Một số lý luận đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến: Khái niệm, sự cần thiết đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến (Phần 1)

Một số lý luận đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến: Khái niệm, sự cần thiết đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến (Phần 1)

1. Khái niệm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến

* Khái niệm thực phẩm và thực phẩm chế biến

– Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc  lá và các chất sử dụng như dược phẩm

– Chế biến thực phẩm là quá trình xử lý thực phẩm đã qua sơ chế hoặc thực phẩm tươi sống theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ công để tạo thành  nguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm. Trong đó, sơ chế thực phẩm là việc xử lý sản phẩm của trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nhằm tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu thực phẩm hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thực phẩm; Còn thực phẩm tươi sống là thực phẩm chưa qua chế biến, bao gồm thịt, trứng, cá, thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến

Như vậy, thực phẩm chế biến là thực phẩm đã trải qua quá trình chế biến thực phẩm.

Theo cách hiểu này, thực phẩm chế biến hiện nay rất phong phú, bao gồm nhiều mặt hàng đa dạng, từ rau quả đến các sản phẩm thực phẩm ăn liền, thực phẩm đóng hộp và các thành phần thực phẩm được sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm này. Trên thực tế, thực phẩm chế biến được xếp theo nhiều mức độ khác nhau như:

+ Thực phẩm sơ chế (như các loại rau được cắt sẵn và đóng gói, các loại hạt rang)… những thực phẩm này chỉ đơn giản trải qua một quá trình gia công vật lý, để được sử dụng một cách tiện lợi hơn.

+ Thực phẩm chế biến được thêm gia vị và phụ gia (chất tạo ngọt, dầu, phẩm màu, chất bảo quản…), chẳng hạn như các loại sốt mỳ hay salad, sữa chua, các loại bánh…

+ Thực phẩm chế biến ăn liền, chẳng hạn như các loại bánh quy, xúc xích… Những thực phẩm này sẽ trải qua quá trình xử lý nhiều hơn.

+ Thực phẩm chế biến được xử lý nặng, nhất là các loại đồ chỉ cần hâm nóng và ăn, chẳng hạn như pizza đông lạnh hoặc một suất ăn hâm nóng bằng lò vi sóng.

* Khái niệm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến có thể được hiểu là tổng thể các giải pháp cả từ phía Nhà nước cũng như từ phía các doanh nghiệp nhằm làm cho hoạt động xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến gia tăng cả về số lượng và chất lượng bền vững, góp phần mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến.

Như vậy, đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến là việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu và góp phần bảo vệ môi trường,  nâng cao trách nhiệm xã hội.

2. Sự cần thiết đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường mục tiêu EU

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU là hết sức cần thiết bởi những lý do chủ yếu sau đây.

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông sản đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường thế giới, trong đó có một số nông sản xuất khẩu đang đứng thứ hạng cao như gạo, cà   phê, tiêu, điều, gỗ, cao su, rau quả… Tuy vậy, hầu hết nông sản của Việt Nam thời gian qua đều được xuất khẩu dưới dạng thô, chưa được chế biến, tinh chế sâu nên giá trị gia tăng thấp, hiệu quả của sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chưa cao, đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế còn khiêm tốn, chưa tạo ra thu nhập ổn định cho người nông dân. Do vậy, đẩy mạnh  xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng đối với nông sản Việt Nam.

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu đối với sản phẩm xuất khẩu Việt Nam

Tâm lý tiêu dùng của người dân EU là thường lựa chọn tiêu dùng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU buộc các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh những nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng yêu cầu của thị trường còn phải chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm xuất khẩu để tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường EU.

Ngoài ra, khi sản phẩm xuất khẩu đã tiếp cận được thị trường EU – là một trong những thị trường lớn và yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc… đối với sản phẩm nhập khẩu là cơ sở để hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam tiếp cận các thị trường khác thuận lợi hơn thông qua thương hiệu đã được khẳng định tại thị trường EU.

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước phát triển.

– Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến là cơ sở quan trọng để sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững

Để tạo ra sản phẩm thực phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu, ngành công nghiệp chế biến phải sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là các sản phẩm đầu ra của ngành nông nghiệp. Do vậy, đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm chế biến góp phần đảm bảo tiêu thụ đầu ra ổn định cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp, ổn định thị trường hàng nông sản.

Đồng thời, để hàng thực phẩm chế biến xuất khẩu tiếp cận được thị trường EU đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là không được sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực phẩm, cũng như đảm bảo vấn đề truy xuất sản phẩm. Đây là cơ sở để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

– Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU góp phần phát triển ngành công nghiệp cả nước nói chung theo hướng hiện đại, trong       đó có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Bởi để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phải áp dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường EU.

– Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến còn góp phần phát triển ngành dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa như vận chuyển, tài chính, logistics, hải quan…

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu hàng hóa.

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến – là những mặt hàng đã được chế biến, tinh chế, có giá trị gia tăng cao sẽ góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nói chung. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến cũng góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ để phục vụ hoạt động nhập khẩu.

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến góp phần tăng nguồn thu  đối với ngân sách quốc gia và nguồn thu cho các doanh nghiệp.

Đẩy mạnh xuất khẩu là cơ sở để gia tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng thực phẩm chế biến.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp được đẩy mạnh sẽ góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách quốc gia thông qua nguồn thu từ các loại thuế do doanh nghiệp đóng góp theo quy định của pháp luật.

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU giúp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong quan hệ thương mại với EU.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển quan hệ thương mại với EU thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Do vậy, đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam sang thị trường này cũng góp phần trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế trong quan hệ thương mại này.

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều người lao động, bao gồm:

+ Người lao động trực tiếp tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến, đó là người nông dân sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm, trên cơ sở thu mua sản phẩm nguồn nguyên liệu đầu vào của người nông dân một cách ổn định với giá cả hợp lý là cơ sở để tạo ra việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

+ Người lao động là các công nhân hoạt động trong các nhà máy sản xuất, chế biến để tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, với lượng hàng xuất khẩu ổn định là cơ sở để tạo ra khối lượng công việc ổn định cho người công nhân trong các nhà máy sản xuất, chế biến.

+ Người lao động là đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trong các doanh nghiệp xuất khẩu;

+ Người lao động hoạt động trong ngành dịch vụ, cung ứng các dịch vụ

như vận chuyển, logistics, tài chính… phục vụ cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU là cơ sở để doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thực hiện trách nhiệm xã hội.

Bên cạnh những yêu cầu về chất lượng của sản phẩm nhập khẩu, một số nhà phân phối lớn tại thị trường EU còn đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phải thực hiện trách nhiệm xã hội và trách nhiệm môi trường.

* Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến sang thị trường EU mang lại ý nghĩa về mặt môi trường.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam sang thị trường EU, một trong những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng với những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phải tạo ra được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh và an   toàn thực phẩm, với những hàm lượng rất thấp, thậm chí hầu như không có về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, dư lượng kháng sinh… Do vậy, trong quá trình sản xuất doanh nghiệp cần áp dụng những quy trình sản xuất  hiện đại, thân thiện môi trường, điều này góp phần bảo vệ môi trường.

Riêng đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU, EU đã thiết lập một hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp khai thác và chế biến hải sản cam kết thực hiện chống khai thác, từ đó cũng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

ThS. Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại -VIOIT