Mục tiêu và bước nhảy về kinh tế – xã hội | Tư liệu văn kiện Đảng

Trong mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế – xã hội năm năm 2006 – 2010, nổi bật lên hai cái mốc rất quan trọng: đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010 và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Có thể coi đó là hai cái mốc đánh dấu hai bước nhảy lớn về chất quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta. 

Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ X của Ðảng đề ra mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế – xã hội năm năm 2006 – 2010 như sau: “Ðẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020…” 

Trong mục tiêu tổng quát đó, nổi bật lên hai cái mốc rất quan trọng. Thứ nhất, đến năm 2010, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Thứ hai, đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Có thể coi đó là hai cái mốc đánh dấu hai chặng đường, hai bước nhảy lớn về chất của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta. 

Cái nền được xây đắp từ những thành tựu đã qua 

Câu hỏi đặt ra là: Dựa trên cơ sở nào Ðại hội X đề ra mục tiêu tổng quát nêu trên? Ðể trả lời, trước hết chúng ta không thể không nhìn lại đôi nét về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mấy chục năm qua và khái niệm của Ðảng ta về việc đưa đất nước ra khỏi “tình trạng kém phát triển”. 

Ngay sau khi nước nhà thống nhất, năm 1976, Ðại hội toàn quốc lần thứ IV của Ðảng đã đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước, trong đó, công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, chỉ mấy năm sau, bên cạnh những thành tựu đạt được, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng kéo dài. Năm 1986, với đường lối đổi mới toàn diện, Ðại hội VI của Ðảng đề ra nhiệm vụ khắc phục khủng hoảng (tuy chữ khủng hoảng lúc này chưa dùng), ổn định mọi mặt tình hình kinh tế – xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo. Tiếp đó, qua Ðại hội VII (1991) đến Ðại hội VIII (1996), với những thành tựu to lớn sau 10 năm đổi mới, Ðảng ta đã đi đến kết luận: Nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa vững chắc, song đã tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như vậy, từ năm 1996 trở đi, nước ta đã thật sự bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2001, Ðại hội IX của Ðảng đề ra “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001 – 2010”, theo đó, đến năm 2010, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Phải chăng mục tiêu tổng quát về kinh tế – xã hội mà Ðại hội X nêu lên chỉ là sự khẳng định lại mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001 – 2010? Tuy không có sự khác biệt về cách diễn đạt, song về nội dung, có mấy điều cần được nhấn mạnh. 

Trước hết, về mặt thời gian, Ðại hội X đề ra mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển là hàm ý phải phấn đấu đạt được mục tiêu đó trước năm 2010. 

Hai là, khái niệm về “tình trạng kém phát triển” cũng được hiểu một cách rộng hơn, không chỉ là tình trạng thu nhập bình quân đầu người thấp mà còn là chỉ số phát triển con người thấp và tình trạng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội lạc hậu, thiếu thốn. 

Ba là, tiêu chí về một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng được hiểu một cách sâu sắc hơn, phù hợp tiêu chí của thế giới trong thời kỳ phát triển kinh tế tri thức. 

Về căn cứ để Ðại hội X đề ra mục tiêu tổng quát, có thể khẳng định: đó là cái nền đã được xây đắp từ những thành tựu của năm năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội IX và của 20 năm đổi mới nói chung. 

Ðánh giá năm năm qua, Ðại hội X khẳng định: Công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong giai đoạn 2001 – 2005 đã đạt được những thành tựu rất quan trọng nhưng vẫn còn dưới mức khả năng phát triển của đất nước. 

Những thành tựu rất quan trọng đó thể hiện nổi bật trên một số điểm chủ yếu: nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá nhanh; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xây dựng bước đầu, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; hoạt động kinh tế quốc tế và kinh tế đối ngoại có bước tiến mới rất quan trọng; văn hóa, xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt, việc gắn kinh tế, phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến tích cực, chỉ số phát triển con người được nâng lên… 

Có nhiều số liệu được đưa ra để minh chứng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm năm 2001 – 2005 tăng bình quân 7,51%, đạt mức kế hoạch (năm 2001 tăng 6,9%, năm 2002 là 7,08%, năm 2003 là 7,34%, năm 2004 là 7,8% và năm 2005 là 8,43%). Năm 2005, GDP theo giá hiện hành đạt 838 nghìn tỷ đồng, bình quân đầu người hơn 10 triệu đồng, tương đương khoảng 640 USD. Trong cơ cấu GDP, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 36,7% năm 2000 lên 41% năm 2005 (kế hoạch là 38 – 39%); tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 24,5% xuống còn 20,9% (kế hoạch là 20 – 21%); tỷ trọng dịch vụ ở mức 38,1% (kế hoạch là 41 – 42%). 

Năm 2005 được coi là đỉnh cao của sự phát triển trong giai đoạn 2001 – 2005. Trong năm này, các chỉ tiêu đạt được trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển văn hóa, xã hội,… đều là cao nhất so với từ trước đến nay. Vài thí dụ: Lương thực đạt 39,5 triệu tấn; than khai thác đạt 32 triệu tấn; điện thương phẩm gần 46 tỷ kWh; sản lượng dầu quy đổi đạt 25,69 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 32,2 tỷ USD, chiếm hơn nửa GDP cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn Việt Nam cho giai đoạn 2001 – 2005) giảm từ 17,5% (2001) xuống còn 7% (2005). Tuổi thọ trung bình của dân số từ 67,8 (2001) tăng lên 71,5 (2005). 

Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do để nói rằng những thành tựu đạt được là còn dưới khả năng phát triển của đất nước. Yếu kém thể hiện trên nhiều mặt: chất lượng phát triển kinh tế – xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn kém. Tốc độ phát triển kinh tế trong năm năm qua vẫn thấp hơn khả năng thực tế của ta và thấp hơn nhiều nước trong khu vực ở thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết, v.v. 

Quả là còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức, nhiều khả năng thực tế, cả về nội lực và ngoại lực, còn chưa được khai thác một cách tốt nhất. Trong lãnh đạo và quản lý, những cố gắng và tiến bộ là đáng kể, nhưng còn chưa đủ để tạo ra một bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa. 

Nhìn tổng thể, những thành tựu về kinh tế – xã hội năm năm 2001 – 2005 đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của 20 năm đổi mới. Với những thành tựu ấy, bộ mặt của đất nước ta đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Ðó chính là cơ sở, là nền tảng để Ðại hội X đề ra quyết sách đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010, như trên đã nói. 

Bước nhảy 2010 và việc chuẩn bị cho bước nhảy 2020 

Bước nhảy 2010 là bước nhảy lớn đánh dấu sự kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2001 – 2010, tức là giai đoạn đầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, để rồi bước vào giai đoạn tiếp theo của thời kỳ này, giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2010 – 2020. Ðó là bước nhảy về chất, đưa nước ta từ tình trạng kém phát triển trở thành một nước có trình độ phát triển cao hơn, hay nói theo cách phân định của Ngân hàng Thế giới, từ loại nhóm nước có thu nhập thấp (dự kiến đến năm 2010 là 950 USD/người) tiến vào hàng ngũ nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (trên 950 USD/người). 

Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế – xã hội của năm năm 2006 – 2010 đã được nêu rõ ở phần đầu bài viết này. Ðể thể hiện mục tiêu tổng quát đó, nhiệm vụ của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta là, bằng mọi cách, phát huy cho được những thành tựu và ưu điểm, khắc phục các mặt yếu kém và khuyết điểm, khơi dậy mọi tiềm năng cho bước phát triển mới. Các nhiệm vụ chủ yếu được đề ra là: 

1- Giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước có thu nhập thấp. 

2- Chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, thực hiện các nguyên tắc của thị trường, hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp đặc điểm của nước ta. 

3- Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng kinh tế đối ngoại gắn với nâng cao khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế. 

4- Phát triển mạnh khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế tri thức. 

5- Tạo chuyển biến mạnh trong việc xây dựng văn hóa, đạo đức và lối sống; kiềm chế tốc độ tăng dân số, nâng cao thể chất và sức khỏe nhân dân; bảo vệ và cải thiện môi trường. 

6- Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết việc làm, khuyến khích làm giàu hợp pháp, xóa đói, giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. 

7- Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo bước chuyển rõ rệt về cải cách hành chính, ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. 

8- Tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị – xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Cùng với việc xác định các nhiệm vụ chủ yếu, Ðại hội X còn nêu lên các chỉ tiêu định hướng chủ yếu như sau: 

Về kinh tế: tốc độ tăng GDP bình quân trong năm năm đạt 7,5 – 8%/năm và phấn đấu đạt trên 8%/năm; GDP năm 2010 theo giá so sánh gấp hơn 2,1 lần năm 2000. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 1.050 – 1.100 USD. 

Năm 2010, cơ cấu ngành trong GDP: khu vực nông nghiệp khoảng 15 – 16%, công nghiệp và xây dựng 43 – 44%, dịch vụ 40 – 41%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16%/năm. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đạt 21 – 22%. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 40% GDP. 

Về xã hội: năm 2010: tốc độ phát triển dân số khoảng 1,14%. Lao động nông nghiệp chiếm dưới 50% lao động xã hội. Trong năm năm, tạo việc làm cho hơn 8 triệu lao động. Năm 2010: tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm xuống còn 10 – 11%. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đạt 200 sinh viên đại học và cao đẳng/10.000 dân; lao động đã qua đào tạo chiếm 40% tổng lao động xã hội. Tỷ lệ bác sĩ đạt bảy người/10.000 dân. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 16ọ. Tuổi thọ bình quân của dân số là 72. 

Về môi trường: năm 2010: đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 42 – 43%; 95% dân cư thành thị và 75% dân cư ở nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải, v.v. 

* * 

Cuộc chiến đấu để thực hiện Nghị quyết Ðại hội X nói chung và để phát triển kinh tế – xã hội nói riêng là một cuộc chiến đấu hết sức quyết liệt. Bởi trước mắt chúng ta không chỉ có thời cơ lớn mà còn có cả thách thức lớn. 

Bước nhảy 2010 đã được chuẩn bị từ những gì đã gặt hái được sau năm năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội IX và 20 năm đổi mới. Ðến lượt nó, bước nhảy 2010 sẽ tiếp tục chuẩn bị và tạo đà cho bước nhảy 2020 là bước nhảy cao hơn, xa hơn. Mong muốn đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010 và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 phải trở thành hiện thực, càng sớm càng tốt. Vì lẽ đó, trong năm năm tới, chúng ta phải tập trung cao độ tâm sức và trí tuệ, làm tất cả những gì có thể làm được để thực hiện thành công và ngoạn mục bước nhảy 2010. 

Theo Hà Đăng, báo Nhân dân ngày 7/7/2006