Một số thuật ngữ Báo chí
1. Bài báo (article).
Trong một quan niệm rộng rãi, không có tính chuyên ngành, bài báo là bất kỳ văn bản nào có tác giả công bố trên mặt báo, trừ các mẩu tin. Trong quan niệm mang tính chuyên ngành, bài báo là một tác phẩm báo chí có nội dung và hình thức hoàn chỉnh, xuất hiện như một bức thông điệp chứa đựng một thông tin cốt lõi, có mô tả, lý giải rõ ràng, cụ thể, lôgic và dễ hiểu một sự kiện, hiện tượng hoặc một vấn đề, quan niệm nào đó đang có ý nghĩa thời sự và ý nghĩa xã hội quan trọng.
Tác giả bài báo phải tìm kiếm các mối liên hệ, xác định nguyên nhân, hệ quả, phân tích, xếp loại sự kiện, bổ sung các bằng chứng và đưa ra được những nhận định khái quát. Nội dung bài báo được tạo bởi những tư tưởng, quan niệm cơ bản, mang tính chính thống hoặc là quan niệm của một tập thể, cộng đồng kết hợp với các luận chứng, chứng cứ cụ thể. Bên cạnh đó, bài báo bao giờ cũng chứa đựng thái độ chủ quan của tác giả qua sự đánh giá, phân tích, qua cả kết cấu, ngôn ngữ, bút pháp, vì vậy những bài viết thành công thường được xếp vào khu vực những tài liệu truyền thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu và quản lý xã hội. Có thể tính ra nhiều dạng bài báo thuộc nhiếu thể loại khác nhau, như: bài bình luận, bài xã luận, bài phân tích, bài phản ánh, bài tiểu luận, bài phóng sự, bài điều tra, bài ghi nhanh, bài tường thuật, bài phê bình tác phẩm văn nghệ. Các bài tiểu phẩm, bài phỏng vấn và những bài viết không có tính nghị luận, không tính chủ thể rõ rệt thường không được coi là bài báo, tức là không được xếp vào nhóm thể loại thông dụng nêu trên.
“Bài báo” là một thuật ngữ không có sự thống nhất về nội dung giữa thực tiễn sử dụng và nghiên cứu lý thuyết. Ngay cả các nhà báo chuyên nghiệp hàng ngày vẫn có thể sử dụng từ “bài báo” chỉ để phân biệt với các sản phẩm không phải là “bài”, như Tin và Ảnh, giống như các gọi thông thường của độc giả. Trong nghiên cứu lý thuyết, xuất phát từ các tài liệu báo chí học Nga và Đông Âu, ở Việt Nam, khái niệm “bài báo” chỉ được giới hạn trong phạm vi những bài đưa tin dài, đôi chỗ còn được gọi là thể loại “bài thông tấn”.
2. Bút danh (pseudonym).
Là biệt hiệu của tác giả in trên sách, báo. Việc không sử dụng tên chính thức mà dùng tên tự đặt để khẳng đinh vai trò chủ thể và quyền sở hữu tác phẩm có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau:
– Lý do an ninh chính trị: tác giả cần bí mật để tự bảo vệ mình trước nguy cơ truy tố, khủng bố cá nhân.
– Vì nhu cầu tinh thần: đặt bút danh theo kỉ niệm riêng tư, nhằm gửi gắm một ý nguyện, ước mơ, kỳ vọng nào đố.
– Vì sinh kế phải mượn danh tác giả khác.
Trong trường hợp thứ ba, khi tác giả phải công bổ tác phẩm của mình dưới tên của bạn bè đồng nghiệp, người Hy Lạp có danh từ đặc biệt để chỉ bút danh này là allonym (phân biệt vớipseudonym).
Việc sử dụng bút danh đã xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp – La Mã, nhưng nó chỉ trở nên phổ biến và quen thuộc khi nghề in sách phát triển mạnh. Các nhà văn lớn như Molière, Voltaire, Stendhal, Mark Twain, Anatole France, M. Gorki đều dùng bút danh. Để tránh sự kiểm duyệt nhà nước và sự tẩy chay của các toà báo, nhà báo – nhà văn châm biếm Thổ Nhĩ Kỳ A. Nesin phải dùng tới hơn hai trăm bút danh. Các nhà văn trung đại Việt nam đều có tên chữ, tên hiệu giống như bút danh.
Nhà văn – nhà báo Ngô Tất Tố thuộc số tác giả có nhiều bút danh nhất trong làng báo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Cuối thế kỷ XIX, sau khi công ước Bern ra đời, ở nhiều nước châu Âu, điển hình là vương quốc Áo – Hung, quyền tác giả có hiệu lực cho đến năm thứ 50 sau khi tác giả qua đời, nhưng đối với các tác phẩm dùng bút danh thì thời hạn có hiệu lực đó chỉ kéo dài có 30 năm. Thời hạn này hiện nay vẫn còn đang được tranh luận và không được thực thi ở nhiều nước tham gia công ước.
3. Ký (journalese sketch)
Ký là thuật ngữ đại diện cho một nhóm thể loại văn xuôi tự sự không hư cấu, được sử dụng chung trong cả văn học lẫn báo chí, như: bút ký, ký sự, phóng sự, du ký, hồi ký, nhật ký v.v. Ký phân biệt với truyện ở tính chất tài liệu hiện thực, thái độ tôn trọng sự thật, kiềm chế những tưởng tượng nghệ thuật và hạn chế tối đa lối sáng tác hư cấu. Ký có thể lấy cốt truyện làm điểm tựa để triển khai chủ đề, song thường là những cốt truyện ít kịch tính. Trong quá trình tái hiện sự thật đời sống, ký chú trọng tới những vấn đề xã hội hơn là những tính cách con người cụ thể. Do vậy, đọc ký, người đọc quan tâm tái chủ đề hơn là nhân vật, đồng thời nhìn nhận ký như một thể loại của báo chí nhiều hơn văn học.
Khởi thuỷ, ký là hình thức ghi chép các sợ kiện thực tế và những nhận đinh chủ quan mang tính chính luận. Từ thời Phục hưng ở châu Âu, ký đã xuất hiện và nhanh chóng chiếm vị trí của một thể loại xung kích trong việc khai sáng tri thức và giải phóng tư tưởng con người. Sang thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực, ký trở thành thể loại đắc dụng đối với nhiều nhà văn. Các nhà văn Pháp như E. Suy, H. Bandắc, G. Xăng và nhiều nhà văn hiện thực Nga đều có những đóng góp trong thể ký. Trong văn học Trung Quốc, ký được dùng như một thể loại khảo cứu phong tục và điều tra xã hội học. Các thể tản văn, ký sự lịch sử, ký lục, chí… từ thời Tây Hán đến đời Thanh đều hết sức phong phú, đa dạng, tạo thành một “hạ tầng kỹ thuật” bề thế cho sự ra đời của báo chí và văn xuôi tự sự hiện đại sau này.
Ký là một “loại”, bao gồm nhiều “thể” khác nhau. Dung lượng, độ dài ở mỗi thể, mỗi bài cũng hết sức cơ động, linh hoạt. Nội dung phổ quát của ký vẫn là những ấn tượng nếm trải tươi mới, sự tiếp xúc với những con người, sự kiện đặc biệt, cùng với những kỷ niệm không thể lãng quên. Vì cầm bút với ý thức của một chứng nhân đời sống, người viết ký có thể nắm bắt từ một hình ảnh nhỏ thoáng qua của dòng đời tới một phác thảo có ý nghĩa khái quát bản chất đời sống xã hội, trong khi vẫn chấp nhận cả những trang mô tả nhật trình của một chuyến viễn du lãng mạn. Trong các thể ký, phóng sự được coi là thể “em út”, vì các đặc tính như ấn tượng chủ quan, sự chứng kiến tận mắt trong ký sự, bút ký, du ký, nhật ký… chính là những yếu tố tiền thân, chuẩn bị trước cho sự ra đời của phóng sự.
4. Ngôn ngữ báo chí (journalistic language)
Là ngôn ngữ đặc trưng của các quá trình chuyển tải thông tin báo chí.
Báo in truyền thống bao gồm nhiều thể loại (tin tức, tường thuật, phóng sự, phỏng vấn, bình luận…), mỗi thể loại lại có những yêu cầu ngôn ngữ riêng, phù hợp với đặc điểm truyền thông của thể loại. Do vậy ngôn ngữ báo chí một mặt được hiểu như là tổng thể các ngôn ngữ thể loại. Sự đa dạng của thể loại dẫn tới sự đa dạng của ngôn ngữ báo chí. Mặt khác, khái niệm ngôn ngữ báo chí được xác lập chủ yếu trong sự khu biệt với khái niệm ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ đời sống tự nhiên. Trong tương quan so sánh đó, nếu như đặc trưng của ngôn ngữ văn học là tính nghệ thuật và hiệu quả thẩm mỹ, thì đặc trưng của ngôn ngữ báo chí là tính chính xác, hàm súc, khách quan và hiệu quả truyền thông tối ưu, tức là nhằm chuyển tải trọn vẹn và nhanh chóng thông tin tới người nhận. Tin vắn là thể loại biểu hiện rõ rệt và tập trung nhất đặc trưng của ngôn ngữ báo chí.
Trong phát thanh và truyền hình, “ngôn ngữ báo chí” của chúng lại thực hiện chức năng biểu đạt theo yêu cầu loại hình truyền thông mới. Ngôn ngữ phát thanh phải thật chọn lọc, rành mạch, dễ hiểu, hạn chế từ láy, từ tượng thanh, phù hợp với thời lượng phát sóng và vượt qua những trở ngại của sự tiếp nhận thính giác, theo dòng thời gian tuyến tính “một đi không trở lại”. Trong truyền hình, ngôn ngữ không giữ vị thế độc tôn, toàn trị như trong báo in, mà chỉ là một trong những yếu tố quan trọng, cấu thành hệ thống các phương tiện chuyển tải thông điệp, như: hình ảnh (động, nhanh, chậm, tĩnh, to, nhỏ), âm nhạc, tiếng động, lời thuyết minh, dẫn chuyện, thông báo… Nhờ ưu thế vượt trội của tín hiệu truyền hình – thành quả tổng hợp của điện ảnh, phát thanh, báo in, công nghệ thông tin, kỹ thuật truyền phát sóng, ngôn ngữ trong truyền hình là hệ thống ngôn ngữ có chức năng hỗ trợ, bổ sung, hoàn chỉnh thông điệp. Ngôn ngữ truyền hình được giảm tải thông tin so với ngôn ngữ báo in và phát thanh. Cũng vì vậy, ngôn ngữ truyền hình luôn có xu hướng ly tâm, rời khỏi trục xoay của ngôn ngữ báo chí, tiếp cận thường xuyên với ngôn ngữ đời sống. Đó cũng là thứ ngôn ngữ đa thanh, phức điệu, không giới hạn lập trường phát ngôn. Chương trình “Khách mời truyền hình” và các cầu truyền hình trực tiếp thể hiện rõ nhất đặc điểm của ngôn ngữ truyền hình.
5. Sự kiện (fact, event)
Là một hiện tượng vất chất, tinh thần nào đó đã xảy ra, được nhận biết là có ý nghĩa xã hội quan trọng, tức là ít nhiều thể hiện đặc tính chung của một tập thể cộng đồng, thời đại và nhân loại.
Trong hoạt động truyền thông, sự kiện được quan tâm như là một đối tượng phản ánh chủ yếu, trực tiếp và cấp thiết của báo chí và văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, bất cứ sự kiện nào cũng có hai mặt chủ quan và khách quan trong nhận thức con người. Sự kiện nảy sinh, tồn tại trong giới hạn không gian và thời gian, cho nên nó có thể quan trọng từ góc độ nhìn nhận này mà lại không quan trọng ở góc độ nhìn nhận khác, có thể có ý nghĩa khi đặt trong quan hệ này mà không mấy ý nghĩa trong quan hệ khác. Xuất phát từ lợi ích chung của nhân dân, đất nước và cộng đồng nhân loại, vì sự tiến bộ xã hội, người làm báo chân chính bằng tri thức, năng lực nghề nghiệp thường cố gắng nắm bắt và phản ánh đúng bản chất sự kiện. Khi đó sự kiện được chiếm lĩnh đúng tính cách một sự kiện báo chí, và dư luận công chúng được tiếp nhận thông tin như một sự tiếp nhận một chân lý khách quan của đời sống.
Trong văn học hiện đại nhiều nước đã hình thành và phát triển hình thái văn học sự kiện,trong đó chủ yếu là mảng văn xuôi tư liệu. Đó là kiểu văn xuôi tự sự, trần thuật phi hư cấu, tuyệt đối tôn trọng tính khách quan, xác thực của những số liệu, sự kiện. Nhà văn viết văn xuôi tư liệu đóng góp cho xã hội bằng nỗ lực tìm kiếm thông tin, số lỉệu, hệ thống hoá và tổ chức lại tư liệu để tác phẩm có kết cấu hợp lý, hấp dẫn và sống động như một cơ thể nghệ thuật hoàn chỉnh. Hoạt động sáng tạo của nhà văn trong trường hợp này rất gần với hoạt động báo chí.
6. Tản văn
Theo quan niệm của người Trung Quốc cận đại, tản văn là văn xuôi nghệ thuật nói chung, bao gồm nhiều thể: tạp văn, tuỳ bút, tiểu phẩm, tiểu luận. Các tiểu thể loại với những cách định danh khá ngẫu hứng, tự do như: nhàn đàm, phiếm đàm, thời đàm, phiếm luận, tạp trở, đoản văn… cũng được xếp vào phạm trù tản văn. Như vậy, thuật ngữ tản văn sẽ trở nên đắc dụng khi bản thân tác giả không ý thức được hoặc không cần quan tâm tới việc tác phẩm của mình được viết theo thể loại nào: tạp văn hay tiểu phẩm, tiểu luận hay phiếm luận, phiếm đàm. Loại trừ các thể văn vần, thơ ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, khái niệm tản văn đứng ra như một khái niệm dung hoà các đường biên thể loại.
Đặc điểm phổ quát của tản văn là sự hiện diện trực tiếp của cái tôi tác giả, là sự ưu tiên của quan điểm, cách cảm, cách nhìn của thông tin lý lẽ trước thông tin sự kiện, là sự linh hoạt, phóng túng trong cách hành văn, trong tổ chức hình ảnh, liên hội các chi tiết. Vị thế của chủ thể tản văn nhìn chung là vị thế cao đàm, ung dung tự tại, vượt lên thói thường, đưa đường chỉ lối cho độc giả khám phá thời cuộc, trải nghiệm cuộc sống, hoặc cảm nhận những khía cạnh mới mẻ, ý vị của đời sống nhân sinh.
Tản văn là thể văn trữ tình nhưng phát triển mạnh nhờ báo chí. Nếu nói về các cây bút tản văn, phải nghĩ ngay tới các nhà văn nổi tiếng như Lỗ Tấn (tạp văn) Tản Đà (tuỳ bút), Ngô Tất Tố (tiểu phẩm), Nguyễn Tuân (tuỳ bút), Vũ Bằng (tuỳ bút, thời đàm), Hoàng Phủ Ngọc Tường (bút kỷ), Băng Sơn (đoản văn) v.v. Các chuyên mục tản văn hiện nay xuất hiện khá đều trên nhiều tờ báo Việt Nam. Cách đặt tên chuyên mục có thể dựa thẳng vào thể loại, cũng có thể dựa theo đề tài, gắn liền với các hình ảnh ẩn dụ hoặc lối nói chào mời đối thoại, như Hà Nội tạp văn, Phiếm đàm, Sau luỹ tre làng, Nghĩ mà coi, Mỗi ngày một chuyện, Nói hay đừng v.v.
7. Tạp văn
Là một thể tản văn giàu tính luận chiến về một đề tài chính trị, xã hội nào đó có ý nghĩa thời sự. Tạp văn vừa có tính chính luận sắc bén, vừa có tính nghệ thuật sinh động. Trong số các thể tản văn, tạp văn là thể giàu tính báo chí hơn cả. Nếu như “tâm thế tản văn” là tâm thế nhàn tản, ngâm ngợi, thích ứng với lối cảm nhận điềm tĩnh, suy tư thì thể tạp văn vượt lên như một thể loại xung kích, phản ứng nhanh nhạy, kịp thời trước những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội… Tạp văn hoàn toàn xa lạ với không gian điền viên và các nhu cầu thư giãn, giải trí. Ở Trung Quốc, tạp văn ra đời trong không khí nóng bỏng của phong trào cách mạng Ngũ Tứ (1917- 1924). Không khí cách mạng đó phần nào ấn định tính chiến đấu của tạp văn. Lỗ Tấn ngay trong những năm cách mạng đó đã mài sắc ngòi bút tạp văn, đưa thể văn này đạt tới tầm cao nghệ thuật. Ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, các nhà văn kiêm nhà báo như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng v.v. đều tận dụng hiệu năng công luận của tạp văn, tạo dựng được môi trường độc giả riêng cho thể loại này được nuôi dưỡng và phát triển.
8. Thể loại (genre)
Là tập hợp những đặc điểm rút ra từ hàng loạt các tác phẩm ngôn từ, nghệ thuật, được khái quát và biểu hiện bằng một thuật ngữ có tính ổn định tương đối trong một hệ thống các phương tiện phản ánh đời sống và sáng tạo tác phẩm.
Lý thuyết thể loại là lý thuyết phát triển trên cơ sở quan sát và phát hiện những yếu tố chung tiềm ẩn trong nhiều tác phẩm, để tiến tới loại hình hoá chúng thành những nhóm tác phẩm có sự gần gũi, thống nhất về đề tài, kết cấu, thủ pháp mô tả, phản ánh, lịch trình phát sinh cùng sự vận động biến đổi của chúng trong lịch sử. Sự phân chia thể loại vì vậy không phải là sự phân chia cơ giới, mà chỉ mang ý nghĩa tương đối về phương diện lý thuyết. Trong thực tiễn báo chí, các thể loại báo chí luôn có sự ảnh hưởng, giao thoa, tiếp nhận và loại bỏ những ưu thế, đặc điểm của nhau. Các thể loại báo chí xuất bản bằng giấy in đã tạo tiền đề cơ bản cho các thể loại truyền thanh và truyền hình xuất hiện. Ngược lại, sau khi truyền thanh và truyền hình ra đời và phát triển, các thể báo in cũng tiếp nhận những ảnh hưởng của tư duy truyền thanh, đặc biệt là kiểu “tư duy truyền hình”, như: thủ pháp cắt ghép, thủ pháp miêu tả có tính đồng hiện, tiếng vọng – độc thoại nội tâm của nhân vật v.v. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hơn hẳn mọi thể loại của văn học nghệ thuật, các thể loại báo chí không chấp nhận những quan niệm khuôn thước cố định, nhất thành bất biến trong lý luận. Các quan niệm về thể loại chỉ có chức năng của người trợ thủ, gợi ý cho nhà báo tiếp cận hiện thực, khai thác, xử lý và diễn đạt thông tin nhanh hơn. Nhiều nhà báo nghiệp dư đến với hoạt động báo chí một cách hồn nhiên, hoàn toàn không có ý thức gì về thể loại nhưng vẫn rất thành công. Thực ra, bằng việc đọc sách báo hàng ngày, họ đã tiếp nhận kinh nghiệm thể loại một cách vô tư, bất tự giác, đồng thời bằng trí thông minh và năng khiếu bẩm sinh, họ nhanh chóng đặt bút mình tuân thủ tư duy thể loại. Bởi vì xét cho cùng, thể loại chính là trí nhớ, là ký ức chung của loài người về văn hoá.
9. Tiểu phẩm (feuilleton, newspaper satire)
Do sử dụng thuật ngữ bằng từ Hán Việt, “tiểu phẩm” được hiểu một cách thông dụng như một tác phẩm ngắn gọn, nhỏ lẻ, có dung lượng khiêm tốn, chỉ lưu ý tới “lượng” chứ không tới “chất” của tác phẩm. Trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là báo in, tiểu phẩm là thể loại có vị thế tương đối cổ điển. Thời kỳ đầu xuất hiện, tiểu phẩm còn nằm lẫn trong các trang phụ trương quảng cáo gắn kèm với các trang chính của tờ báo. Nổi tiếng nhất trong số các trang phụ trương tiểu phẩm và quảng cáo này là phụ trương của nhà văn Lessing cho tờ báo Đức Zeitung, xuất bản từ năm 1751 đến năm 1755. Vì có nội dung châm biếm, hài hước về những chuyện sinh hoạt đời sống, có chức năng giải trí là chủ yếu, tiểu phẩm được phép phát triển nằm ngoài sự quan tâm của bộ máy kiểm duyệt chính thống. Sự nhận biết và “khai trương” thể loại chính thức diễn ra vào năm 1800, khi chủ bút tờ báo Pháp Journal des Débats là J. Geoffroy quyết định di chuyển tiểu phẩm cùng mục quảng cáo từ các trang phụ trương vào nửa dưới trang nhất của mỗi số báo. Những số báo đầu tiên, ông in các bài phê bình sân khấu của mình. Nửa dưới trang báo được ngăn với nửa trên bằng một vạch kẻ ngang, mực đậm, với mục đích lưu ý độc giả rằng đây là phần được miễn kiểm duyệt, về mặt đồ hoạ kỹ thuật, bài tiểu phẩm thường được in bằng kiểu chữ nghiêng và được đóng khung. Được sáp nhập vào trang báo chính thức, thể tiểu phẩm bắt đầu một lịch sử phát triển của nó. Nhiều ký giả và nhà văn nổi tiếng như Th. Gautier, Ch.A. Sainte-Beuve (Pháp), I.S. Puskin (Nga), H. Heine (Đức), K. Capek (Séc), đều tham gia viết tiểu phẩm. Một số nước còn gọi tiểu phẩm bằng cái tên nôm na là “bài dưới vạch” (podcara – Séc), tức là dưới vạch cấm, hay khu vực “phi kiểm duyệt”. Các bài tiểu phẩm càng ngày càng hấp dẫn độc giả và ảnh hưởng sâu rộng tới đông đảo công chúng. Đề tài của tiểu phẩm mở rộng dần trên các mặt của đời sống văn hoá – xã hội và nghệ thuật. Vì bị giới hạn về dung lượng chữ, tiểu phẩm phát triển theo xu hướng dồn nén thẩm mỹ và bắt đầu một lịch trình giao thoa loại hình. Bằng lối viết nhẹ nhàng, hóm hỉnh, phân tích, bình luận một cạch hài hước, các cây bút tiểu phẩm đã đưa thể loại này xích lại gần văn học, tới mức có nhà nghiên cứu (J. Táborská) cho rằng đây chỉ là một thể loại văn học xuất hiện và phát triển nương nhờ trên “đất báo”.
Tuy vậy, thực tiễn và sự khái quát lý thuyết vể tiểu phẩm không phải có sự thống nhất ở tất cả mọi nước. Hiện tại, ở Đức, kháị niệm “feuilleton” được dùng để chỉ tất cả các bài báo ngắn in trên các trang phụ trương, viết về văn hóa, xã hội, giới thiệu và phê binh văn học nghệ thuật, kể cả những bài bình luận chính luận và không tính tới chất hài hước, châm biếm ở đó có hay không.
Ở Việt Nam, tiếp nhận những ảnh hưởng tinh hoa của hai nền vân hoá lớn là Pháp và Trung Quốc, các nhà báo Nguyễn Ái Quốc Ngô Tất Tố thực sự là những cây bút tiểu phẩm tiên phong của báo chí Việt Nam hiện đại. Di sản tiểu phẩm của hai tác giả ngay từ đầu đã hội đủ không chỉ những thuộc tính phổ quát của thể loại feuilleton phương Tây mà còn có sự bổ sung các đặc điểm mới: tính chiến đấu và sự can dự sâu rộng vào địa hạt chính trị. Tiểu phẩm của báo chí đầu thế kỷ này ở Việt Nam thường xuất hiện trong các chuyên mục như “Nói mà chơi”, “Thời đàm”, “Mua vui cũng được một vài trống canh”, “Nói hay đừng” v.v..