Mùa cao su thay lá
Những chiếc lá vàng rơi rụng làm ẩm và cho đất thêm dinh dưỡng, thay vào đó là những chiếc lá non xanh tơ vươn mình đón nắng, lộc biếc báo hiệu vườn cây sắp cho những mẻ “vàng trắng” chất lượng…
Thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Ngọc Lân
Đi dọc tuyến đường từ xã Gia Huynh (Tánh Linh) đến Trà Tân, Tân Hà (Đức Linh) hay đường quốc lộ 28 từ Đông Tiến đến Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) những vườn cao su 2 bên đường đang thay lá. Những chiếc lá non đung đưa theo gió khiến cái nắng gay gắt tháng 3 như dịu lại đôi phần. Con đường liên huyện Gia Huynh – Tân Hà, nơi có diện tích cao su lớn nhất tỉnh rợp bóng mát. Năm nay cây cao su không bị bệnh phấn trắng nên lá non phát triển nhanh cũng là tín hiệu cho biết vườn cao su khỏe mạnh, người trồng cao su giảm được một phần kinh phí cho thuốc bảo vệ thực vật diệt nấm trên cây.
Dù đang là mùa ngưng cạo mủ để cây thay lá nhưng ở thời điểm này mọi năm nhiều người có vườn cao su phải vất vả dùng máy xịt thuốc cho cây. Bởi khi cây cao su bị bệnh, sức đề kháng yếu thì lượng mủ sẽ ít đi, năng suất giảm kéo theo chất lượng mủ giảm tương đồng với giá thành bị giảm theo. Ở vùng Tánh Linh, Đức Linh cao su vốn là cây trồng chủ lực, cũng như ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và một số huyện khác có cây thanh long là nguồn thu nhập chính của nông dân. Giá cả thị trường mủ cao su cũng tương đồng lên xuống thất thường như trái thanh long. Tuy nhiên trồng cao su ít tốn công chăm sóc hơn thanh long rất nhiều. Nếu toàn tỉnh có khoảng 45.000 ha cao su thì vùng Đức Linh, Tánh Linh chiếm hơn 2/3 diện tích, trong đó Tánh Linh có gần 22.000 ha. Những năm trước, khi thời điểm mủ cao su giá thấp nhiều chủ vườn có cây cao su nhiều tuổi đã tranh thủ thanh lý vườn cho những cơ sở sản xuất gỗ, sau đó trồng lại giống mới có thời gian thu hoạch nhanh hơn cũng như năng suất mủ cao hơn. Vì vậy, hiện nay nhiều vườn cao su ở Đức Linh, Tánh Linh nhìn “trẻ” hơn.
Năm 2022, do thị trường tiêu thụ mủ cao su thế giới biến động mạnh vì nhiều nguyên nhân như lạm phát, chiến tranh nên giá mủ cao su rất thấp, nằm dao động ở mức từ 24 – 28 triệu đồng/tấn, lúc cao nhất đạt đến 32 triệu đồng/tấn, nhưng thời gian rất ngắn. Tuy người trồng cao su năm 2022 không lỗ nhưng lời rất ít. Theo anh Bình, người có thâm niên gắn bó với cây cao su gần 25 năm thì thị trường ở mức giá 28 – 30 triệu đồng/tấn, dân trồng cao su sẽ có lãi còn được giá như hồi tháng 10/2021 lên 39 triệu đồng/tấn thì người trồng cao su lãi đậm. Theo một số chuyên gia nhận định, năm nay tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, các ngành sản xuất liên quan đến mủ cao su vẫn dè dặt đặt hàng. Vì vậy, giá mủ cao su cũng sẽ biến động khó lường. Ở Tánh Linh, Đức Linh, dân trồng cao su sau nhiều vụ “mất ăn” do phán đoán sai thị trường nên hiện nay ít người bỏ vườn không chăm sóc. Bởi có năm đầu vụ giá mủ cao su rất thấp, người dân không bón phân cho cây, đến khi giá mủ tăng cao đột xuất thì không kịp trở tay để chăm cây cạo mủ. Vì thế, kinh nghiệm của dân trồng cao su hiện nay là cứ chăm vườn, giá mủ thấp thì đầu tư cầm chừng, do giá phân bón tăng cao nên nhiều người dân chuyển qua bón phân chuồng, giảm được chi phí và còn ổn định được chất lượng đất…
Cao su đang vào mùa thay lá, cũng là tín hiệu cho vườn cây bước vào vụ cạo mủ mới, hy vọng năm nay giá mủ cao su tăng hơn năm 2022 để giúp người trồng cao su có lãi nhiều hơn…