Mùa ong làm mật
Mùa ong làm mật
Tháng 3 về, cũng là mùa con ong đi lấy mật. Tại huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) những người nuôi ong lại tất bật thu hoạch mật ong, cùng đón những niềm vui của mùa mật ngọt.
Mùa ong đi lấy mật – Video: Hoàng Đông
Từ tháng 3, tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, những người nuôi ong mật lại tất bật đồ đạc, dụng cụ để chuẩn bị cho mùa thu hoạch mật ong, với tiết trời thuận lợi như đầu mùa xuân năm nay, những người nuôi ong tại xứ Thanh dự đoán một mùa mật bội thu.
Ông Lê Thọ Cuốn, một hộ nuôi ong lớn tại huyện miền núi Thường Xuân cho biết, mùa nào ong cũng đi lấy mật, cứ hoa nở là ong sẽ đi. Thế nhưng, khoảng thời gian đầu năm là ong lấy được nhiều mật nhất và mật ong mùa này cũng là ngon nhất.
Từ tháng 3 đến tháng 6, ong cho quay mật liên tục. Cách khoảng 10 đến 15 ngày lại cho thu hoạch một lần hoặc cũng tùy vào nguồn hoa.
Mua thu hoạch mất ong kéo dài đến tháng 6, sau đó cho ong nghỉ, hạn chế khai thác để tách đàn, nhân giống.
“Nguyên tắc khi tiếp cận các đàn ong chúng ta nên mặc bộ đồ bảo hộ và hạn chế mặc các màu đen hay sẫm màu. Đi lại nhẹ nhàng, bởi ong sẽ tấn công tập trung một mục tiêu khi chúng cảm thấy bị đe dọa, nếu thực hiện mọi thao tác nhẹ nhàng, kể cả việc lấy mật, rất ít trường hợp bị ong đốt”, ông Cuốn cho biết thêm.
Ông Lê Thọ Cuốn chia sẻ, xã Xuân Dương có gần 50 đàn ong nuôi. Mỗi mùa, ông tìm nơi hợp lý để đặt bọng ong. Con đường để chinh phục con ong của ông Cuốn cũng trải qua không ít gian nan.
Với hơn 40 năm làm nghề nuôi ong, ông Cuốn “hiểu con ong như hiểu chính mình” để từ đó có thể phát triển đàn ong, tách đàn, nuôi ong lấy mật và bán giống, bán vật tư nghề ong. Tâm huyết với nghề, ông Cuốn còn giúp đỡ hướng dẫn các hộ nuôi khác.
Theo thông tin từ phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân, nuôi ong không phải nghề mới, nhưng người nuôi ong quy mô trong huyện thì không nhiều, chủ yếu nuôi nhỏ lẻ trong dân. Nhưng những năm trở lại đây, số lượng nuôi ong ngày càng tăng lên, nhiều hộ nuôi cũng có được nguồn thu nhập ổn định từ nuôi ong lấy mật.
Ông Trần Cao Vinh, 72 tuổi người nuôi ong cho biết: Nuôi ong cũng không phải vất vả chân tay nhiều, nhưng phải dành nhiều thời gian quan tâm đến chúng. Mặc dù nuôi nhỏ lẻ chỉ hơn 10 đàn ong, mỗi năm vào vụ mật gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Tranh, thôn 3 xã Xuân Dương, năm nay cũng đã 70 tuổi nhưng ngoài niềm vui bên những đàn ong sớm chiều, thì mật ong cũng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông Tranh cho biết: Tùy tuổi đã cao nên ông chỉ nuôi giới hạn ít đàn ong, vừa với sức của mình. Từ khi mua ong giống của ông Lê Thọ Cuốn, được ông Cuốn hướng dẫn và hỗ trợ làm kỹ thuật cũng như thu hoạch nên việc nuôi ong của ông rất thuận lợi. Trong vườn nhà ông hiện có 10 đàn ong, mỗi lần thu hoạch mật cũng thu về từ 5 đến 10 lít mật. Mật bán tại nhà cũng từ 250.000-300.000 đồng/lít.
Được biết, mật ong của huyện miền núi Thường Xuân đang được xây dựng thương hiệu để trở thành một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian sắp tới. Mật ong Thường Xuân là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe được người dân trong vùng ưa chuộng.
Hoàng Đông