Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ tăng từ 50-150%

Thể hiện rõ nhất là mức phạt  sẽ được tăng từ  50-150% đối với 83 nhóm hành vi vi phạm Luật Giao thông. Đây được coi là biện pháp mạnh hơn về mức xử phạt hành chính so với văn bản hiện hành đối với các vi phạm giao thông  nhằm tạo cho người tham gia giao thông có ý thức hơn trong việc tự giác thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ. 

Một điểm mới đáng chú ý nữa đó là thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lần này sẽ có thêm các lực lượng cảnh sát khác và công an xã.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, bổ sung thêm lực lượng này phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã với đặc thù về khu vực hoạt động và nhiệm vụ được giao đã thực hiện khá tốt vai trò của mình trong việc bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trong đó có giao thông đường bộ nói riêng.

Riêng trong năm 2008, các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã đã xử phạt trên 282.000 vụ vi phạm, phạt tiền trên 52 tỷ đồng; các hành vi vi phạm này chủ yếu xảy ra trong các khu dân cư, đô thị, trên các tuyến đường không phải là đường quốc lộ, tỉnh lộ trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông còn mỏng chưa đủ lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ.

Cũng theo dự thảo, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt 80-100.000 đồng. Theo Bộ GTVT, qua các tham vấn của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc và kết quả nghiên cứu đã khẳng định:

Trẻ em đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, chất lượng khi đi môtô, xe gắn máy sẽ không bị ảnh hưởng tới sức khỏe và có tác dụng bảo vệ vùng đầu, giảm tỷ lệ chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông;

Ở độ tuổi 6 tuổi, trẻ em bắt đầu đi học ở bậc tiểu học nên được người lớn chở đi học bằng xe mô tô, xe gắn máy thường xuyên hơn. Vì vậy khi xảy ra va chạm, tai nạn đổ xe, bị ngã xuống đường thì nguy cơ chấn thương vùng đầu là rất cao.

Vì vậy, để bảo vệ trẻ em giảm nguy cơ chấn thương khi xảy ra tai nạn giao thông, Dự thảo Nghị định đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi chở trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm.

Liên quan tới việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn, Dự thảo lần này quy định  tước giấy phép lái xe của người vi phạm  xuống còn 2 mức là 30 ngày và 60 ngày  thay cho 3 mức như hiện nay là 30-60 và 90 ngày. Sở dĩ thời gian tước quyền sử dụng được giảm xuống  vì các hành vi vi phạm đã bị tăng mức tiền phạt, đồng thời để hạn chế tác động xã hội và tạo điều kiện cho người vi phạm sớm được tiếp tục điều khiển phương tiện, hành nghề, tránh lãng phí cho doanh nghiệp, cá nhân, nhưng vẫn đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm.

Cũng theo dự thảo, tới đây chủ sở hữu của phương tiện phải có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ  như ghi lại hình ảnh và biển số đăng ký của phương tiện.

Việc quy định như trên nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; đồng thời nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện trong việc quản lý và sử dụng phương tiện,  tạo thuận lợi cho công tác xác định đối tượng vi phạm, phù hợp với quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn với quy định mới  này, bởi trên thực tế, việc xử phạt sẽ không khả thi đối với những phương tiện đã được chuyển nhượng qua nhiều chủ sở hữu khác nhau mà không làm thủ tục sang tên tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

PhuthoPortal (Nguồn: Chinhphu.vn)