Muốn đi giày cao gót mà không sợ đau chân, nữ giới áp dụng không cần nghĩ ngay chùm mẹo vặt này
Giày cao gót là 1 trợ thủ đắc lực với phái đẹp, đặc biệt là với những cô nàng nấm lùn. Thế nhưng đôi giày giúp tôn dáng, khiến bạn quyến rũ này lại có thể khiến đôi chân khóc thét vì đau đớn, đặc biệt là lúc cuối ngày.
Vậy phải làm sao đây để chân không đau mà bạn vẫn được sải bước trên đôi giày cao gót.
Mục Lục
1. Nới rộng giày chật – đặt giày vào ngăn đá tủ lạnh 30 phút
Nếu giày bạn đi không thực sự ôm chân, cách đơn giản là đặt giày vào ngăn đá tủ lạnh trong vòng 30 phút. Khi đôi giày đã ngấm lạnh, bạn mang ra đi – nó sẽ vừa với hình dạng bàn chân ấm áp của bạn.
Bạn cũng có thể thử đặt một túi nước bên trong giày và đặt chúng vào tủ đá. Phần nước đóng băng sẽ làm căng giãn đôi giày của bạn ra một chút.
2.Tránh chân trượt xuống – dán băng dính 2 mặt vào đáy giày
Trong trường hợp bạn đi giày cao mà hay bị trượt xuống dưới, gây ra đau nhức ngón chân, thì hãy tìm đến sự giúp đỡ của băng dính 2 mặt.
Bạn có thể dán băng dính ở đáy giày và bàn chân, lúc này chân sẽ được cố định, không bị trượt xuống dưới, gây đau cho ngón chân nữa.
Hoặc nếu tiện hơn, bạn có thể dùng miếng lót giày đặc biệt. Miếng lót này thường được làm bằng silicon hoặc vải, nó sẽ ngăn bàn chân bạn đổ về phía trước, giúp giảm đau và phồng rộp.
3. Chống ma sát – bôi kem dưỡng ẩm lên chân
Trước khi đi giày, bạn cũng có thể bôi chút kem dưỡng ẩm lên chân. Kem vừa giúp da bạn mềm mại, mịn màng lại còn tránh bị cọ xát, đau – đặc biệt là những đôi giày mới, còn kích chân.
4. “Buộc” ngón chân để giàm đau nhức
Trước khi xỏ chân vào những đôi giày bịt mũi, hãy dùng miếng băng keo cá nhân hoặc băng gạc “buộc” ngón chân giữa và áp út lại với nhau. Điều này sẽ giúp giảm thiểu cơn đau ở ngón chân khi bạn đang đi giày cao gót.
Theo Mayo Clinic, giữa ngón áp út và ngón giữa của bàn chân có một dây thần kinh. Khi đi giày cao gót, áp lực sẽ dồn lên dây thần kinh này gây ra tình trạng đau nhức.
Việc cố định ngón chân áp út và giữa lại với nhau sẽ giúp giảm nhẹ áp lực dồn lên dây thần kinh đó, qua đó khiến bàn chân “dễ thở” hơn.
5. Dùng băng cá nhân – không lo phồng rộp
Giày dép mới còn khá cứng nên khiến phần gót chân bạn bị cọ sát nhiều, dễ phồng rộp. Giải pháp được đưa ra là luôn mang theo vài miếng urgo (băng dán cá nhân) trong túi để dán vào những điểm bị cọ sát, tránh phồng rộp, chai chân.
6. Phấn rôm vừa không chân hôi lại giảm ma sát
Để giảm lực ma sát giữa bề mặt mu bàn chân với giày, bạn hãy rắc một chút phấn rôm lên chân trước khi xỏ giày nhé!
Bột talc cũng có tác dụng giúp chân bạn khô ráo, tránh đổ mồ hôi nhiều nếu như bạn không mang tất khi đi giày.
7. Lúc có thể hãy dừng lại và để chân nghỉ
Đi bộ trên đôi giày cao gót thời gian dài sẽ khiến chân mỏi và đau nhức. Vì thế mỗi khi có cơ hội, bạn nên ngồi xuống để đôi chân được nghỉ ngơi khỏi đôi giày cao gót nhé.
Giày cao gót ra đời thế nào?
Giày chopines được coi là một trong những loại giày cao gót cổ nhất. Nó phổ biến vào thế kỷ 16, chiều cao của giày liên quan với mức độ cao quý của người phụ nữ – có đôi cao tới 70cm.
Giày cao gót đã khiến công chúng bị chinh phục khi được mang trong lễ cưới của Nữ hoàng Pháp – Catherine de Medici. Do không muốn xuất hiện với chiều cao khiêm tốn, Nữ hoàng đã đặt một đôi giày đế cao cho lễ cưới năm 1533.
Suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chân của phụ nữ luôn ẩn dưới chiếc váy dài nên giày cao gót chưa được quan tâm nhiều.
Những năm 1930, giày gót nhọn ra đời, nhưng đến khoảng thập niên 50 mới trở nên phổ biến. Gót giày mảnh mai hơn, thon nhọn dần về phía dưới.