Mua hàng trả góp lãi suất 0% người tiêu dùng có lợi không? | Tài Chính Online
Trước đây chúng ta thường nghe qua chỉ có các doanh nghiệp lớn kinh doanh bất động sản, xe máy, điện máy có hình thức bán trả góp cho khách hàng thì giờ đây chương trình bán trả góp lãi suất 0% xuất hiện ngày càng phổ biến ở các cửa hàng kinh doanh từ mỹ phẩm, trang sức đến các mặt hàng gia dụng, điện máy hay điện thoại.
Mục Lục
Hình thức mua hàng trả góp lãi suất 0% là gì?
Với phương thức bán hàng trả góp lãi suất 0%, các chuyên gia cho rằng đây là một cách khuyến mại của doanh nghiệp để kích cầu tiêu dùng, thu hút khách hàng trong thời buổi kinh tế cạnh tranh khốc liệt.
Trả góp lãi suất 0% tức là trả góp mỗi tháng mà không tính lãi suất. Tuy nhiên trước khi mua hàng, thông thường bạn trả trước cho doanh nghiệp 20-30% giá sản phẩm. Số tiền còn lại chia đều mỗi tháng để trả. Ví dụ: Bạn muốn mua một chiếc điện thoại với giá 18 triệu đồng. Bạn cần thanh toán cho cửa hàng 30%*18 tr=5tr4, kỳ trả góp là 6 tháng, mỗi tháng bạn trả 2.1 triệu đồng.
Điều kiện tham gia chương trình
Mỗi doanh nghiệp đều đặt ra những điều kiện và thủ tục khác nhau cho khách hàng tham gia chương trình mua hàng trả góp. Nhưng nhìn chung:
– Điều kiện tham gia thường áp dụng cho đối tượng khách hàng từ 20 đến 60 tuổi. Nếu là sinh viên thì trên 18 tuổi.
– Nếu là khoản vay dưới 10 triệu thì thủ tục giấy tờ chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lấy xe, sổ hộ khẩu là đủ.
– Khoản vay trên 10 triệu, ngoài giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lấy xe, sổ hộ khẩu, khách hàng còn phải nộp thêm hóa đơn điện nước, điện thoại, internet…
– Nếu đối tượng là sinh viên cần chuẩn bị: giấy chứng minh nhân dân, bản sao giấy chứng minh của bố mẹ có công chứng, hộ khẩu, thẻ sinh viên và biên lai đóng học phí của học kỳ mới nhất.
Nếu không có vấn đề gì, thường sau 15-20 phút là doanh nghiệp duyệt hồ sơ mua hàng trả góp cho khách hàng ngay.
“Bùng nổ” hình thức bán hàng trả góp ở các doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, khi đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp các quảng cáo trên băng rôn treo ở trước cửa hàng với dòng chữ “trả góp lãi suất 0%”. Đặc biệt nhất là vào những dịp cuối năm. Thay vì tặng quà, giảm giá sản phẩm thì doanh nghiệp chọn cách này để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng trong điều kiện tài chính hạn hẹp.
Như vậy dưới góc độ người tiêu dùng, chúng ta nghĩ rằng doanh nghiệp đang “gánh” phần lãi suất cho chúng ta. Và mức lãi suất này tùy thuộc vào bài toán chi phí của doanh nghiệp. Vào một số thời điểm nhất định, doanh nghiệp muốn kích cầu một dòng sản phẩm cụ thể. Họ có kinh phí thực hiện bán hàng trả góp lãi suất 0% cho dòng sản phẩm đó. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nhận sự hỗ trợ từ phía công ty mẹ hoặc các hãng sản xuất.
Tuy nhiên trên thực tế, đa phần chương trình là do sự phối hợp giữa doanh nghiệp và công ty tài chính. Bạn có thể thấy các chuỗi cửa hàng điện máy, điện tử như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Thế giới di động…phối hợp cùng FE Credit, HD Saison, Home Credit…Để có sự hợp tác này, hai bên tự đàm phán với nhau để mỗi bên chịu một nửa chi phí.
Tại sao doanh nghiệp lại phát động chương trình này?
Trên thị trường cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, có nhiều doanh nghiệp thực hiện chính sách giảm giá sản phẩm để kích thích sức mua. Nhưng giờ đây thay vì giảm đến 30 – 50% thì doanh nghiệp vẫn áp dụng giá cũ và cho khách hàng trả góp. Như vậy phần giảm giá đó doanh nghiệp sẽ trả bù lãi suất cho khách hàng.
Theo một phân tích khác từ chuyên gia, thay vì các doanh nghiệp bán lẻ phải đầu tư nhiều cửa hàng để tiếp cận với mạng lưới khách hàng rộng hơn. Họ chọn cách tiếp cận và thu hút khách hàng bằng phương thức bán hàng đặc biệt. Một trong những phương thức đó là bán hàng trả góp không lãi suất. Khi đó doanh nghiệp cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Thế thì việc trích ra một khoản nhỏ trả lãi suất cho công ty tài chính cũng là chuyện bình thường đối với doanh nghiệp. Do đó trên thị trường, có một số nhà bán lẻ một ngày đạt mức doanh thu hàng tỷ đồng với sự phối hợp của 3 – 4 công ty tài chính luôn “sát cánh” cùng họ.
Người tiêu dùng có thực sự hưởng lợi?
Nếu giá cả của sản phẩm không bị “đẩy” lên, chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo thì người tiêu dùng thực sự hưởng lợi từ hình thức mua hàng này. Họ vừa mua được hàng, vừa không phải tốn một khoản tiền quá lớn để chi trả cùng một lúc. Hơn nữa, thủ tục mua hàng cũng khá đơn giản. Không có gì gọi là phức tạp hay mất thời gian cho người mua.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu nhiều doanh nghiệp không bán hàng lỗi mốt, hàng không chính hãng. Cùng một thương hiệu nhưng dòng sản phẩm “made in USA” sẽ khác hoàn toàn với “made in China”. Vì vậy, người tiêu dùng cần cảnh giác hơn về vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Trên thực tế, suy cho cùng người thiệt thòi vẫn là khách hàng. Bởi tất cả chi phí đều đã được gộp chung vào giá sản phẩm. Nghiệt ngã ở chổ cả lãi suất vay từ các ngân hàng hay tổ chức tài chính cũng được doanh nghiệp cộng vào giá bán. Vô tình chung thuế VAT tăng lên. Tất nhiên người tiêu dùng không tránh khỏi tình trạng phải “gánh” luôn cả phần tăng lên này.
Những lưu ý khi tham gia chương trình trả góp lãi suất 0%
Theo một số chuyên gia kinh tế và tài chính, chương trình trả góp này “giăng” rất nhiều rủi ro. Và tất nhiên rất nhiều người tiêu dùng không thể ngờ tới. Hàng hóa thật giả lẫn lộn, giá cả chênh lệch, hợp đồng không lãi nếu trả chậm có thể khách hàng phải chịu mức lãi suất cao…
Do đó để tránh bị thiệt thòi, người tiêu dùng cần:
– Đọc kỹ hợp đồng, khoản tiền thanh toán và đặc biệt là mức phạt nếu đóng tiền trễ ngày.
– Cảnh giác với các chiêu thức tăng giá rồi bán hàng trả góp của doanh nghiệp bán lẻ. Nếu giá thành quá cao so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, chúng ta có thể từ chối.
– Thay vì tìm đến các chương trình trả góp, hãy xem qua những hình thức mua thẳng! Bởi trong tình trạng kinh tế như hiện nay, các mức giá hầu như đã được niêm yết sẵn. Đặc biệt mỗi nhà bán lẻ sẽ đưa ra một mức giá cạnh tranh cao nên chúng ta có thể yên tâm.
Chúng ta thường nghe qua câu “không có bữa trưa nào là miễn phí”. Và hình thức mua hàng trả góp lãi suất 0% cũng vậy!
Theo Taichinh.online tổng hợp