Một số vấn đề về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã
Ông NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
BPO – Trước tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, làm ảnh hưởng thanh danh, uy tín; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng hiện nay, đặc biệt trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, các đảng bộ cấp xã phải đặc biệt coi trọng nâng cao sức chiến đấu và khả năng chiến đấu để làm trong sạch nội bộ và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng từ bên ngoài bởi các thế lực thù địch.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhận định: “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc được triển khai hiệu quả với nhiều giải pháp trong tổ chức lực lượng và hoạt động trên mạng xã hội. Tích cực phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời định hướng dư luận xã hội. Đưa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thấm nhuần vào mọi hoạt động lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền và ý thức của từng người dân”. Nhận thức đúng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã là cơ sở để các cấp ủy đảng lãnh đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ huyện trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trên địa bàn tỉnh hiện nay là tổng hợp những khả năng được tạo nên từ những yếu tố nội sinh, từ sự phấn đấu của các đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện các bước của quy trình lãnh đạo nhằm đạt được kết quả cao trong thực tiễn. Có thể quan niệm năng lực lãnh đạo của các TCCSĐ, chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước là tổng hợp các khả năng nghiên cứu, được tạo nên bởi nhiều yếu tố, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ các cấp trong từng thời kỳ; lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ nhằm phát huy vai trò, hiệu lực của bộ máy chính quyền và các đoàn thể chính trị của đảng bộ; trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ.
Sức chiến đấu của các TCCSĐ, đảng bộ được biểu hiện trước hết bản lĩnh chính trị trước mọi biến động của tình hình chính trị – xã hội. Như vậy có thể quan niệm: Sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ là sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sự thống nhất về ý chí và hành động; là khả năng đấu tranh chống mọi tác động làm suy yếu TCCSĐ; là sự gắn kết Đảng với quần chúng; là sức mạnh, khả năng vượt qua những khó khăn, thách thức, hạn chế, tiêu cực, những trở lực và chống lại có hiệu quả sự phá hoại của các thế lực thù địch trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở xã như ý thức giác ngộ, trình độ trí tuệ, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tính tiên phong gương mẫu và bản lĩnh chính trị, sự kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của mỗi cán bộ, đảng viên; ở khả năng khắc phục những hạn chế, biểu hiện tiêu cực trong bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn; tinh thần đấu tranh ủng hộ cái đúng, cái mới, tiến bộ, phê phán, loại bỏ cái cũ, lạc hậu; sự nhạy bén nắm bắt tình hình, phát hiện và kiên quyết đấu tranh đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ; chống những biểu hiện tiêu cực, hành vi sai trái, tư tưởng, quan điểm phản động, phần tử cơ hội trong tổ chức; chủ động ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện giảm sút, phai nhạt lý tưởng và ý chí phấn đấu; chống tư tưởng thực dụng, tệ quan liêu, tham nhũng và sự thoái hóa về đạo đức, lối sống; tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể trong các xã, phường, thị trấn…
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu là vấn đề cơ bản thuộc về nguyên tắc trong xây dựng Đảng, mang tính quy luật trong suốt quá trình tồn tại, phát triển và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Đây là vấn đề sống còn, phải được tiến hành kiên trì, thường xuyên, liên tục và lâu dài trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của Đảng. Đặc biệt, trước mục tiêu, yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo hướng tiếp cận đó có thể quan niệm: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ, đảng bộ cấp xã thuộc đảng bộ một số huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước là tổng hợp khả năng của tập thể cấp ủy, chi bộ, đảng bộ để đề ra chủ trương, phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phát huy vai trò sức mạnh cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các lực lượng và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở địa phương; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Là sự trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới.
Mặc dù trong những năm qua, công tác xây dựng đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị cơ sở ngày càng được Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng quan tâm củng cố, tuy nhiên vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tư tưởng của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng trước những vấn đề bức xúc của xã hội, đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Công tác quy hoạch cán bộ cấp cơ sở còn khép kín, chưa đảm bảo phương châm “động và mở”, chưa gắn kết chặt chẽ giữa khâu quy hoạch và đào tạo trong công tác cán bộ. Việc thực hiện chuẩn hóa cán bộ theo Quyết định số 132-QĐ/TU của Tỉnh ủy chưa đạt yêu cầu, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp xã. Một số cấp ủy xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chưa xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm.
Từ thực tiễn về những bất cập trên thực tế thời gian qua từ cơ sở, thời gian tới, các TCCSĐ và đảng bộ cấp xã thuộc một số đảng bộ huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cần tập trung củng cố và chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở vững mạnh toàn diện. Hướng dẫn cơ sở xác định đúng trọng tâm, trọng điểm từng thời kỳ, biết phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí trên nguyên tắc tập trung dân chủ; quan tâm chăm lo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, chính sách an sinh xã hội tại địa phương; coi đây là nhiệm vụ chiến lược, là trọng tâm, thường xuyên, liên tục, là tiền đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững từ cơ sở.
Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; xây dựng đảng bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, đảng bộ, cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng trong sáng, tận tụy với công việc, gắn bó mật thiết với nhân dân, đoàn kết thống nhất; xây dựng đảng bộ cơ sở bảo đảm vai trò hạt nhân lãnh đạo, đủ sức thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới và các nghị quyết của Đảng từ tỉnh tới cơ sở trong từng giai đoạn.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xử lý nghiêm cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của đảng bộ trong việc ban hành nghị quyết, chương trình hành động, bảo đảm ngắn gọn, thiết thực, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đơn vị, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội nghị; dành nhiều thời gian đi sâu sát nắm bắt cơ sở, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện dân chủ trong Đảng, phát huy trí tuệ của từng cá nhân, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
(Còn nữa)