Mục tiêu, phạm vi và đối tượng điểu chỉnh của Luật Đầu tư
Mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật Đầu tư là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Đầu tư 2020
Mục Lục
1. Mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật Đầu tư 2020
Luật Đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư.
Mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Những mục tiêu cụ thể Luật này gồm:
Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Hai là, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấmhoặc quy định phải có điều kiện.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp.
2. Yêu cầu xây dựng Luật
– Bảo đảm thi hành đầy đủ, nhất quán những cải cách của Luật Đầu tư gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
– Bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là các luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường, chuyển giao công nghệ…
– Bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường,tự do hóa và bảo hộ đầu tư theo các Hiệp định đầu tư song phương cũng như Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
3. Quá trình soạn thảo Luật
Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 và Nghị quyết số 78/2019/QH14 của Quốc hội, Dự án Luật này được đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thực hiện Dự án luật này theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Chính phủ trong tháng 7/2019.
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 8/2019, Chính phủ đã thảo luận về Dự án Luật này. Qua thảo luận, Chính phủ nhận thấy, Dự thảo Luật này về cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, so với Dự thảo Luật đã trình Chính phủ trong tháng 3/2019, Dự thảo Luật này đã hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều nội dung mới nhằm thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, giải pháp trong Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 22/8/2019 của Bộ Chính trị. Do vậy, quy mô và mức độ sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật này khá lớn; trong đó, sửa đổi 30 điều, bổ sung 03 điều trong tổng số 76 điều của Luật Đầu tư; sửa đổi 60 điều, bổ sung 1 chương và 8 điều, bãi bỏ 2 điều trong tổng số 213 điều của Luật Doanh nghiệp.
Với quy mô và mức độ sửa đổi như trên, Chính phủ đã có Tờ trình số 353/TTr-CP ngày 27/8/2019 đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thành 2 Dự án: Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đồng thời, tại Tờ trình số 357/TTr-CP và Tờ trình số 361/TTr-CP ngày 27/8/2019, Chính phủ đã trình Quốc hội 02 Dự án Luật nêu trên. Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã tổ chức thẩm tra sơ bộ 02 Dự án Luật này.
Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết 78/2019/QH14 và căn cứ nội dung Chương trình phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình số 402/TTr-CP ngày 13/9/2019 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp này.
Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp nêu trên, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để tách Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thành 02 dự án Luật: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi), đồng thời cho ý kiến về 02 Dự án Luật này tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 38, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật.
4. Bố cục của Luật Đầu tư
Luật Đầu tư (sửa đổi) có 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.Quy định tại khoản 3 Điều 75 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2020. Luật Đầu tư số 67/2014/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 90/2015/QH13, Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14, Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 42/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH14.
5. Phạm vi điều chỉnh Luật Đầu tư
Phạm vi điều chỉnh của luật đầu tư được hiểu là giới hạn những nội dung pháp lý mà pháp luật về đầu tư điều chỉnh. Nói cái khác, pháp luật về đầu tư sẽ chỉ điều chỉnh các quan hệ đầu tư phát sinh từ những nội dung pháp lý này. Tùy thuộc vào quan điểm, cách tiếp cận của mỗi quốc gia về đầu tư mà nội dung điều chỉnh của pháp luật đầu tư có sự thay đổi, khác nhau.
– Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Đầu tư để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các Luật có liên quan. Theo đó, Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, trừ các trường hợp sau đây:
+ Việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
+ Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư công và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công;
+ Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án; bảo đảm đầu tư, cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
+ Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng, nhà ở, khu đô thị thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư;
+ Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Dầu khí;
+ Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán.
– Về một số khái niệm, thuật ngữ được sử dụng trong Luật Đầu tư
+ Bổ sung khái niệm Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1 Điều 3);
+ Sửa đổi, bổ sung các khái niệm về “đầu tư kinh doanh”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài” theo hướng làm rõ hình thức, nội dung cụ thể của khái niệm này nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thống nhất trong quá trình thực hiện (các khoản 8, 9, 10 Điều 3);
+ Sửa đổi khái niệm “vốn đầu tư” là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh (khoản 20 Điều 3) để thể hiện đầy đủ các hình thái tài sản được hình thành từ vốn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế về đầu tư (bao gồm cả quyền tài sản và các tài sản hình thành trong tương lai, quyền sở hữu trí tuệ, quyền kinh doanh, thương hiệu, bằng sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học…);
+ Bổ sung nguyên tắc “Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 5).
+ Bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 5 “Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia” nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý áp dụng các biện pháp cần thiết (như từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư…) trong trường hợp các hoạt động này gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường.
6. Đối tượng điều chỉnh của luật đầu tư
Đối tượng điều chỉnh của luật đầu tư là các quan hệ đầu tư kinh doanh. Bản chất của các quan hệ đầu tư là một loại quan hệ xã hội, phát sinh trong lĩnh vực đầu tư. Quan hệ đầu tư diễn ra giữa các chủ thể trong quá trình huy động và sử dụng các nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng như toàn xã hội. Các quan hệ này khi được điều chỉnh bởi pháp luật thì trở thành quan hệ pháp luật đầu tư.
Xét từ góc độ lý luận pháp luật, quan hệ pháp luật đầu tư là các quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư và được điều chỉnh bởi luật đầu tư. Trong điều kiện kinh tế thị trường, các quan hệ đầu tư ngày càng phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức cũng như thành phần chủ thể.