Mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non được quy định là gì?
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.
Mục Lục
Căn cứ pháp lý
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 sau đây gọi là Luật Giáo dục năm 2019.
Cơ sở giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Theo Điều 26 của Luật Giáo dục năm 2019 thì cơ sở giáo dục mầm non bao gồm những nhóm sau:
“Điều 26. Cơ sở giáo dục mầm non
Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:
1. Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi;
2. Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi;
3. Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.”
Chương trình giáo dục mầm non bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo với nhau, liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”. Tương ứng với các cơ sở giáo dục mầm non thì có chương trình giáo dục mầm non và được chia ra làm hai chương trình gồm chương trình giáo dục nhà trẻ và chương trình giáo dục mẫu giáo:
– Chương trình giáo dục nhà trẻ nhằm giúp trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.
– Chương trình giáo dục mẫu giáo nhằm giúp trẻ em từ 3 đến 6 tuổi phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ, chuẩn bị cho trẻ vào học ở tiểu học.
Mục tiêu của chương trình giáo dục nhà trẻ
Chương trình giáo dục nhà trẻ nhằm giúp trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.
1. Phát triển thể chất
– Khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao phát triển bình thường theo lứa tuổi.
– Thích nghi với chế độ sinh hoạt ở nhà trẻ.
– Thực hiện được vận động cơ bản theo độ tuổi.
– Có một số tố chất vận động ban đầu (nhanh nhẹn, khéo léo, thăng bằng cơ thể).
– Có khả năng phối hợp khéo léo cử động bàn tay, ngón tay.
– Có khả năng làm được một số việc tự phục vụ trong ăn, ngủ và vệ sinh cá nhân.
2. Phát triển nhận thức
– Thích tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh.
– Có sự nhạy cảm của các giác quan.
– Có khả năng quan sát, nhận xét, ghi nhớ và diễn đạt hiểu biết bằng những câu nói đơn giản.
– Có một số hiểu biết ban đầu về bản thân và các sự vật, hiện tượng gần gũi quen thuộc.
3. Phát triển ngôn ngữ
– Nghe hiểu được các yêu cầu đơn giản bằng lời nói.
– Biết hỏi và trả lời một số câu hỏi đơn giản bằng lời nói, cử chỉ.
– Sử dụng lời nói để giao tiếp, diễn đạt nhu cầu.
– Có khả năng cảm nhận vần điệu, nhịp điệu của câu thơ và ngữ điệu của lời nói.
– Hồn nhiên trong giao tiếp.
4. Phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ
– Có ý thức về bản thân, mạnh dạn giao tiếp với những người gần gũi.
– Có khả năng cảm nhận và biểu lộ cảm xúc với con người, sự vật gần gũi.
– Thực hiện được một số quy định đơn giản trong sinh hoạt.
– Thích nghe hát, hát và vận động theo nhạc; thích vẽ, xé dán, xếp hình; thích nghe đọc thơ, kể chuyện…
Mục tiêu của chương trình giáo dục mẫu giáo
Chương trình giáo dục mẫu giáo nhằm giúp trẻ em từ 3 đến 6 tuổi phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ, chuẩn bị cho trẻ vào học ở tiểu học.
1. Phát triển thể chất
– Khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao phát triển bình thường theo lứa tuổi.
– Có một số tố chất vận động: nhanh nhẹn, mạnh mẽ, khéo léo và bền bỉ.
– Thực hiện được các vận động cơ bản một cách vững vàng, đúng tư thế.
– Có khả năng phối hợp các giác quan và vận động; vận động nhịp nhàng, biết định hướng trong không gian.
– Có kỹ năng trong một số hoạt động cần sự khéo léo của đôi tay.
– Có một số hiểu biết về thực phẩm và ích lợi của việc ăn uống đối với sức khỏe.
– Có một số thói quen, kỹ năng tốt trong ăn uống, giữ gìn sức khỏe và đảm bảo sự an toàn của bản thân.
2. Phát triển nhận thức
– Ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi các sự vật, hiện tượng xung quanh.
– Có khả năng quan sát, so sánh, phân loại, phán đoán, chú ý, ghi nhớ có chủ định.
– Có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề đơn giản theo những cách khác nhau.
– Có khả năng diễn đạt sự hiểu biết bằng các cách khác nhau (bằng hành động, hình ảnh, lời nói…) với ngôn ngữ nói là chủ yếu.
– Có một số hiểu biết ban đầu về con người, sự vật, hiện tượng xung quanh và một số khái niệm sơ đẳng về toán.
3. Phát triển ngôn ngữ
– Có khả năng lắng nghe, hiểu lời nói trong giao tiếp hằng ngày.
– Có khả năng biểu đạt bằng nhiều cách khác nhau (lời nói, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ…).
– Diễn đạt rõ ràng và giao tiếp có văn hóa trong cuộc sống hàng ngày.
– Có khả năng nghe và kể lại sự việc, kể lại truyện.
– Có khả năng cảm nhận vần điệu, nhịp điệu của bài thơ, ca dao, đồng dao phù hợp với độ tuổi.
– Có một số kỹ năng ban đầu về việc đọc và viết.
4. Phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội
– Có ý thức về bản thân.
– Có khả năng nhận biết và thể hiện tình cảm với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh.
– Có một số phẩm chất cá nhân: mạnh dạn, tự tin, tự lực.
– Có một số kỹ năng sống: tôn trọng, hợp tác, thân thiện, quan tâm, chia sẻ.
– Thực hiện một số quy tắc, quy định trong sinh hoạt ở gia đình, trường lớp mầm non, cộng đồng gần gũi.
5. Phát triển thẩm mỹ
– Có khả năng cảm nhận vẻ đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống và trong tác phẩm nghệ thuật.
– Có khả năng thể hiện cảm xúc, sáng tạo trong các hoạt động âm nhạc, tạo hình.
– Yêu thích, hào hứng tham gia vào các hoạt động nghệ thuật; có ý thức giữ gìn và bảo vệ cái đẹp.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục
Luật Hoàng Anh