Mùa mía ngọt ở Phú Yên

Năm nay, các nhà máy đường trong tỉnh tiếp tục hợp đồng đầu tư, bao tiêu nguyên liệu, tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân; giá mía năm nay đạt kỷ lục 1,2-1,3 triệu đồng/tấn mía cây 10 chữ đường, người trồng mía có lãi.

Những ngày này, trên các tuyến quốc lộ phía tây của tỉnh Phú Yên như quốc lộ 25 đi Gia Lai, quốc lộ 29 đi Đắk Lắk, quốc lộ 19C nối ba tỉnh Bình Định-Phú Yên-Đắk Lắk cũng như các tuyến tỉnh lộ, các tuyến đường liên huyện… tấp nập xe tải chở đầy ắp mía cây đổ về các nhà máy đường.

Chúng tôi về Ea Ly, xã cuối cùng của tỉnh Phú Yên nằm trên trục quốc lộ 29, tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, được chứng kiến niềm vui của người trồng mía. Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay Ea Ly trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Sông Hinh.

Ông Bùi Văn Dự, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Ly cho biết, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng. Trong đó, mía được xem là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp kinh tế địa phương phát triển ổn định.

Nhiều hộ gia đình nhờ trồng mía đã vươn lên khá giả, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm rõ rệt. Cụ thể, niên vụ mía 2022-2023, xã Ea Ly có 1.800ha mía, cao nhất toàn huyện (toàn huyện có 5.024ha); một số hộ có diện tích mía nhiều như bà Trần Thị Yến 100ha, ông Nguyễn Văn Thương ở buôn Zô 200ha, ông Lăng Văn Kỳ ở thôn Tân Yên 80ha…

Năm nay giá mía cao (từ 1,2-1,3 triệu đồng/tấn), nhờ đó người trồng mía có lãi 25-30 triệu đồng/ha. Như ông Bùi Việt Đính, ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh trồng hơn 30ha; năng suất mía đạt khoảng 70 tấn/ha đối với mía tơ và mía lưu gốc đạt 80-90 tấn/ha. Với giá 1,3 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường, mỗi héc-ta mía, ông Đính lãi hơn 30 triệu đồng. Ước tính niên vụ này, gia đình ông lãi từ mía khoảng một tỷ đồng.

Còn ông Đoàn Đắc Miên ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, người từng đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp quốc gia, phấn khởi cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, cộng với hệ thống tưới nhỏ giọt do ông đầu tư phát huy hiệu quả đã cho năng suất mía đạt bình quân 90-100 tấn/ha.

Năm nay, chắc chắn gia đình tôi có lãi 50 triệu đồng/ha. Năm 2023, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng thu mua với giá cao nhất từ trước tới nay nên người trồng mía chúng tôi rất phấn khởi.

Ông Đoàn Đắc Miên

Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y Blung cho biết, Sơn Hòa là địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Phú Yên với hơn 13.000ha. Đảng bộ huyện xác định mía là cây trồng chủ lực, là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Nhiều năm qua, địa phương đã phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (có nhà máy đặt tại trung tâm huyện) vận động người dân mở rộng diện tích trồng mía, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Huyện khuyến khích và có những chính sách đầu tư cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, như trồng mía có tưới, đưa máy móc vào khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đã đem lại lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị diện tích.

Theo quy hoạch, toàn tỉnh phát triển ổn định hơn 23.000 ha mía mỗi vụ, tập trung chủ yếu tại các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa. Phú Yên có ba nhà máy đường với tổng công suất 14.000 tấn/ngày của hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (100% vốn Ấn Độ) và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa. Với công suất này bảo đảm tiêu thụ hết nguyên liệu cho nông dân. Riêng Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam có hai nhà máy đặt tại hai huyện trọng điểm mía là Sơn Hòa và Đồng Xuân với tổng công suất 11.000 tấn mía cây/ngày.

Để bảo đảm lợi ích hài hòa với người trồng mía, nhiều năm qua Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho vùng nguyên liệu. Công ty có nhiều chính sách liên kết với nông dân đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu mía gần 20.000ha.

Bắt đầu từ vụ mía 2021, công ty đã đưa máy về hỗ trợ thu hoạch mía, giúp nông dân tiết kiệm được 60.000 đồng/tấn so với thu hoạch thủ công. Vụ mía năm nay, công ty còn đầu tư xây dựng, tu sửa các tuyến đường giao thông nội đồng để thuận lợi trong khâu áp dụng cơ giới hóa. Ngoài ra, công ty đầu tư giống mía mới, phân bón; hỗ trợ giàn trồng mía, máy thu hoạch để phục vụ phát triển vùng nguyên liệu.

Theo ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, niên vụ 2022-2023, công ty hỗ trợ không hoàn lại cho nông dân 50 tỷ đồng để trồng, chăm sóc mía. Công ty cố gắng thu mua mía giá cao giúp nông dân có thêm thu nhập, để nông dân thấy được hiệu quả và gắn bó với cây mía. Công ty còn có chính sách ưu đãi để hỗ trợ nông dân trồng mía và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết, Phú Yên xác định cây mía là cây trồng chủ lực tại các huyện miền núi. Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích trồng mía để quản lý ổn định vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, bảo đảm lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp. Ngành nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương để áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.