Muốn mua bán cổ phiếu phải gọi điện nhờ công ty chứng khoán đặt lệnh giùm
Nhà đầu tư có tài khoản tại Chứng khoán SJCS liên tục gặp sự cố khi đặt lệnh giao dịch mua bán cổ phiếu. Trong ảnh là trụ sở của SJCS tại Q.1, TP.HCM – Ảnh: chụp từ video
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, nhà đầu tư H. (TP.HCM) cho biết sau khoảng thời gian dài ngó lơ các cổ phiếu đã mua, nhân lúc thị trường sôi động, chị quyết định đăng nhập vào tài khoản mở tại CTCP Chứng khoán SJC (SJCS) để thực hiện giao dịch, song lại “tá hỏa”.
“Công ty gì mà đặt lệnh không hiện sổ lệnh. Nhà đầu tư đặt mua bán gì phải gọi lên công ty mới được cho hiển thị. Giờ hoạt động theo kiểu gì chẳng rõ mà hệ thống rất “củ chuối”, gọi đến khi nào cũng nghe bảo là đang đổi hệ thống”, nhà đầu tư H. phản ảnh.
Gặp nhiều trở ngại khi giao dịch, nhà đầu tư này quyết định làm thủ tục tất toán, chuyển chứng khoán sang công ty mới, nhưng mất tới 2 tuần, lâu hơn thông thường.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ và nhận được câu trả lời chính thức từ đại diện Chứng khoán SJC.
“Hệ thống của SJCS hiện đang trong quá trình nâng cấp nên thỉnh thoảng bị lỗi, khách hàng bị gián đoạn tạm thời tra cứu sổ lệnh online”, doanh nghiệp thừa nhận.
Công ty này cũng cho biết, sau khi nhận phản ánh và nhận thấy các bất tiện của khách hàng, nhân viên SJCS đã đề nghị khách hàng gọi điện đến tổng đài có ghi âm của doanh nghiệp để hỗ trợ trong quá trình kiểm tra thông tin và đặt lệnh của khách hàng, đồng thời phối hợp với nhà cung cấp phối hợp xử lý sự cố để đảm bảo cung cấp dịch vụ cho khách hàng được thông suốt.
Trong thời gian gần đây hệ thống giao dịch của nhiều công ty chứng khoán khác như VNDirect, TCBS, SSI, VPS… cũng xuất hiện các sự cố như không thể đăng nhập vào tài khoản giao dịch, khó khăn khi đặt lệnh mua bán cổ phiếu, trục trặc khi ứng tiền, gây nên không ít bất tiện cho nhà đầu tư.
Chứng khoán tăng, khối ngoại đảo chiều quay ra bán ròng
Phần lớn thời gian trong phiên giao dịch hôm nay 17-11 các chỉ số chứng khoán chính đều nằm trong sắc xanh.
“Công thần” giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng thuộc về cổ phiếu của Vingroup (VIC), Petrolimex (PLX), BIDV (BID), Vietcombank (VCB), Becamex IDC Corp (BCM)…
Áp lực bán đổ dồn vào cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Masan (MSN), Vietinbank (CTG), Eximbank (EIB), TPBank (TPB)…
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, chỉ số ngành năng lượng, công nghiệp, bất động sản, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng, hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính vẫn đạt tăng trưởng đáng kể. Chiều suy giảm rơi vào ngành nguyên vật liệu, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin.
Chốt phiên giao dịch 17-11, VN-Index tăng thêm 9,4 điểm (+0,64%) lên 1.475,85 điểm. Thanh khoản sàn HoSE nằm mức 26.067 tỉ đồng, giảm 25% so với phiên trước.
Rổ VN30 tăng nhẹ 2,36 điểm (+0,16%) lên 1.519,58 điểm.
Sắc xanh cũng hiện diện ở sàn HNX và rổ HXN30 với mức tăng lần lượt là 10,7 điểm (+2,37%) lên 462,95 điểm và 8,83 điểm (+1,19%) lên 750,58 điểm.
Chỉ số sàn UPCoM tăng 0,73 điểm (+0,65%) lên 112,21 điểm.
Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn chính gồm HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 32.600 tỉ đồng.
Sau 4 phiên mua ròng liên tiếp, hôm nay khối ngoại đã đảo chiều bán ròng hơn 210 tỉ đồng.
Công ty chứng khoán lại dặn khách tránh giao dịch vào giờ cao điểm