Một số vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa – vhnt.org.vn
1. Quản lý xã hội, quản lý nhà nước
“Quản lý xã hội là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của chủ thể quản lý xã hội lên xã hội và các khách thể có liên quan, nhằm duy trì và phát triển xã hội theo các đặc trưng và các mục tiêu mà các chủ thể quản lý đặt ra phù hợp với xu thế phát triển khách quan của lịch sử”(1).
Muốn tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích, người quản lý phải thực hiện 5 khâu quan trọng là: lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo triển khai kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
Từ định nghĩa về quản lý nói chung, có thể thấy hoạt động quản lý được thể hiện trong 5 thành tố: chủ thể quản lý, khách thể quản lý, mục đích quản lý, công cụ quản lý, cách thức quản lý.
Căn cứ vào các thành tố cơ bản cấu thành hoạt động quản lý, có thể đưa ra định nghĩa quản lý nhà nước đối với xã hội: “Quản lý nhà nước đối với xã hội là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của Nhà nước bằng hệ thống luật pháp và bộ máy của mình nhằm điều chỉnh các hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, hành vi của công dân, với mục đích duy trì và phát triển xã hội, bảo toàn và củng cố quyền lực nhà nước”(2).
Thành tố quan trọng nhất trong quản lý là chủ thể quản lý, quyết định mục đích, cách thức quản lý và lựa chọn công cụ quản lý. Bởi vậy, quản lý nhà nước có những đặc điểm: mang tính quyền lực đặc biệt, tính tổ chức cao; có mục tiêu chiến lược, chương trình và kế hoạch thực hiện mục tiêu; có tính chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong việc điều hành, phối hợp, huy động mọi lực lượng; có tính liên tục, tính tổ chức, tính thống nhất. Muốn vậy bộ máy nhà nước phải ổn định, thống nhất từ trung ương đến địa phương; hệ thống pháp luật phải đồng bộ và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan.
2. Văn hóa, quản lý nhà nước về văn hóa
Văn hóa
Văn hóa là một quá trình hoạt động của con người tự do, biến đổi thế giới tự nhiên thành thế giới tự nhiên thứ hai có cấu trúc cao hơn, có tính người, trong quá trình đó con người hình thành thiên nhiên bên trong, đồng thời thể hiện thái độ ứng xử đối với chính mình.
Văn hóa là một cấu trúc toàn diện gồm ba hình thái: chuẩn mực, giá trị và biểu tượng. Bởi vậy, cần quan niệm rõ văn hóa như thế nào trong khuôn khổ của ngành quản lý văn hóa, nó là khái niệm rộng hay hẹp, liệu văn hóa có phải là khái niệm bậc trên của nghệ thuật như sân khấu, âm nhạc, nhảy múa hay văn học.Văn hóa là không gian sống của con người, là phương tiện kiến tạo cuộc sống của con người,hay văn hóa có tư cách là “hệ thống cấu trúc ý nghĩa cộng đồng, mà với những ý nghĩa này con người kinh nghiệm, định nghĩa xử lý, thể hiện và biến đổi thực tại (J.Moellmann) Bởi vậy, văn hóa là hình thái chuẩn mực, hình thái giá trị và hình thái biểu tượng do con người sáng tạo nên nhằm giúp con người có những điển quy để hành động, nhân thức và biến đổi thực tại. Trong hoàn cảnh lý tưởng, những hình thái chuẩn mực, giá trị và biểu tượng này được khắc họa bởi nghệ thuật, bởi vì thông qua nghệ thuật, văn hóa trở nên có tính sáng tạo cao hơn.
Nhân phát động thập kỷ phát triển văn hóa, ông Tổng giám đốc UNESCO F.Mayor đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống giá trị, các truyền thống và các thị hiếu – những yếu tố xác định các đặc tính riêng của mỗi dân tộc”(3). Định nghĩa này nhấn mạnh vào hoạt động sáng tạo của các cộng đồng người gắn liền với tiến trình phát triển có tính lịch sử của mỗi cộng đồng trải qua một thời gian dài tạo nên những giá trị có tính nhân văn phổ quát, đồng thời có tính đặc thù của mỗi cộng đồng, bản sắc riêng của từng dân tộc. Định nghĩa còn cho thấy không phải hoạt động nào của con người cũng tạo nên giá trị văn hóa, chỉ có các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại, trải qua thời gian dài hàng thế kỷ mới tạo ra được các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu… cái mà người ta có thể coi là văn hóa của mỗi tộc người. Định nghĩa này còn nhấn mạnh tính riêng của mỗi nền văn hóa, cổ vũ cho việc giữ gìn tính đa dạng của văn hóa thế giới, khuyến cáo nguy cơ suy thoái của các nền văn hóa dễ bị tổn thương trong làn sóng toàn cầu hóa, hệ lụy của cách thức phát triển kinh tế không tôn trọng yếu tố văn hóa vì con người.
Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào định nghĩa có tính khái quát này, trong hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa, chúng ta dễ bị hiểu một cách sai lạc: quản lý văn hóa là quản lý các hoạt động sáng tạo và thu hẹp hơn nữa là quản lý sáng tác văn học nghệ thuật. Thực tế quản lý văn hóa không phải chỉ có thế. Để có thể nhìn nhận văn hóa một cách thiết thực hơn, chúng tôi quan tâm tới định nghĩa của Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật; Những công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh ấy tức là văn hóa”(4). Định nghĩa giúp chúng ta bổ sung đầy đủ hơn cách hiểu văn hóa với nghĩa khái quát và cả với nghĩa cụ thể của từng lĩnh vực hoạt động và các yếu tố khác gắn liền với đời sống thường nhật của con người. Suy cho cùng, mọi hoạt động của con người trước hết đều vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, những hoạt động sống đó trải qua thực tiễn và thời gian được lặp đi, lặp lại thành những thói quen, tập quán, chắt lọc thành những chuẩn mực, những giá trị vật chất và tinh thần được tích lũy, lưu truyền từ đời này qua đời khác thành kho tàng quý giá mang bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, góp lại mà thành di sản văn hóa của toàn nhân loại.
Văn hóa là khái niệm đa nghĩa. Tuy nhiên từ góc độ tiếp cận về quản lý, có thể dễ dàng nhận thấy hai yếu tố quan trọng khi đề cập tới khái niệm văn hóa, đó là: hoạt động văn hóa và giá trị văn hóa. Trong quản lý văn hóa, cách tiếp cận này giúp phân loại các vấn đề cần quản lý có tính hệ thống, và đương nhiên hoạt động quản lý sẽ cụ thể, hiệu quả hơn.
Hoạt động văn hóa
Xét theo nghĩa rộng thì mọi hoạt động vì lẽ sinh tồn và mục đích cuộc sống đều có thể coi là hoạt động văn hóa. Cấy lúa, trồng khoai hay săn bắn, hái lượm đều vì lẽ sinh tồn của các cộng đồng người và vì thế nó là hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, xã hội loài người ngày càng phát triển, các hoạt động của con người ngày càng đa dạng với mục đích rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau giữa các thành viên trong cộng đồng và giữa các cộng đồng. Nếu coi mọi hoạt động sống của con người đều là văn hóa dễ dẫn đến sự đồng nhất những hoạt động thuần túy phục vụ sự tồn tại của con người với tư cách là một sinh thể sống với các hoạt động mang tính đặc thù chỉ con người mới có, thậm chí sẽ không phân biệt được những hoạt động có tính nhân văn và những hoạt động phản nhân văn. Cùng với sự phát triển xã hội, khoa học xã hội nói chung và văn hóa học nói riêng cũng phát triển và đòi hỏi sự phân chia có tính đặc thù hơn cho các hoạt động của con người. Chính vì vậy, các hoạt động mang tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu không chỉ vật chất mà còn tinh thần của con người mới được coi là những hoạt động văn hóa. Những hoạt động như vậy cũng khác nhau trong các cộng đồng người và hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Điều đó cho phép hiểu rằng, không phải tất cả các hoạt động sống của con người đều là hoạt động văn hóa.
Giá trị văn hóa
Trước tiên cần phân biệt giá và giá trị. Vật nào đó có thể đem trao đổi, mua, bán đều có một giá. Ngay các sản phẩm văn hóa như phim, ảnh, tranh, tượng, sách, băng, đĩa nhạc… đều có thể đem trao đổi, mua bán. Bởi thế chúng có giá được quy đổi bằng tiền tệ, vàng bạc hoặc các vật ngang giá khác. Đó là giá chứ không phải là giá trị. Có giá cao phần nào phản ánh giá trị nhưng không phải là toàn bộ giá trị của chúng. E.Kant (1724-1804) cho rằng: Vật nào có thể đem trao đổi được đều có một giá, duy có một số vật không lấy gì thay thế được thì có một giá trị. Quả thật, có những thứ không thể đem trao đổi, mua, bán vì chúng không có giá, khó có thể định giá theo cách quy đổi bằng tiền tệ, vàng bạc hay các vật ngang giá khác. Ví như tình bạn, tình yêu, lòng yêu nước, các di sản văn hóa có giá trị của các cộng đồng, quốc gia, dân tộc… không thể thay thế bằng bất kỳ vật ngang giá nào khác, bởi nó là những giá trị xã hội được một cộng đồng, quốc gia, dân tộc thừa nhận, tôn thờ và khát khao vươn tới. Nó điều chỉnh hành vi của mỗi thành viên và của cả cộng đồng xã hội ấy. Nó là những giá trị xã hội mà giá trị văn hóa chỉ là bộ phận. Giá trị văn hóa đề cập ở đây giới hạn trong phạm vi giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Quản lý giá trị văn hóa được hiểu là quản lý các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
Trên thực tế đời sống xã hội, khó có thể chỉ ra một di sản văn hóa nào thuần túy chỉ là vật thể hay phi vật thể. Ví như di sản văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) được xếp hạng như là một di sản văn hóa vật thể. Tuy nhiên, ý nghĩa vật thể của các bia tiến sĩ không nhiều, nó chỉ như là các chứng tích khẳng định Việt Nam có một nền giáo dục và khoa cử lâu đời. Chính ý nghĩa ngoài vật chất ấy là căn cứ để UNESCO công nhận nó là di sản văn hóa, ký ức nhân loại. Về phương diện vật chất, với điều kiện kỹ thuật và tài chính hiện nay, người ta có thể cho chạm khắc các bia đá đẹp hơn nhiều, nhưng có đẹp đến đâu cũng không thay được các bia tiến sĩ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ngược lại, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, nó không phải là di sản văn hóa vật thể, nhưng nếu thiếu vắng những cái cồng, chiêng nguyên bản mang ý nghĩa vật chất thì cái ý nghĩa cao siêu khác cũng khó mà tồn tại. Như vậy, sự phân chia văn hóa vật thể và phi vật thể chỉ mang ý nghĩa tương đối, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng vậy. Bởi vậy, người làm quản lý cần nắm những đặc điểm của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể để phân loại chúng trong hệ thống các di sản giúp cho việc quản lý được thuận tiện và hiệu quả.
Luật Di sản văn hóa, tại Điều 1 đã quy định cụ thể như sau: “Di sản văn hóa quy định tại luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cán bộ văn hóa – xã hội các cấp cần đọc kỹ Luật Di sản văn hóa để biết về một số khái niệm liên quan đến di sản như di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…
Quản lý nhà nước về văn hóa
Về cơ bản, quản lý nhà nước về văn hóa là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích của Nhà nước bằng hệ thống pháp luật và bộ máy nhằm phát triển văn hóa, điều chỉnh hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa và liên quan.
Từ cách hiểu trên, có thể làm rõ thêm nội hàm quản lý nhà nước về văn hóa, các thành tố cấu thành hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa.
Thứ nhất, chủ thể quản lý nhà nước về văn hóa là Nhà nước, được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, quyền quản lý được phân cấp: cấp trung ương, cấp tỉnh (tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương), cấp huyện (huyện thuộc tỉnh, quận thuộc thành phố), cấp xã (xã thuộc huyện, phường thuộc quận). Quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp nào thì cơ quan nhà nước cấp ấy là chủ thể quản lý. Quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp xã thì UBND xã là chủ thể quản lý nhà nước. Công chức văn hóa – xã hội xã được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa giúp UBND xã có thể được coi là chủ thể quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn xã.
Thứ hai, khách thể quản lý nhà nước về văn hóa là văn hóa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoặc có liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Văn hóa với tư cách là khách thể quản lý được hiểu theo nghĩa cụ thể là: các hoạt động văn hóa (trong đó có các dịch vụ văn hóa, hoạt động sáng tạo…) và các giá trị văn hóa (cụ thể là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể). Mặt khác, theo sự phân công trong hệ thống các cơ quan nhà nước các cấp, không phải toàn bộ hoạt động văn hóa hiểu theo nghĩa rộng đều do ngành văn hóa quản lý. Văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ… do cơ quan giáo dục, khoa học công nghệ quản lý.
Thứ ba, mục đích quản lý nhà nước về văn hóa là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa ở từng cấp, từng địa phương, từng hoạt động cụ thể thì mục đích quản lý nhà nước về văn hóa phải được xác định cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ và hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, quản lý nhà nước chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thì cấp trung ương mục đích là gì, cấp tỉnh, quận huyện, xã phường là gì phải được xác định một cách cụ thể. Có như vậy hoạt động quản lý mới hiệu quả.
Thứ tư, cơ sở pháp lý của quản lý nhà nước về văn hóa là hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Như vậy quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về văn hóa nói riêng có công cụ là hệ thống luật và các văn bản có tính pháp quy. Quản lý bằng pháp luật chứ không phải bằng ý chí của nhà quản lý.
Thứ năm, cách thức quản lý là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích chứ không phải là việc làm có tính thời vụ, cũng không phải là sự thụ động của nhà quản lý, càng không phải là hoạt động đơn lẻ, tùy tiện của nhà quản lý.
Người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa luôn tự đặt và trả lời câu hỏi: ai là người quản lý, quản lý ai và quản lý cái gì, quản lý vì cái gì, công cụ nào để quản lý? Ngoài 4 câu hỏi cơ bản trên, người quản lý có kinh nghiệm còn biết đặt và trả lời một số câu hỏi có tính nghiệp vụ khác mới có thể thực thi nhiệm vụ quản lý có hiệu quả.
2. Một số vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa trong thời kỳ đổi mới
Quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường là một trong những lĩnh vực có rất nhiều vấn đề đặt ra. Việc xác định vấn đề nào là trọng tâm hiện nay có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả quản lý.
Vấn đề nhận thức: Trong thực tiễn hoạt động nhiều năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, một vấn đề lớn đặt ra là phát triển văn hóa chưa đồng bộ với phát triển kinh tế dẫn đến nhiều hệ lụy về phát triển xã hội, đồng thời làm cho phát triển kinh tế không bền vững. Nguyên nhân chính của vấn đề đó là do nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt, sự bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa.
Đổi mới kinh tế đi trước một bước: Sự sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể ở nước ta chỉ có thể đạt hiệu quả với điều kiện phải nhận thức đúng kinh tế đi trước một bước để tiếp tục đổi mới văn hóa xã hội đồng bộ cùng với phát triển kinh tế. Đi trước một bước không có nghĩa là đổi mới kinh tế xong mới đổi mới văn hóa, hy sinh văn hóa để phát triển kinh tế. Trên thực tế, nhiều nơi, nhiều lúc yếu tố văn hóa đã bị coi nhẹ vì phát triển kinh tế. Nhìn tổng thể, đổi mới văn hóa chưa theo kịp đổi mới kinh tế.
Vai trò quản lý nhà nước về văn hóa chưa được nhận thức đúng đắn: Trong xã hội có người cho rằng văn hóa là nhu cầu của con người, nó phát sinh phát triển theo nhu cầu tự nhiên, hãy để nó phát triển theo quy luật vốn có của nó. Những người có quan niệm như vậy không nhiều, nhưng quan niệm ấy lại là cái cớ để tồn tại những lệch lạc trong nhìn nhận quản lý nhà nước về văn hóa: quản lý hay không quản lý thì văn hóa cũng cứ phát triển theo đường đi của nó.
Đổi mới nhận thức về quản lý nhà nước bất cập so với phát triển văn hóa: Các hoạt động văn hóa ngày càng đa dạng, các dịch vụ văn hóa cũng phát triển khá mạnh, một mặt đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội, mặt khác cũng gây nhiều hệ lụy với những đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, gây tâm trạng bất an trong dư luận xã hội. Quản lý nhà nước không theo kịp sự phát triển, thêm vào đó còn tồn tại cách hiểu sai quản lý đến đâu, phát triển đến đó, dẫn đến nhận thức lệch lạc, quy quản lý nhà nước vào một việc cho và không cho (sinh ra tệ xin cho với bao hệ lụy đi kèm), dẫn đến cách quản lý hạn chế sự phát triển, không quản lý được thì cấm.
Tóm lại, việc nhận thức cho đúng quản lý nhà nước về văn hóa là gì, mục đích, ý nghĩa và cách thức quản lý ra sao… vẫn đang đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi cần nghiên cứu, trao đổi, thảo luận làm sáng tỏ.
_______________
1, 2. Giáo trình quản lý xã hội, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2006.
3. UBQG về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ BHTTTT, Hà Nội, 1992.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.431.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013
Tác giả : Lê Thị Bích Thuận
Đánh giá post