Muốn trở thành giáo viên tiêu học giỏi

MUỐN TRỞ THÀNH GIÁO VIÊN TIỂU HỌC GIỎI ?

***

 

       Trường tiểu học là nơi đầu tiên dạy trẻ em biết yêu gia đình, quê hương, đất nước và con người, biết đọc, biết viết biết làm tính, biết tìm hiểu tự nhiên, xã hội và con người. Chính vì vậy, qua nhiều năm giảng dạy ở bậc Tiểu học tôi cảm nhận thấy đứng về kiến thức khoa học thì không nhiều nhưng rất khó thành công điều này đòi hỏi ở người thầy phải có kiến thức sư phạm thật cao. Công tác chủ nhiệm của người thầy ở đây đòi hỏi hết sức khắc khe so với các bậc học khác.

          – Nghề dạy học ở Tiểu học có đặc điểm giống như các bậc học khác, nhưng có đặc thù riêng về mặt sư phạm  mà người làm nghề dạy học khác không cần hoặc không có được. Chính vì vậy giáo viên Tiểu học cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng sư phạm, đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh Tiểu học thật tốt.

          – Phương châm giáo dục của bản thân là “lạt mềm buộc chặt”, giáo viên chủ nhiệm phải thực sự là người thân thiện,  nhất là đối với những học sinh chưa ngoan. Xem các em như chính con em mình để yêu thương và nhẹ nhàng gần gũi, động viên chia sẻ với các em mọi vui buồn trong cuộc sống… Từ đó giáo dục tốt về đạo đức, tư tưởng lối sống, ý thức rèn luyện mọi mặt cho các em.

          – Một lớp học được xem là thân thiện có nghĩa là ở đó phải kích thích được niềm yêu thích của các em với tri thức, đánh thức những khả năng tiềm tàng trong các em. Muốn làm được điều này tôi nghĩ các thầy cô giáo không nên làm những cây cổ thụ tỏa bóng râm che mát cho các em mà nên làm những người hướng đạo đầy bản lĩnh cùng các em làm khách bộ hành trên con đường khám phá tri thức.

          – Phải trang bị cho mình phương pháp dạy học và thói quen làm việc khoa học ở mỗi môn học, mỗi bài học để đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy. Cần xác định được mục tiêu của bài. Đặc biệt cần dành tâm sức trí tuệ và thời gian cho việc dạy học. Việc thiết kế bài dạy  phải căn cứ vào mục tiêu dạy học, đặc điểm của học sinh, tính chất của môn học, điều kiện vật chất có thể sử dụng được trong quá trình dạy học. Trước khi lên lớp người giáo viên cần phải xác định được:

          1/ Dạy cái gì ? (Xác định nội dung dạy học).

          2/ Sau khi học song học sinh cần biết hoặc biết làm cái gì? (Xác định mục tiêu).

          3/ Kiến thức thực sự của học sinh hiện nay như thế nào?

          4/ Học sinh thực sự đã biết gì? (Đánh giá những điều học sinh đã biết trước khi học và sau khi học).

          5/ Dạy bài học đó như thế nào? (Lựa chọn phương pháp và kỹ năng dạy học).

          6/ Giáo viên cần hiểu biết về những đặc điểm của học sinh, lứa tuổi, thói quen trình độ học sinh, trẻ bị tật, trẻ có gia đình khó khăn…

          7/ Cần chú ý đến cách mở đầu bài học sao cho hứng thú trong học tập với học sinh và cách kết thúc bài học để gây ấn tượng cho học sinh. Nhất là đảm bảo tính đa dạng và hài hoà của các phương pháp dạy học được áp dụng, điều này đặc biệt quan trọng với học sinh Tiểu học.

          – Giáo viên tiểu học dạy nhiều môn, mỗi giáo viên phụ trách một lớp. Do đó giáo viên tiểu học phải có:

           +  Hiểu biết cơ bản, khái quát nhất về nhiều lĩnh vực.

           + Cần vốn văn hoá chung, hơn những đòi hỏi chuyên môn quá sâu về mỗi môn học hoặc lĩnh vực.

          – Giáo viên tiểu học đúng nghĩa là “người thầy tổng thể”.

          – Giáo viên tiểu học là “thần tượng” của học sinh tiểu học.

          – Học sinh nhất nhất nghe theo giáo viên; trong mắt các em giáo viên là người tốt nhất, là người giỏi nhất, là người đúng nhất.

          – Giáo viên phải là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh.

          – Mỗi giáo viên tiểu học hãy là “thần tượng” của học sinh mình.

          – Giáo viên tiểu học là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục tiểu học.

          * Tiểu học là cấp học của phương pháp dạy học:

          + Giáo viên tổ chức các hoạt động học cho học sinh.

          + Học sinh thực hiện các hoạt động học sẽ hình thành các khái niệm khoa học. Theo cách như vậy học sinh tự làm kiến thức cho mình.

          – Để việc dạy học đạt kết quả tốt thì ngoài việc thiết kế bài dạy tốt còn một việc quan trọng nữa là hướng dẫn học sinh thi công bài học đó. Như vậy mỗi giáo viên ngoài việc phải trang bị những kiến thức sư phạm  còn phải sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học, đồ dùng dạy học (Hướng dẫn vào trọng tâm ) trên cơ sở kế thừa phát huy những phương pháp cũ tích cực. Việc kiểm ra đánh giá kết quả học tập cũng là khâu hết sức quan trọng phải được làm thường xuyên, liên tục để giáo viên nắm bắt được thông tin ngược từ phía học sinh từ đó điều chỉnh quá trình dạy học cho phù hợp và có hiệu quả. Khi kiểm tra đánh giá kết quả học tập của các em cần coi trọng động viên, khuyến khích sự tiết bộ của học sinh tránh để lại dấu ấn tiêu cực chán nản trong tâm trí học sinh. Muốn làm tốt được những việc trên để công tác dạy học đạt kết quả cao bản thân người giáo viên phải luôn tự giác tích cực học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cho mình. Việc học tập có thể qua nhiều kênh thông tin, qua bồi dưỡng thường xuyên, qua bạn bè đồng nghiệp, sách báo.

          – Người giáo viên làm công tác giảng dạy còn phải tích cực tìm tòi, nghiên cứu sách vở, học hỏi đồng nghiệp và những người đi trước để vận dụng các phương pháp dạy học một cách linh hoạt, khéo léo, phù hợp với từng bài, từng phần nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cũng như để lôi cuốn, tạo hứng thú và đưa các em đến với niềm đam mê thích thú trong học tập.

          – Luôn giữ mối quan hệ gần gũi, thân thiết và tốt đẹp với học sinh, khuyến khích các em nói ra những gì mình nghĩ để tất cả các giờ học đều thoải mái, vui tươi và sôi nổi hơn. 

          Trên đây là một số kinh nghiệm mà bản thân tôi đã đúc rút được trong nhiều năm dạy học ở tiểu học rất mong ban giám hiệu và bạn bè đồng nghiệp trong hội đồng sư phạm nhà trường bổ sung đóng góp thêm.

         Xin trân thành cảm ơn!

@_01/2014

Nguyễn Thị Lệ

Giáo viên-khối trưởng 3 – Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi, thành phố Kon Tum.

e-mail: [email protected]