Mùa thu hoạch quýt hôi ở Pà Ban
Mùa thu hoạch quýt hôi ở Pà Ban
Quýt hôi (hay còn gọi là quýt hoi) là loài cây bản địa có nguồn gốc tại vùng núi cao của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Những cây quýt hôi mọc tự nhiên trong vườn đồi đã mang lại cho người dân ở huyện miền núi Bá Thước thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Video: Mùa thu hoạch quýt hôi ở Pà Ban.
Những ngày này, nhiều người dân ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước đang tập trung thu hoạch quýt hôi. Mùa thu hoạch quýt hôi từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.
Hầu hết quýt ở đây đều là cây trồng đã lâu năm, nên việc thu hoạch khá vất vả, nhưng người dân vẫn phấn khởi vì năm nay quýt đã được doanh nghiệp đến tận nơi thu mua.
Quýt hoi là loại cây mọc trên núi cao xen lẫn với các cây lâm nghiệp.
Người dân địa phương thường dùng vỏ quýt hoi để làm trà, siro quýt dùng trong gia đình, hoặc ngâm quả với mật ong trị ho, nhiều món ăn của người dân miền núi cũng dùng vỏ quýt, lá quýt để làm gia vị tạo hương thơm đặc biệt cho một số món ăn.
Anh Ngân Văn Chàng, người Mường tại Bản Pà Ban, xã Thành Sơn cho biết: “Lớn lên tôi đã thấy có giống cây quýt này mọc trong rừng. Sau này, thấy giá trị kinh tế nên người dân dùng hạt để ươm mầm và nhân rộng giống. Quýt hôi có vị ngọt thanh, thơm mát đặc trưng, vỏ quýt còn được dùng để trị bệnh ho, lá quýt thì được làm hương liệu cho một số món ăn, nhất là món kho của người dân miền núi huyện Bá Thước”.
“Vườn nhà tôi trồng được khoảng 300 gốc quýt hôi, năm nay 50 gốc cho thu hoạch, vợ chồng tôi thu hoạch trong khoảng 2 tháng, thu nhập khoảng 30 triệu đồng”, Chị Ngân Thị Phiều, người dân bản Pà Ban cho biết.
Những cây quýt hàng chục năm tuổi mọc tự nhiên trên các quả đồi, núi xum xuê quả mang lại thu nhập mỗi vụ hàng chục triệu đồng cho người dân.
Theo người dân địa phương thì ở Pà Ban nhà nào có đồi thì cũng có cây quýt hôi mọc tự nhiên.
Có nhiều gia đình có hàng trăm cây với hàng chục cây cho thu hoạch mỗi vụ được hàng tấn quả. Giá bán quýt hôi hiện tại giao động từ 9-15 nghìn đồng/1kg.
Quýt vào mùa chín rộ được người dân hái từ trên núi cao đưa về điểm tập kết và bán cho thương lái hoặc đem ra chợ.
Thời gian qua quýt hôi được Công ty TNHH Puluong Cuisine thu mua và tiến hành sơ chế. Để làm trà quýt hôi phải trải qua nhiều công đoạn. Vỏ quýt sau khi tách được đưa vào lò sấy ở nhiệt độ 60 độ C cho bề mặt vỏ se lại.
Sau đó đưa vào máy cắt sợi và tiếp tục đưa vào sấy ở nhiệt độ thấp để cho ra thành phẩm đạt tiêu chuẩn về độ ẩm mà vẫn giữa nguyên màu sắc, tinh dầu và hương vị đặc trưng.
Hiện tại huyện Bá Thước, đang xây dựng sản phẩm trà quýt hoi của Công ty TNHH Puluong Cuisine hướng tới sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022.
Các gia đình người dân bản thì sấy khô thủ công vỏ quýt bằng phương pháp gác bếp…
Những năm gần đây, trong quá trình lựa chọn, phát triển các sản phẩm đặc trưng, cây quýt hôi bản địa đã được huyện Bá Thước quan tâm phục tráng bằng cách dùng hạt để ươm cây, nhân rộng giống.
Được biết, cây quýt hôi trên địa bàn huyện Bá Thước được trồng tập trung chủ yếu tại 3 xã: Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn. Ngoài ra, cây quýt hôi được trồng ở các xã Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm cũng đang sinh trưởng tốt.
Tin liên quan:
- Quy trình biến vỏ dứa thành sản phẩm nước tẩy rửa đạt OCOP 4 sao
Sau 3 năm ứng dụng công nghệ Enzyme từ vỏ dứa để sản xuất các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên mang thương hiệu Fuwa3e, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học FUWA BIOTECH đã khẳng định chất lượng bằng nhiều chứng nhận uy tín, trong đó đã có 3 sản phẩm đạt giải OCOP (2 sản phẩm “Nước lau sàn” và “Nước giặt” xếp hạng 4 sao, 1 sản phẩm “Nước rửa chén” xếp hạng 3 sao) và phát triển hệ thống bán hàng với hơn 300 đại lý trên cả nước.
- Cây quýt hoi và hành trình hướng đến sản phẩm OCOP
Quýt hoi là loài cây bản địa có nguồn gốc tại vùng núi cao của huyện Bá Thước. Quýt hoi được xác định là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện Bá Thước và hướng tới xây dựng sản phẩm từ cây quýt hoi trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2021.
Hoàng Đông