Mùa khoai sọ Thuận Châu

Khoai sọ Cụ Cang được trồng tại bản Cụ và bản Cang của xã Chiềng Ly (Thuận Châu) là đặc sản nổi tiếng với hương vị thơm ngon, ngọt, bùi đặc trưng, ít có loại khoai nào sánh bằng. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị và hiệu quả kinh tế từ loại cây này, người dân các xã trên địa bàn đã lấy giống khoai sọ Cụ Cang về trồng, dần hình thành các vùng trồng khoai sọ với quy mô lớn.

 

Sản phẩm khoai sọ của HTX Hưng Thịnh được khách hàng ưa chuộng.

Đang là thời điểm chính vụ, khoai sọ Thuận Châu được bày bán dọc 2 bên quốc lộ 6 đoạn qua xã Muổi Nọi, Thị trấn và xã Chiềng Ly (Thuận Châu). Những củ khoai sọ to bằng bát ăn cơm, đóng trong từng thùng, rọ với trọng lượng từ 5 – 10 kg để khách qua đây mua về thưởng thức hoặc làm quà. Mặc dù là nơi sản sinh ra loại khoai sọ nức tiếng, nhưng giờ đây ở bản Cụ, bản Cang của xã Chiềng Ly, diện tích khoai sọ không nhiều, khoai được bày bán chủ yếu là giống khoai sọ Cụ Cang được người dân ở các xã của huyện mua về trồng và nhân rộng.

Tìm hiểu được biết, khoai sọ Thuận Châu thường được xuống giống trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau và thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 11 dương lịch. Nhờ đặc điểm khác biệt về khí hậu và thổ nhưỡng nên khoai sọ trồng trên đất Thuận Châu cho củ to, hương vị thơm ngon, ở các địa phương khác trong tỉnh không có được. Nếu như trước đây, người dân trồng khoai sọ manh mún chủ yếu để làm thực phẩm cho gia đình, thì giờ đây diện tích trồng khoai sọ ngày càng được mở rộng, khoai sọ Thuận Châu đã trở thành đặc sản có tiếng, được xuất bán ra thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Điện Biên.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây khoai sọ, nhiều HTX trên địa bàn huyện Thuận Châu đã xây dựng vùng trồng khoai sọ tập trung với quy mô lớn, quy trình sản xuất an toàn. Điển hình như HTX Hưng Thịnh ở bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi đã liên kết với Tổ hợp tác Huổi Kép của xã Nậm Lầu xây dựng vùng trồng khoai sọ giống Cụ Cang với quy mô 6 ha, sản lượng trung bình hàng năm ước đạt 100 tấn. Ông Lương Quốc Huy, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, cho biết: HTX lựa chọn khoai giống đảm bảo chất lượng, toàn bộ quy trình, kỹ thuật chăm sóc khoai sọ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra các sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, HTX tăng cường quảng bá sản phẩm qua các hội chợ nông nghiệp của huyện, của tỉnh để kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách trồng, thu hoạch và bảo quản khoai, bảo đảm sản phẩm sạch và an toàn.

Chọn mua 10 kg khoai sọ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có dán tem truy xuất nguồn gốc của HTX Hưng Thịnh tại xã Muổi Nọi (Thuận Châu), chị Đinh Thị Hồng, khách hàng đến từ thành phố Sơn La, chia sẻ: Khoai sọ Thuận Châu có vị thơm đặc trưng, khi sơ chế không gây ngứa tay. Tôi thường dùng khoai sọ để nấu canh với thịt sườn heo non, khoai dẻo và mềm hòa quyện với sườn non tạo nên 1 món ăn đậm đà, khó quên. Ngoài ra, khoai sọ còn chế biến thành món chiên hoặc cắt khoai ra thành những miếng nhỏ hấp cơm và ăn với muối vừng cũng rất ngon.

Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu, cho biết: Hiện nay, huyện Thuận Châu có hơn 120 ha khoai sọ, sản lượng năm 2018 ước đạt 1.440 tấn. Khoai sọ được trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Ly, Chiềng Bôm, Nậm Lầu và Muổi Nọi. Năm 2018, huyện Thuận Châu đã Công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Khoai sọ Thuận Châu”, đây là dấu mốc quan trọng tạo dựng nên thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm khoai sọ Thuận Châu.

Thực tế hiện nay, khoai sọ vẫn chủ yếu được trồng theo phương pháp thủ công, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, nhất là thời tiết. Vụ năm nay, do ảnh hưởng thời tiết nên khoai sọ mất mùa, sản lượng trung bình chỉ đạt 5 -7 tấn/ha (bằng 1/3 so với năm 2018) dẫn đến việc giá khoai sọ tăng gấp đôi so với mọi năm (Theo khảo sát thực tế hiện nay, khoai sọ loại 1 được bán với giá 45.000 đồng – 50.000 đồng/kg). Ông Cà Văn Ọi, bản Huổi Kép, xã Nậm Lầu, chia sẻ: Gia đình tôi có trên 5.000 m2 trồng khoai sọ. Do năm nay khoai bị mất mùa nên giá bán đẩy lên cao, tuy nhiên tính ra mức thu nhập bình quân mùa vụ thì kém hơn so với năm ngoái. Chúng tôi mong muốn được các cơ quan chức năng, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc để ổn định sản lượng và nâng cao chất lượng khoai sọ.

Để hướng đến phát triển khoai sọ bền vững, trở thành sản phẩm đặc sản thương hiệu của địa phương, huyện Thuận Châu cần tiếp tục quan tâm quy hoạch vùng sản xuất khoai sọ, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng cũng như sản lượng khoai sọ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, người dân sản xuất khoai sọ theo chuỗi, nâng cao giá trị khoai sọ Thuận Châu.

Duy Tùng