Một số phương pháp cơ bản góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trường THCS Tân Mỹ
Chiều ngày 14/12/2017, Phòng GD& ĐT Thành phố Bắc Giang phối hợp với Trường THCS Tân Mỹ tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống “Kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh THCS”
Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh là một việc làm rất cần thiết của xã hội, các em không chỉ biết học giỏi về kiến thức mà còn phải được rèn luyện những kĩ năng sống. Xét về mặt bản chất, rèn luyện KNS là quá trình đưa nhận thức, thái độ thành hành vi tích cực. Qua đó, trang bị cho các em vốn kiến thức, kĩ năng, giá trị sống để bước vào đời tự tin hơn. Vì vậy, việc rèn luyện KNS cho học sinh phổ thông chính là việc đổi mới mạnh mẽ theo bốn trụ cột của giáo dục thế kỉ XXI là: học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống. Đặc biệt, rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh được xác định là một trong những nội dung cơ bản của phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông, giai đoạn 2008 – 2013 do Bộ GD và ĐT chỉ đạo.
Việc giáo dục KNS cho học sinh là việc làm cấp bách ở mọi bậc học nhưng đặc biệt với học sinh THCS.
Vậy, với học sinh THCS, việc rèn luyện KNS nhằm xây dựng cho học sinh 12 giá trị của cuộc sống, đó là: tôn trọng, hòa bình, hợp tác, hạnh phúc, chân thật, nhân đạo, tình thương, trách nhiệm, giản dị, khoan dung, tự do và đoàn kết.
Qua quá trình trải nghiệm công tác và giảng dạy của bản thân, tôi mạnh dạn nêu ra một số phương pháp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục KNS cho học sinh như sau:
Một là, phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm
Làm chủ nhiệm là một nghệ thuật. Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối quan trọng để kết nối nhà trường với gia đình và xã hội, được coi là cánh tay đắc lực giúp Giám hiệu nhà trường chỉ đạo sát sao, kịp thời và phù hợp với thực tiễn của trường. Hơn ai hết, giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp nắm rõ đặc điểm tâm sinh lý học sinh. Chẳng hạn như: học sinh đánh nhau, trốn học, không học bài…
Do đó, ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên chú ý đến cách ứng xử của học sinh qua lời nói, việc làm, kiểm tra việc học, việc thực hiện nội qui trường, lớp của học sinh. Từ đó, kịp thời uốn nắn sửa chữa khi học sinh có thái độ, hành vi đạo đức chưa tốt.
Hai là, giáo viên cần gương mẫu, gần gũi và tạo sự thân thiện với học sinh.
Đây là hoạt động giúp cô trò hiểu nhau, đồng thời tạo một môi trường học tập thân thiện. Đối với học sinh, thầy cô giáo luôn là thần tượng của các em. Các em luôn để ý đến thầy cô, từ cách ăn nói đến những cử chỉ hàng ngày. Hành vi ở trường của thầy cô tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách học sinh. Vì vậy, mỗi giáo viên phải luôn trau dồi đạo đức, tác phong, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Ngoài ra, thầy cô cần phải đặt mình vào vị trí của học sinh, phải hiểu được tâm sinh lý của các em để có những phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp cho từng đối tượng học sinh. Cần có sự hòa nhập và hợp tác với các em, giáo viên vừa là các thầy cô, vừa là những người bạn đồng thời cũng vừa là những nhà tư vấn tâm lý đáng tin cậy để các em có thể chia sẽ những vui buồn và những bế tắc trong cuộc sống, trong học tập, trong các mối quan hệ bạn bè và xã hội khác.
Bản thân tôi, tôi cố gắng học cách lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân, dùng lời lẽ mềm mỏng bằng những tình cảm, cử chỉ yêu thương của mình khi yêu cầu điều gì đó với học sinh. Đặc biệt, tôi thường dùng biện pháp động viên, khích lệ, biểu dương kịp thời để các em bớt đi tính hung hăng đối với những học sinh nghịch ngợm, mắc lỗi. Đó là điều kiện rất quan trọng để phát triển khả năng giao tiếp của học sinh. Bởi lẽ, học sinh không thể mạnh dạn, tự tin trong một môi trường mà giáo viên luôn gò bó và áp đặt. Trong quá trình lên lớp, tôi thường chú ý quan sát những biểu hiện chưa tích cực về thái độ học tập, những cử chỉ, hành vi của các em để bắt đầu có điều chỉnh phù hợp.
Ba là, rèn kĩ năng sống qua việc tích hợp vào các môn học
Để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh có hiệu quả, tôi đã vận dụng vào môn học giáo dục công dân (GDCD).
Bản thân môn GDCD đã chứa đựng nhiều nội dung liên quan đến KNS như: kĩ năng giao tiếp, ứng xử, kĩ năng kiểm soát cảm xúc, kĩ năng tự giữ gìn vệ sinh cá nhân, kĩ năng tự ra quyết định, kĩ năng tìm kiếm và xử lý thông tin…. Có thể khẳng định, môn GDCD được coi là môn tiềm năng trong việc giáo dục KNS cho học sinh.
Đối với môn GDCD, giáo viên cần làm cho những tri thức, những chuẩn mực về hành vi đạo đức, pháp luật có trong bài học được thấm sâu, bền vững, trở thành kĩ năng sống, thói quen hàng ngày của mỗi học sinh. Để làm được điều đó, giáo viên cần tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập phong phú, đa dạng như: kể chuyện, phân tích, xử lí tình huống, chơi trò chơi, đóng tiểu phẩm… Sử dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như: phương pháp nêu gương, học theo nhóm, đóng vai, trò chơi…. Chính việc thông qua việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực đó, học sinh đã được tạo cơ hội để thực hành, trải nghiệm nhiều kĩ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi. Đó là lối sống lành mạnh, các hành vi ứng xử đúng đắn giữa con người với con người, với công việc và với thiên nhiên, môi trường sống. Ví dụ: lối sống, hành vi như gọn gàng, ngăn nắp, nói lời đẹp, làm việc tốt: chăm sóc bố mẹ, ông bà, hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ với bạn, bảo vệ môi trường…
Bốn là, tổ chức có hiệu quả các tiết hoạt động tập thể và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh sẽ đạt hiệu quả rất nhiều nếu giáo viên tổ chức tốt các tiết hoạt động tập thể và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thông qua các tiết học này, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh được nói, được trình bày trước lớp. Từ đó, giáo viên có thể hiểu được tâm sinh lý của học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức các sân chơi, các hoạt động ngoại khóa, học sinh được trau dồi các kiến thức, kĩ năng sống cơ bản, tạo cơ hội cho học sinh được phát triển một cách toàn diện.
Năm là, phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục KNS cho học sinh
Hiện nay, việc giáo dục đạo đức, KNS cho học sinh không còn là việc của riêng nhà trường nữa mà phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Có như vậy, chúng ta mới làm tốt công tác giáo dục và thực hiện tốt đường lối “Xã hội hóa giáo dục” của Đảng và Nhà Nước đã đề ra. Chính vì vậy, giáo viên cần phải thường xuyên liên hệ với phụ huynh học sinh bằng sổ liên lạc, bằng thư mời hoặc qua điện thoại để thông báo kịp thời tình hình học sinh có những biểu hiện chưa tốt cho phụ huynh nắm được. Từ đó phối kết hợp với phụ huynh để tìm ra biện pháp giáo dục hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, việc phối kết hợp các tổ chức bên ngoài nhà trường để giáo dục KNS cho học sinh là việc làm cũng rất quan trọng.
Trên đây là năm nhóm giải pháp, giữa các giải pháp này có mối quan hệ biện chứng, cần thực hiện đồng bộ mới mang lại hiệu quả trong việc giáo dục KNS cho học sinh.
Giáo dục KNS cho học sinh không thể hình thành trong ngày một, ngày hai mà đòi hỏi cần phải có cả quá trình: từ nhận thức đến hình thành thái độ dẫn đến thay đổi hành vi. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh:
Vì lợi ích mười năm trồng cây.
Vì lợi ích trăm năm trồng người
Do vậy, chúng ta cần kiên trì chờ đợi và tổ chức các hoạt động phù hợp để học sinh duy trì hành vi mới và có thói quen mới tích cực. Giáo dục KNS cần thực hiện cho học sinh ở mọi nơi, mọi lúc và cần thực hiện càng sớm càng tốt. Thay cho lời kết, tôi xin trích câu nói nổi tiếng của nhà khoa học Albert Einstein: “Không phải ai cũng thành đạt, nhưng ai cũng phải thành người.” Như vậy, nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục học sinh thành người là vô cùng to lớn trong đó có việc giáo dục KNS cho học sinh.
Học sinh lớp 8B, trường THCS Tân Mỹ thực hành kỹ năng
phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
Học sinh lớp 9A, trường THCS Tân Mỹ thực hành kỹ năng
phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
Học sinh trường THCS Tân Mỹ tham gia hội thi “Vũ khúc sân trường”
Tác giả: Lương Hải Hà