Mủ trôm là gì? Công dụng và lưu ý khi ăn mủ trôm, mủ trôm để được bao lâu?
Mủ trôm là loại thực phẩm được biết đến với vô vàn công dụng như thanh lọc cơ thể, nhuận tràng, điều hòa đường huyết,… Nước mủ trôm còn là thức uống giải khát tuyệt vời. Hãy cùng chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH tìm hiểu kỹ hơn về mủ trôm nhé!
Mục Lục
1. Mủ trôm là gì?
Trôm là một loài cây thuộc họ Trôm, có tên có tên khoa học là Sterculia foetida. Cây này chủ yếu được trồng ở các nước thuộc vùng nhiệt đới như Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Philippines,… trong đó có Việt Nam.
Mủ trôm là dịch nhựa tiết ra từ vỏ thân của cây trôm. Mủ trôm nguyên chất đa số có màu trắng trong, dạng chất đặc hơi sệt như thạch.
Ở nước ta, mủ trôm được sử dụng cho mục đích giải khát và trong công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, kỹ nghệ.
2. Cách lấy mủ trôm và phân loại
Cách lấy mủ trôm
Bạn có thắc mắc mủ trôm được thu hoạch như thế nào không?
Khi cây trôm đã trưởng thành, khoảng 4 đến 7 năm tuổi từ khi trồng, đây là thời điểm thu hoạch mủ trôm. Để thu hoạch được mủ trôm, người trồng phải cạo vỏ cây rồi rạch dọc thân hoặc đục lỗ xuyên qua thân ở nhiều vị trí khác nhau.
Những ngày sau, tại vị trí các đường rạch hoặc lỗ đã được đục, dịch trôm sẽ tiết ra. Quanh các đường rạch hay lỗ sẽ dùng bao nilon để che, giúp mủ chảy ra không rơi xuống đất hoặc bám vào vỏ cây và bị bụi bẩn.
Sau khi lấy mủ trôm tươi, họ sẽ thu lấy chúng đem về và phơi từ 3 – 4 đợt nắng to. Sau khoảng 1 tháng, các rãnh và lỗ đục sẽ tự liền lại, khi đó, người trồng lại tiếp tục cạo vỏ và thu hoạch tiếp.
Phân loại mủ trôm
Tùy vào kỹ thuật lấy mủ mà mủ trôm sẽ chia ra làm hai loại chính là mủ trôm loại 1 và mủ trôm loại 2.
Mủ trôm loại 1: Còn gọi là mủ trôm dạng thanh. Sau khi thu hoạch, mủ trôm tươi sẽ được kéo dài ra thành dạng thanh rồi cắt bớt phần thâm vàng và mang phơi khô.
Mủ trôm loại 2: Gọi là mủ trôm dạng viên (dạng cục). Nguyên cục mủ trôm tươi sau thu hoạch sẽ được mang đi phơi khô.
Cách ngâm mủ trôm
Để chuẩn bị các món ăn hay thức uống, mủ trôm thường được ngâm với nước để nở mềm. Tỷ lệ thích hợp để mủ trôm có thể trương nở hoàn toàn là 5gr mủ trôm ngâm với 1 lít nước trong khoảng từ 12 – 24 giờ.
Do đặc tính háo nước nên khi đi vào đường tiêu hóa mủ trôm vẫn tiếp tục hút nước và trương nở. Vì vậy, bạn cần chú ý ngâm mủ trôm nở hoàn toàn trước khi sử dụng nhé!
Mủ trôm sau khi ngâm nở, bạn rửa lại cho sạch và để ráo nước.
3. Tác dụng của mủ trôm
Thanh nhiệt cơ thể
Nhựa của cây trôm có vị ngọt, tính mát nên đem lại công dụng mát gan, giải độc, giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả.
Giúp nhuận tràng
Mủ cây trôm có thành phần chất xơ cao, đặc tính trương nở tốt, có khả năng kết dính cặn bã và độc hại trong ruột già nên cải thiện nhu động ruột, phòng chống táo bón.
Tạo cảm giác no
Uống nước mủ trôm chúng ta sẽ có cảm giác no hơn vì chúng hút nước rất mạnh, sẽ khiến bạn không muốn ăn thêm nữa. Do đó, bạn sẽ ăn ít hơn và có vóc dáng thon gọn hơn.
Giúp ngủ ngon, giảm stress
Uống nửa ly nước mủ trôm mỗi ngày sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu và xua tan mệt mỏi, giúp bạn khỏe khoắn rạng rỡ hơn rất nhiều.
4. Lưu ý khi sử dụng mủ trôm
Tuy mủ trôm có nhiều công dụng là vậy nhưng bạn cũng nên lưu ý những trường hợp sau:
- Bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị bệnh vì dễ gây ngộ độc do các tương tác thuốc.
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú không nên sử dụng vì sẽ có tác động không tốt cho mẹ và bé.
- Người có khối u trong ruột sẽ làm lạnh bụng, đi ngoài nhiều khiến bệnh trở nặng hơn.
5. Mủ trôm để được bao lâu?
Với mủ trôm khô chưa ngâm nở, bạn dựa vào ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm trên bao bì để biết mủ trôm để được trong bao lâu.
Tuy nhiên, bạn nên sử dụng trong vòng 6 tháng đầu từ ngày sản xuất. Vì nếu để càng lâu, các chất dinh dưỡng trong mủ trôm bị suy giảm dần, tác dụng cũng bị suy giảm đáng kể.
Với các loại nước uống mủ trôm, ngon nhất là bạn sử dụng trong ngày. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, có thể bảo quản thêm 1 ngày nữa.
Như vậy, Điện máy XANH đã giúp bạn hiểu thêm về mủ trôm là gì? Công dụng và lưu ý khi ăn mủ trôm, mủ trôm để được bao lâu? Hi vọng rằng bạn đã có nhiều thông tin bổ ích. Đừng quên ghé thăm vào chuyên mục Mẹo vào bếp để biết thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!
*Tham khảo và tổng hợp thông tin từ nguồn Wikipedia
Biên tập bởi Khương Thị Hồng Nhung • Đăng 23/03/2021