Mưa sao băng lộng lẫy nhất bầu trời sẽ xuất hiện trong tháng 12 này, ở Việt Nam có xem được không?
Theo lịch sự kiện thiên văn năm 2022, tháng 12 là một trong những khoảng thời gian được người yêu bầu trời mong chờ nhất với nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú sẽ xuất hiện. Trong đó phải kể đến trận mưa sao băng rực rỡ nhất trong năm – Mưa sao băng Geminids.
Mục Lục
Mưa sao băng Geminids – Mưa sao băng lộng lẫy nhất bầu trời
Geminids được mệnh danh là vua của các trận mưa sao băng. Nó được nhiều người coi là trận mưa lộng lẫy nhất trên bầu trời, tạo ra tới 120 sao băng mỗi giờ với vô vàn sắc màu vào lúc cực đại.
Nó được tạo ra bởi các mảnh vụn do tiểu hành tinh 3200 Phaethon để lại, được phát hiện vào năm 1982. Trận mưa diễn ra hàng năm từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 12.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), cực đại của năm nay là vào đêm 13 rạng sáng ngày 14. Năm nay, trăng khuyết cuối tháng sẽ che khuất nhiều sao băng mờ. Nhưng mưa sao băng Geminids có số lượng lớn và sáng rực nên đây vẫn là một buổi trình diễn tuyệt vời. Người xem quan sát tốt nhất từ một vị trí tối sau nửa đêm. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Gemini, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Mưa sao băng Geminids trên bầu trời tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, tháng 12, 2017. Tác giả: Jeff Dai
Tại Việt Nam, người yêu thiên văn trên cả nước cũng có thể chiêm ngưỡng hiện tượng tuyệt vời này. Thời điểm quan sát lý tưởng nhất là sau 12 giờ đêm ngày 13/12.
Theo dự báo thời tiết các vùng trên cả nước, điều kiện thời tiết đêm 13, rạng sáng 14/12 khá thuận lợi để mọi người có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này.
Và để chiêm ngưỡng hiện tượng thú vị này, bạn không cần bất kỳ thiết bị đặc biệt nào, những gì bạn thực sự cần là bầu trời quang đãng và sự kiên nhẫn.
Tìm một điểm ngắm cảnh hẻo lánh, cách xa ánh đèn thành phố. Khi đến địa điểm, mắt của bạn có thể mất 15 đến 20 phút để làm quen với bóng tối.
Đặc biệt, tại các tỉnh miền Bắc nền nhiệt về đêm được dự báo giảm sâu, chính vì vậy hãy chuẩn bị trang phục phù hợp với thời tiết.
Với tần suất lên tới 120 vệt/giờ và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên bầu trời, chính vì vậy, nếu có thể hãy tận dụng mọi thiết bị để có thể ghi lại khoảnh khắc hiếm có này.
Ngoài ra, cũng trong những ngày còn lại của tháng 12 vẫn còn rất nhiều hiện tượng thiên văn cực thú vị sẽ diễn ra.
Ngày 21 tháng 12 – Sao Thủy đạt ly giác cực đại phía Đông
Sao Thủy đạt ly giác đông cực đại tại 20,1 độ so với Mặt trời. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát Sao Thủy vì nó sẽ nằm tại điểm cao nhất trên đường chân trời trong bầu trời buổi đêm. Hãy tìm hành tinh thấp trên bầu trời phía Tây ngay sau khi mặt trời lặn.
Ngày 22 tháng 12 – Đông chí
Đông chí xảy ra lúc 4:40 (giờ Việt Nam). Cực Nam của trái đất sẽ nghiêng về phía Mặt trời và Mặt trời sẽ đạt đến vị trí cực nam trên bầu trời, nằm ngay trên chí tuyến 23,44 vĩ độ nam. Đây là ngày đầu tiên của mùa đông (đông chí) ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa hè (Hạ chí) ở Nam bán cầu.
Ngày 21, 22 tháng 12 – Mưa sao băng Ursids
Ursids là một trận mưa sao băng nhỏ tạo ra khoảng 5-10 sao mỗi giờ. Nó được tạo ra bởi các hạt bụi do sao chổi Tuttle để lại, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1790. Trận mưa diễn ra hàng năm từ ngày 17 đến 25 tháng 12. Cực đại năm nay vào đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22. Năm nay, trăng non sẽ nhường lại bầu trời tối cho một màn trình diễn ngoạn mục. Người xem quan sát tốt nhất sẽ là ngay sau nửa đêm từ một địa điểm tối, xa ánh đèn thành phố. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Ursa Minor (Gấu Nhỏ), nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Mưa sao băng Urisd năm 2020. Ảnh: Jaime McLeod
23 tháng 12 – Trăng mới
Mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía Trái đất so với Mặt trời và sẽ không thể quan sát thấy trên bầu trời đêm. Giai đoạn này xảy ra lúc 17:17 (giờ Việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.