Mục tiêu, nhiệm vụ cải cách thể chế của nền hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030

Văn Dũng

Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp Bình Định

https://stp.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png

Ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Theo Nghị quyết, giai đoạn này tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Phạm vi bài này, chỉ giới thiệu mục tiêu, nhiệm vụ cải cách thể chế của nền hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Về mục tiêu: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và xã hội.

Mục tiêu đến năm 2025:(1) Cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, trọng tâm là thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. (2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thức đẩy đổi mới sáng tạo. (3) Hoàn thiện thể chế và các khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Mục tiêu đến năm 2030: Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế của nền hành chính hiện đại, thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước.

Về nhiệm vụ:

Thứ nhất,tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính, chế độ công vụ đầy đủ, đồng bộ trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ này có các nhiệm vụ cụ thể:(1) Hoàn thiện thể chế về sở hữu, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013; thể chế về phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, các yếu tố thị trường và các loại thị trường, bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật; thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. (2) Hoàn thiện về thể chế thu hút đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thể chế về phân phối kết quả làm ra để giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển. (3)  Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này. Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước. (4)  Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ. (5) Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo…

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Nhiệm vụ này có các nhiệm vụ cụ thể:(1) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp, lập quy theo hướng chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, áp dụng kỹ thuật lập pháp tiến bộ trong soạn thảo; tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức và xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, ổn định và dự đoán được của pháp luật. (2) Tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.

Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật. Nhiệm vụ này có các nhiệm vụ cụ thể: (1) Ban hành quy định và tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật hàng năm tại các bộ, ngành, địa phương. (2) Tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt gắn kết với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. (3) Đổi mới công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. (4) Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. (5) Tăng cường vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội- nghề nghiệp và cộng đồng trong phản biện và giám sát thi hành pháp luật./.