Một số quy định mới về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020
Một số quy định mới về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020
Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật Xử lý
VPHC), có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng liên
quan đến biện pháp “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” như đối tượng bị áp dụng,
lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… đã được
sửa đổi, bổ sung. Để công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện có hiệu quả, cần
chú ý một số điểm mới sau:
Một
là, về đối tượng áp dụng
Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012
sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống
ma túy”.
Theo
đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính
năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định theo hướng không quy định cụ thể đối
tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà viện dẫn đến Luật
Phòng, chống ma túy năm 2021.
Điều 32 Luật Phòng, chống
ma túy năm 2021 “Đối tượng bị áp
dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ
18 tuổi trở lên thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“1. Không đăng ký,
không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; 2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng
trái phép chất ma túy; 3. Người nghiện ma
túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm
dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt
điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi
phạm quy định về điều trị nghiện; 4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện”.
Điều 33. Cai nghiện ma túy cho người từ
đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
1. Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18
tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không đăng
ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự
nguyện; b) Trong thời gian
cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; c) Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không
thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng
thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng
thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
…”
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý,
thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Ngày 24/3/2022, tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp
lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ
đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có hiệu lực thi hành
kể từ ngày thông qua.
Hai là, về điều kiện áp dụng
Tại khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm
hành chính năm 2012 quy định “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở
cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng
biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn
định”.
Như vậy, khác với Luật Xử
lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 không căn cứ
vào yếu tố có nơi cư trú ổn định hay không có nơi cư trú ổn định để áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc không căn cứ vào “có nơi cư
trú ổn định” hay không để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
sẽ khắc phục tình trạng vướng mắc trong chứng minh đánh giá về không có nơi cư trú ổn định, đồng thời cũng
khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi lập hồ sơ.
Ba là, về thủ tục áp dụng
Luật
xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 không còn quy định
việc kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề
nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điểm mới này tạo điều
kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền rút ngắn tối đa thời gian thực
hiện các công việc, quá trình xem xét, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai
nghiện bắt buộc.
Theo
đó, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định
cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ
sơ.
Sửa
đổi, bổ sung Điều 103 “Lập hồ sơ đề
nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” như sau:
“1.
Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối
với người nghiện ma túy quy định tại Điều 96 của Luật này được thực hiện như
sau:
….
2.
Cơ quan lập hồ sơ đề nghị quy định tại
khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị.
Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo
bằng văn bản cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện
bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ về việc lập hồ sơ. Những người này
có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 03 ngày
làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo”.
Bốn là, rút ngắn về thời gian chuyển hồ sơ
đề nghị Tòa án cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 sửa
đổi, bổ sung khoản 1 Điều 104 quy định
xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, như sau:
“1. … Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng
phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện quyết định chuyển hồ sơ
đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện
bắt buộc …”.
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định thời gian chuyển hồ sơ đề nghị cho Tòa án
nhân dân cấp huyện xem xét, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, thời hạn theo quy
định mới ngắn hơn nhiều so với quy định trước đây (trước thời hạn là 07 ngày).
Năm là, Đã có Nghị định mới quy định chi
tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật xử lý vi phạm hành chính về
công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy
Trước
khi hai Luật mới này có
hiệu lực thi hành, ngày 21/12/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số
116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật
Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy
thay thế một số Nghị định trước đây quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hết hiệu lực thi hành chi tiết tại
Điều 86 của Nghị định 116.
Như vậy, việc triển
khai, thi hành các quy định mới của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa
đổi, bổ sung năm 2020 và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 nói chung cũng như
pháp lệnh trình tự thủ tục tòa án nhân dân xem xét quyết định đưa người nghiện
ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc và
các quy định mới liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở
cai nghiện nói riêng sẽ góp phần nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh với
các loại vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đồng thời bảo đảm
thực thi tốt hơn quyền con người, quyền công dân./.
Lê Thị Thủy – Viện KSND H. Bảo Thắng