Muốn học sinh “cá biệt” thay đổi, hãy cho các em cơ hội – Giáo dục Việt Nam

GDVN-Đã có lúc tôi không kiềm chế được bản thân, đã quát mắng, thậm chí lơ là, bỏ mặc khi các con lười học. Đó là tôi đã sai, và từ sai đó tôi suy nghĩ, nhìn nhận lại.

“Tôi nhớ năm đầu tiên đi dạy học, lớp 4 tôi chủ nhiệm có một học sinh tên C.T rất nghịch, vào lớp không chịu ngồi yên và thường trêu các bạn, không chịu đọc hay viết bài, được nhắc nhở thì em đó tỏ ra thách thức và phản kháng lại, tôi đã phạt em vì cảm rất bực mình, đồng thời lên báo cáo sự việc với cô hiệu phó nhà trường, trước mặt cô tôi cũng đã khóc vì cảm thấy bất lực với học sinh này. Sau khi nghe cô hiệu phó chia sẻ câu chuyện, tôi mới biết C.T có tính cách “đặc biệt” từ bé, nghe vậy tôi thấy thương em hơn là giận, rồi từ cảm thông tôi như có thêm động lực và quyết tâm giúp C.T tiến bộ.

Tìm hiểu ra tôi biết được suốt từ năm lớp 1 đến nay C.T vì nghịch ngợm nên được luôn được xếp ngồi ở cuối lớp, tôi thấy như vậy không ổn bởi tâm lý của em khi thấy mình không được coi trọng. Tôi đã quyết định đổi chỗ cho C.T lên bàn đầu, ngồi đối diện với tôi, sau đó sắp xếp C.T làm tổ trưởng một tổ, lúc đầu các bạn phản đối cho rằng C.T không làm được. Nghe vậy tôi động viên cả lớp và xin cho bạn một cơ hội, và cũng thật ngạc nhiên chỉ sau một tuần làm tổ trưởng, C.T như thay đổi hoàn toàn, không còn nghịch trêu các bạn trong giờ học, từ đó con đã ngoan, tập trung nghe giảng và chịu khó viết bài.

Tôi nhận thấy nếu như mình chịu khó tìm hiểu, thấu hiểu, coi trọng học sinh, cho các em một cơ hội để thấy mình có ích trong lớp, các con sẽ khẳng định mình, và đó cũng là cách giáo dục hiệu quả nhất, tránh những xử lý cứng nhắc gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và cả lớp”, cô giáo Bùi Bích Thủy – Tổ trưởng chuyên môn khối 1, Trường Tiểu học Tân Lập A, (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. (cô Thủy sinh năm 1993, đã tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021).

Cô Thủy nói: “Tôi quan niệm, người giáo viên muốn thành công cần có những yếu tố, đó là sự tâm huyết, lắng nghe, yêu trẻ và sáng tạo. Chính vì thế tôi luôn có ý thức tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia Khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho giáo viên tiểu học, tích cực tham gia các khóa học ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thiết kế đổi mới bài giảng, sử dụng phương pháp dạy học tích cực, truyền cảm hứng để đổi mới cách tiếp cận cũng như phương pháp dạy học giúp các em nhỏ luôn trong tâm thế sẵn sàng cho một khởi đầu mới.

Trải qua nhiều thời gian tìm hiểu và kinh nghiệm thực tế của bản thân, tôi đã rút ra: Giáo dục bằng tình yêu thương luôn là con đường giáo dục hiệu quả nhất, vậy nên hãy quan tâm đến việc mở cửa trái tim trước khi đưa kiến thức nào đó đến với học sinh của mình. Đã có lúc tôi không kiềm chế được bản thân, tôi đã quát mắng, thậm chí lơ là, bỏ mặc khi các con lười học. Đó là tôi đã sai, và chính cái sai đó giúp tôi suy nghĩ và nhìn nhận lại. Hôm sau đến lớp, tôi đã vỗ nhẹ vai động viên và nói lời yêu thương.

Tôi tin rằng mình đang gieo những hạt giống yêu thương và chắc chắn tôi sẽ gặt hái được những trái ngọt. Và quả thật, tôi cảm nhận được các con học sinh coi tôi như người mẹ thứ hai của mình. Ngoài lòng yêu thương, sự tận tụy và trách nhiệm không thể thiếu đối với một giáo viên.

Đặc biệt, tôi luôn đến sớm để đón các con từ ngoài cửa lớp với một nụ cười rạng rỡ, bởi một nụ cười cũng giúp các con cảm thấy yên tâm và an toàn hơn trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ. Bản thân tôi cũng luôn gắn bó, hỗ trợ học hỏi đồng nghiệp trong công tác, đời sống để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong tổ chuyên môn, chúng tôi cũng luôn trao đổi để giải quyết những khó khăn, khúc mắc, đặc biệt trong năm đầu thực hiện việc đổi mới sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Sáng tạo và sự tâm huyết luôn song hành

Cô Thủy cho biết: “Tôi luôn quan niệm sự sáng tạo và sự tâm huyết luôn song hành với nhau, có tâm huyết thì mới ra được sản phẩm sáng tạo. Từ sự tâm huyết với nghề, tôi luôn cố gắng nỗ lực tự đổi mới, tự sáng tạo để phù hợp với nhu cầu đổi mới của giáo dục.

Thứ nhất: Ứng dụng các phần mềm Công nghệ thông tin trong giao bài, nhận xét, khen thưởng học sinh. Tôi đã tìm hiểu nhiều phần mềm hỗ trợ nhận xét, khen thưởng học sinh khi học online để tăng liên kết giữa cô với trò, giữa phụ huynh với nhà trường.

Để tăng sự hứng thú, đảm bảo tính công bằng và kích thích khả năng chú ý của học sinh, ngoài cách gọi học sinh trả lời thông thường, tôi còn sử dụng phần mềm vòng quay may mắn lựa chọn ngẫu nhiên học sinh trả lời. Khi dạy học trực tuyến, tôi đã tìm tòi, tham khảo và sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ như giao bài, gửi bài, từ đó đem lại hứng khởi đối với học sinh.

Thứ hai: Với học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1, khả năng tập trung chưa cao. Chính vì vậy, tôi luôn nghĩ làm thế nào để học sinh hứng thú với tiết học, làm thế nào để việc học trở nên hấp dẫn và thú vị?

Tôi đã tạo môi trường chơi mà học, học mà chơi. Ngoài các trò chơi truyền thống, tôi còn tự thiết kế các trò chơi trên máy tính. Bên cạnh đó, tôi còn sử dụng phần mềm để tạo trò chơi học tập.

Các trò chơi với đồ họa đẹp, âm thanh vui nhộn thực sự hấp dẫn các con. Đặc biệt, vào thời điểm học trực tuyến thì các trò chơi này vô cùng hiệu quả. Khi thấy học sinh của mình hào hứng trong mỗi giờ học, tôi đã mạnh dạn chia sẻ khi sinh hoạt chuyên môn cùng đồng nghiệp và được các thầy cô cùng đón nhận để áp dụng trong từng lớp.

Thứ ba: Xây dựng dự án “đổi sao lấy truyện, đổi sao lấy cây xanh” để nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

Ngoài những giờ học tập trên lớp, trẻ có thể giải trí bằng rất nhiều cách. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các con chỉ thích xem ti vi hay sử dụng điện thoại, máy tính để chơi game. Và các con cũng sẽ bị lãng quên một thói quen vô cùng có ích. Đó chính là thói quen đọc sách.

Trước hết, tôi đã xây dựng “Tủ sách yêu thương”. Tôi đã tự tay đi chọn từng quyển sách cho các con, đó có thể là những cuốn sách về những bài học đạo đức, về lòng hiếu thảo, sự biết ơn, lòng nhân ái…Các con cũng có thể cùng bố mẹ đi mua sách và góp chung vào “Tủ sách yêu thương’’ của cả lớp để tủ sách phong phú hơn.

Để xây dựng văn hóa đọc cho các con, tôi đã hình thành cho các con thói quen đọc sách vào giờ truy bài, giờ ra chơi, tiết đọc sách…Sau đó, vào tiết sinh hoạt cuối tuần, tôi sẽ cho các con thi đọc, thi kể lại câu chuyện con yêu thích, cùng nhau trao đổi về nội dung câu chuyện đó. Bạn nào đọc tốt đều được cô giáo tích sao khen thưởng để đổi quà.

Trong thời điểm học trực tuyến, vào mỗi tối, các con sẽ đọc cho ông bà hoặc bố mẹ, người thân nghe một mẩu truyện ngắn trong tủ sách của mình và quay video, gửi cho cô và cô sẽ tặng quà.

Dự án này của tôi được học sinh và phụ huynh hưởng ứng rất nhiệt tình. Tình cảm gia đình được gắn kết, các con có kĩ năng trồng và chăm sóc cây, gần gũi với môi trường, với thiên nhiên…Đặc biệt, các con có thói quen đọc sách, kĩ năng đọc tiến bộ rõ rệt, nhiều con đọc diễn cảm, hơn hẳn những lứa học sinh ở các năm học trước.

Thứ tư: Gắn kết phụ huynh với nhà trường, giúp phụ huynh hiểu con hơn. Trong thời gian dịch bệnh Covid, học sinh không thể đến trường, tôi đã sử dụng Padlet để thu thập thông tin học sinh.

Ngoài ra, tôi còn sử dụng phần mềm Padlet giúp giáo viên có thể giảng bài trên lớp và thu thập ý kiến từ học sinh. Giao diện đẹp mắt, dễ sử dụng. Sau mỗi hoạt động ngoại khóa, tôi cũng nắm bắt suy nghĩ, mong muốn của con qua kênh này. Các con rất cởi mở khi bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình giúp tôi dễ dàng điều chỉnh nội dung các hoạt động sao cho phù hợp”.

Luôn đồng hành cùng phụ huynh

Theo cô Thủy: “Hiện nay, do công việc bận rộn nên nhiều bậc phụ huynh không thể dành nhiều thời gian ở bên con. Để bù đắp lại, cha mẹ thường đáp ứng mọi nhu cầu vật chất cho trẻ. Tuy nhiên, con trẻ chỉ có được sự giáo dục tốt khi bố mẹ là người bạn, đồng hành cùng con.

Hiểu được điều này, tôi đã trăn trở suy nghĩ làm thế nào để phụ huynh thay đổi suy nghĩ, quan tâm đến con hơn. Sau một vài lần thử nghiệm, tôi đã đổi mới cách thức họp phụ huynh, biến buổi họp thành một buổi trò chuyện nhẹ nhàng nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu của mình.

Để phụ huynh gắn kết, đồng hành cùng cô giáo và nhà trường, trong công tác giáo dục con em mình, ở buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi đưa ra hệ thống câu hỏi để bố mẹ tự kiểm tra xem mình đã thực sự quan tâm đến con và việc học của con hay chưa.

Các câu hỏi như: Các con đang học bộ sách lớp 1 nào? Ở trường, con được học bao nhiêu môn học? Cô giáo dạy Mĩ thuật của con là cô nào?…Sau mỗi câu hỏi, phần mềm tự tổng kết số người trả lời đúng. Những bố mẹ có câu trả lời đúng thì quả là tuyệt vời! Còn những bố mẹ có câu trả lời sai sẽ tự nhìn nhận lại chính mình và tôi tin rằng qua trò chơi nho nhỏ này, các bố, các mẹ sẽ thực sự quan tâm và sát sao đến con em mình hơn.

Giúp bố mẹ hiểu các con, tôi cũng tổ chức một trò chơi khác mang tên “Đó là con ai?”. Trước khi họp phụ huynh, tôi đã lấy ý kiến của học sinh về sở thích, khả năng, mong muốn…của mình.

Sau đó tôi làm các slide, mỗi slide tôi đưa ra một vài gợi ý như: Con chơi thân với bạn Minh Trí. Con thích học môn Tiếng Anh. Con sợ bóng tối. Con không thích ăn cá…kèm theo câu hỏi: “Đó là con ai?”

Với những phụ huynh nhận ra con mình, tôi sẽ dành lời khen cho họ. Còn với phụ huynh chưa nhận ra con mình, có thể tôi không cần nói gì nhưng cũng để lại khoảng lặng để phụ huynh tự suy nghĩ và nhìn nhận lại, và chắc chắn sẽ dành thời gian để quan tâm, để thấu hiểu các con hơn.

Có những mẹ đã tâm sự với tôi: Qua buổi gặp mặt hôm nay, chị mới thấy mình chưa dành nhiều thời gian để quan tâm và thấu hiểu con. Cảm ơn cô giáo đã giúp em nhìn nhận lại mọi việc. Thật sự cảm động khi đọc được những lời nhắn như vậy, tôi biết mình đang đi đúng đường. Hy vọng những giải pháp nho nhỏ của tôi sẽ được lan tỏa đến nhiều lớp học hơn nữa, để có nhiều bố mẹ được hiểu và được quan tâm con em mình theo đúng nghĩa”.

Tùng Dương