Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính .CÔNG AN TRA VINH
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) hiện hành. Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của bản dự thảo lần này còn chưa thực sự phù hợp, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với một số quy định của pháp luật liên quan, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp hơn. Chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:
1. Về nguyên tác xử lý vi phạm hành chính
Đề nghị bãi bỏ nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật này” của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo như dự thảo của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC thì trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần nhưng không phải là tình tiết tăng nặng thì sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, theo khoản 6 Điều 2 Luật XLVPHC giải thích “Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý”, theo quy định này thì trong mọi trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần thì đều được xem là tình tiết tăng nặng, do đó nếu quy định vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm là không khả thi và không có trường hợp nào để áp dụng nguyên tắc này.
2. Về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC có đề xuất bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 86 quy định về biện pháp cưỡng chế là “ Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”.
XLVPHC là hoạt động của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Khi đối tượng bị XLVPHC không thực hiện Quyết định xử phạt VPHC, cơ quan, người ban hành Quyết định xử phạt VPHC có quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế buộc đối tượng vi phạm phải thực hiện Quyết định xử phạt VPHC đó. Vì vậy, khi cá nhân, tổ chức không thực hiện quyết định xử phạt, họ cần phải bị áp dụng một biện pháp cưỡng chế, bị hạn chế hay ngừng được sử dụng, phục vụ một dịch vụ mang tính chất công để buộc cá nhân, tổ chức phải cân nhắc để hiện Quyết định xử phạt hành chính đó.
Điện, nước là tài sản trao đổi giữa một bên là nhà cung cấp điện, nước (Công ty điện lực, công ty nước sạch) với cá nhân, cơ quan, tổ chức … được xác lập bởi một hợp đồng dân sự mua bán tài sản với những nội thỏa thuận thỏa thuận cụ thể, chi tiết về quyền của hai bên. Khi bên mua vi phạm nội dung thỏa thuận, bên cung cấp có quyền ngừng cung cấp tài sản của mình và ngược lại, bên cung cấp vi phạm về chất lượng điện, nước, thái độ phục vụ của nhân viên, mức giá tiền không hợp lý … người mua có quyền phản ánh lên cấp cao hơn của nhà cung cấp để được giải quyết. Việc dự thảo Luật XLVPHC quy định bổ sung “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” là một biện pháp cưỡng chế xử phạt VPHC sẽ buộc Công ty điện lực, công ty nước sạch vi phạm hợp đồng dân sự đối với khách hàng của họ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Do đó, không quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” là một biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt VPHC.
3. Quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính
Qua theo dõi công tác xử lý vi phạm hành chính thời gian qua, trong thực tế xử lý các vụ việc vi phạm hành chính có phát sinh trường hợp người vi phạm là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nhưng do chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để người chưa thành niên sử dụng tang vật, phương tiện để vi phạm hành chính, do đó trong trường hợp này người chưa thành niên phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu.
Theo Luật XLVPHC thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Tuy nhiên, Luật lại chưa quy định cụ thể là đối với trường hợp người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu hay không, do đó về vấn đề này hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau và chưa thống nhất trong quá trình thi hành Luật XLVPHC.
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và cụ thể trong quá trình thi hành các quy định của Luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên thì cần bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC nội dung “Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền; không bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này”.
4. Quy định về định giá tài sản trong các vụ việc vi phạm hành chính
Theo Điều 60 của Luật XLVPHC hiện hành thì có quy định việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, trong một số vụ việc vi phạm hành chính để làm cơ sở cho việc khắc phục hậu quả hoặc làm cơ sở cho việc xử lý vụ việc vi phạm theo pháp luật hành chính hay pháp luật hình sự thì cần phải xác định giá trị tài sản bị thiệt hại, tài sản bị chiếm đoạt, tài sản bị mất trộm,… nhưng Luật XLVPHC thì chưa có quy định việc xác định giá trị tài sản trong các vụ việc vi phạm hành chính được thực hiện như thế nào. Vì vậy, hiện nay có nhiều vụ việc người có thẩm quyền xử phạt không biết căn cứ vào quy định nào để xác định giá trị tài sản trong các vụ việc vi phạm.
Từ các vấn đề nêu trên, để khắc phục vướng mắc như nêu trên thì cần bổ sung vào Điều 60 một khoản để quy định về việc xác định giá trị tài sản trong các vụ việc VPHC. Cụ thể cần bổ sung thêm nội dung sau: “Việc định giá tài sản trong các vụ việc vi phạm hành chính để xác định giá trị tài sản làm cơ sở áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc làm cơ sở cho việc xử lý vụ việc theo quy định của Luật XLVPHC được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều này”./.
Phan Minh Thuận