Mùa thu hoạch, người trồng tiêu lại lo về giá

Từ chỗ giá tiêu trên thị trường lên đỉnh điểm 230.000 đồng/kg tại vườn vào năm 2015 khiến người trồng tiêu từng đua nhau phá rẫy cây trồng khác chuyển sang trồng tiêu; đến nay giá thị trường giảm mạnh cùng với kỹ thuật canh tác kém, thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp, giống tiêu không đảm bảo chất lượng khiến nhiều người trồng tiêu lao đao.

Chính quyền địa phương vào cuộc

Theo Tổ chức Hồ tiêu quốc tế (IPC), ước tính sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2019 đạt hơn 494.200 tấn, giảm 5,6% so với năm 2018 (523.400 tấn). Sản lượng hồ tiêu Ấn Độ cũng dự kiến giảm còn 47.000 tấn so với năm 2018 (64.000 tấn). Tuy nhiên, giá tiêu toàn cầu sẽ không tăng mạnh do Brazil đang bước vào vụ thu hoạch mới. 

Chú thích ảnh
Thu hoạch hồ tiêu tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Ấn Độ, Malaysia là những quốc gia sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới cũng dự báo lâm vào tình thế giảm tăng trưởng đến 60% trong năm 2019. Ngành hồ tiêu của Malaysia cũng đang đối mặt với sự suy giảm hơn nữa do sản lượng hồ tiêu thế giới tăng.

Trong khi đó, tại Việt Nam, ngành sản xuất hồ tiêu cũng ảm đạm không kém. Các tỉnh trồng tiêu nhiều nhất của khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ là Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong các tỉnh trồng tiêu của khu vực Đông Nam bộ, tỉnh Bình Phước có diện tích hồ tiêu lớn nhất, 16.000 ha, xếp thứ là tỉnh Gia Lai (hơn 17.700 ha). Thời điểm này, hầu hết các vườn tiêu khu vực Đông Nam bộ vào vụ thu hoạch, nhưng giá tiêu xuống thấp, các chủ vườn khó thuê được nhân công thu hoạch tiêu. Vì vậy, chính quyền địa phương các tỉnh miền Đông Nam bộ đã có động thái hỗ trợ người trồng tiêu. 

Theo ông Bùi Chí Thành, Bí thư huyện ủy, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hầu hết người dân trồng tiêu của huyện Châu Đức đều lâm vào khó khăn vì giá tiêu hiện nay chỉ 50.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng tiêu chỉ hòa vốn. Do đó, đa số người dân trồng tiêu đều không có kinh phí thuê người thu hoạch. Nếu không thu hoạch đúng thời điểm, cây tiêu sẽ bị suy kiệt, ảnh hưởng đến vườn tiêu sau này. Huyện ủy huyện Châu Đức đã phát động lực lượng bộ đội tại Ban chỉ huy quân sự huyện Châu Đức giúp đỡ người dân thu hoạch tiêu tại địa phương này.

Ông Lê Quý Thịnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức chia sẻ, hưởng ứng lời kêu gọi này, đã có khoảng 600 nhân công là lực lượng bộ đội, cán bộ nhân viên từ các đơn vị của huyện Châu Đức hỗ trợ người dân thu hoạch tiêu. Huyện Châu Đức có khoảng 7.400 ha tiêu, diện tích cho thu hoạch là 6.200 ha. Với sự giúp sức này, vụ tiêu 2018 – 2019 của huyện Châu Đức sẽ nhanh chóng kết thúc trong 15 ngày tới.

Còn ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê phân tích, qua theo dõi, cứ chu kỳ khoảng 10 năm thì giá hồ tiêu lại xuống đáy một lần do sản lượng hồ tiêu cung vượt cầu. Hiện nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới cần khoảng 300.000 tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong năm 2018 là 232.000 tấn. Hồ tiêu Việt Nam bán ra đã phải chiết khấu cho khâu lưu thông bán lẻ tới 50%, khâu chế biến 30%, còn nguyên liệu được 15 – 20%.

Như vậy, mặc dù nguồn cung của Việt Nam và thế giới đều tăng nhưng nông dân sản xuất tiêu là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ngoài những động thái hỗ trợ người sản xuất tiêu, chính quyền địa phương các khu vực trồng tiêu cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường hồ tiêu của Việt Nam và thế giới, để người dân có nguồn tin, quyết định diện tích sản xuất của mình.

Siết chặt sản xuất

Chú thích ảnh
Việc giá hồ tiêu liên tục giảm kéo theo nhiều khó khăn cho nông hộ trồng tiêu. Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha. Thế nhưng, diện tích sản xuất tiêu Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2018 là 152.000 ha gấp gần 5 lần quy hoạch ban đầu. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiêu đánh giá, diện tích trồng tiêu phát triển ngoài tầm kiểm soát do sự hấp dẫn về giá. Với mức giá của năm 2015 là 230.000 đồng/kg, cho dù chính quyền địa phương có dự báo hay ngăn cản, người dân vẫn tiếp tục trồng tiêu.