứng dụng tư duy của cuốn sách vào đời sống hàng ngày, tôi tin cuộc sống của bạn sẽ thay đổi chỉ bằng bốn thoả ước này.

2.The Alchemist (Paulo Coelho)

The Alchemist (Nhà Giả Kim) là một cuốn sách không còn xa lạ gì với nhiều thế hệ các bạn đọc Việt Nam. Đây là một cuốn sách có nội dung về ước mơ và hiên thực hoá ước mơ, được viết với văn phong trừu tượng, thậm chí có phần “cổ tích”. Vì vậy, những người chưa từng đọc sách (mà chỉ mới nghe qua nội dung) hay không đọc kỹ sẽ rất dễ hiểu sai và đánh giá không đúng về giá trị thật của cuốn sách này. Đây là một cuốn sách vô cùng hay, theo quan điểm của tôi, và là nguồn cảm hứng bất tận cho những người trẻ tuổi lao động không ngừng nghỉ, tiến lên đường đầu với khó khăn, chấp nhận rủi ro để tìm và làm hiện thực hoá giấc mơ của mình. Nhưng cũng như ước mơ lửng lơ trên bầu trời, ý nghĩa trừu tượng của cuốn sách có lẽ chỉ cảm được bởi những ai kiên nhẫn, chịu khó trau dồi, đọc kỹ lưỡng và nghĩ về những ý tưởng lớn vượt lên trên con chữ thông thường.

3. The Defining Decade (Meg Jay)

The Defining Decade (Tuổi 20, Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời) là một cuốn sách rất thú vị về tuổi trẻ, về cái gọi là “khủng hoảng tuổi 20”, và làm sao để biến những năm tháng đầu đời này thành điểm tựa cho thành công sau này. Điểm đặc biệt của cuốn sách này là tác giả, một Tiến sĩ Tâm lý học, đã sử dụng nhiều học thuyết chuyên ngành và nghiên cứu khoa học để lý giải và gỡ rối cho vấn đề mà những người tuổi 20 gặp phải. Cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin nhưng không hề khô khan, khó hiểu, mà rất rõ ràng, lôi cuốn, nhân văn. Đây là một cuốn sách mà theo tôi, tất cả những người đã, đang, và sẽ bước qua tuổi 20 nên đọc một lần trong đời. Bạn đọc có thể đọc bài review chi tiết của tôi về cuốn sách này tại đây.

6. Cà Phê Cùng Tony (Tony Buổi Sáng)

Có lẽ không phải nói nhiều về cuốn sách này vì trong khoảng 2 năm trở lại đây, Tony Buổi Sáng đã là một kênh thông tin vô cùng quen thuộc với các bạn trẻ Việt Nam. Cuốn sách này tổng hợp các bài viết ngắn của nhân vật “Dượng Tony”, về trải nghiệm cuộc sống. Với cách viết thẳng thắn, dí dỏm, tự trào, tác giả đưa đến cho bạn đọc những bài học thực tế rất sâu cay. Tôi đặc biệt thích cuốn sách này vì nó “gãi đúng chỗ ngứa” những điểm yếu và thói hư tật xấu của xã hội Việt Nam, đồng thời thôi thúc các bạn trẻ sống tự lập, tự thay đổi bản thân, chủ động vươn ra thế giới, nắm lấy cơ hội của mình.

 III. Blogs

1. The Present Writer

Việc để chính blog của mình (www.thepresentwriter.com) vào danh sách này có vẻ hơi khôi hài, nhưng sự thật là tôi rất thường xuyên đọc lại bài viết cũ trên blog này với tư cách người đọc. Nhất là trong những thời điểm khó khăn, tiêu cực, buồn chán, việc đọc lại những bài viết về Tư duy tích cực, Chủ nghĩa tối giản, phỏng vấn những người con người thú vị … luôn làm cho tôi cảm thấy tốt hơn và có thêm động lực để tiếp tục viết. Tôi đã trưởng thành rất nhiều kể từ khi bắt đầu viết blog và vẫn luôn học thêm điều mới với vị trí tác giả và độc giả thông thường. 

2. The Minimalists

The Minimalists (www.theminimalists.com) là một trong những blog nổi tiếng nhất về Chủ nghĩa tối giản. Blog ghi lại hành trình tối giản hoá và trải nghiệm cuộc sống của hai anh chàng Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus. Phong cách viết của blog chân thành, thẳng thắn, nhưng cũng nhẹ nhàng, sâu lắng. Bài viết làm tôi cảm động nhất là “Letting Go: Dealing with the Death of a Loved One” khi Joshua chia sẻ hoàn cảnh của mình khi mẹ mất và phải đưa ra quyết định về những món đồ bà để lại – đây cũng là thời khắc quan trọng đưa Joshua đến với Chủ nghĩa tối giản

3. James Clear

James Clear (www.jamesclear.com) là một blog rất thú vị về phát triển bản thân. Điểm đặc biệt của blog này là tác giả thường xuyên sử dụng các nghiên cứu về tâm lý học và hành vi con người để đưa ra bài học cuộc sống. Các bài viết của blog khúc chiết, dễ hiểu, gần gũi nhưng luôn để lại cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc. Tôi có lược dịch một bài viết của James Clear về “Cảm Ơn” tại đây.

4. Derek Sivers

Derek Sivers là một doanh nhân rất tài giỏi và cũng tương đối “khác người” (trong cách anh nhìn về tiền bạc, kinh doanh, thời gian, và cuộc sống). Blog của Derek (www.sivers.org) là những bài viết rất ngắn (thường chỉ khoảng 1-2 đoạn văn) nhưng rất “chất” – cô đọng, hàm súc, và vô cùng đặc sắc.

 IV. Truyện tranh

1. Glass Mask (Suzue Miuchi)

Tôi bắt đầu đọc bộ manga Glass Mask (Mặt Nạ Thuỷ Tinh) từ khi còn học tiểu học, khi mà bộ này có tên gọi là Cô Bé Chăm Chỉ. Truyện (chưa có hồi kết) kể về một cô bé có vẻ ngoài bình thường nhưng mang đam mê cháy bỏng với kịch nghệ và vượt qua nhiều gian khổ để đến với sân khấu. Cho đến tận bây giờ, đây vẫn là bộ manga mà tôi yêu thích nhất. Cách vài năm, tôi lại đọc lại bộ truyện này một lần, và mỗi lần đều “học” được thêm một cái mới. Ví dụ như có những tình tiết về tình yêu giữa hai nhân vật chính mà tôi không thực sự hiểu khi còn học phổ thông, nhưng đến khi gặp được chồng mình hiện tại, tôi mới ngộ ra được ý nghĩa sâu sắc của tình tiết đó. Có thể nói, bộ truyện này đã song hành cùng quá trình trưởng thành của tôi. 

(Còn tiếp tục cập nhật)

Be Present,

Chi Nguyễn

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog