Một số lưu ý chăm sóc cây bưởi Diễn

1. Cắt tỉa hàng năm

* Thời kỳ kiến thiết cơ bản

Trồng bưởi Diễn từ năm thứ nhất đến năm thứ ba là thời kỳ kiến thiết cơ bản. Giai đoạn này cần cắt cành, tạo tán nhằm thiết lập hình thái cây trồng có khả năng tiếp nhận đầy đủ ánh sáng, khống chế và duy trì chiều cao của cây trong tầm kiểm soát để thuận lợi trong việc quản lý vườn ở các giai đoạn tiếp theo. Việc tạo tán cho cây giúp hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc từ đó phát triển các cành thứ cấp cho cây. Các bước tiến hành cắt tỉa tạo tán như sau:

– Đối với cây gốc ghép: Từ vị trí mắt ghép trở lên khoảng 50 – 80cm tiến hành bấm ngọn, mục đích để các mầm ngủ và cành bên phát triển.

– Đối với cây chiết cành: Chọn 2 – 3 cành khỏe làm cành cấp 1, bước còn lại làm tương tự như trên cây ghép.

– Chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Dùng tre cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35 – 40độ. Sau khi cành cấp 1 phát triển dài khoảng 50 – 80 cm, tiến hành bấm ngọn để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2, chỉ giữ lại 3 – 4 cành cấp 2. Bố trí các cành cấp 2 cách nhau từ 15 – 20cm. Từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3. Cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ những cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.

* Thời kỳ kinh doanh

Thời kỳ kinh doanh là giai đoạn cây cho thu hoạch quả. Trong thời kỳ này cần tỉa cành nhằm mục đích tạo cho cây có bộ khung vững chắc, thiết lập những cành mang quả khỏe mạnh, phân bố đều trên khung (sườn) và cành mẹ (cành cấp 1). Sau mỗi lần thu hoạch đều phải đốn tỉa những cành tăm, cành khô, cành già, cành bị sâu bệnh, cành vượt, cành đan chéo nhau, cành vô hiệu không có khả năng sản xuất, thay thế bằng những cành non, trẻ để cho quả trong những năm tiếp theo. Ngắt bỏ toàn bộ hoa trong thời gian cây 1 – 2 năm tuổi, tỉa bớt những hoa dị hình, những hoa ra muộn và ở vị trí không thích hợp cho việc hình thành quả.

Lưu ý: Để tránh mầm bệnh (tiềm ẩn virus,…) lây lan sang cây khác, trước khi cắt tỉa cần phải khử trùng dụng cụ bằng cồn 900 hoặc hơ lửa. Đối với những cành có đường kính lớn hơn 3cm thì phải dùng cưa. Những vết thương lớn sau khi cắt tỉa cần phải dùng sơn hoặc các thuốc trừ bệnh quét kín vết cắt, tránh vết thương bị thối, tạo điều kiện thích hợp cho côn trùng và mầm bệnh tấn công.

Kiểm soát chiều cao của tán cây:

Nên khống chế và duy trì chiều cao của cây bưởi trong tầm kiểm soát khoảng 3 – 4m để khả năng tiếp nhận ánh sáng của bộ lá tối đa, tăng diện tích lá hữu hiệu cho quang hợp của bộ lá; thuận lợi trong việc quản lý vườn ở giai đoạn kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh. Duy trì sức sống tốt của cây, bảo đảm cân bằng sinh trưởng, khả năng ra hoa, đậu quả ở mức tốt nhất.

2. Kỹ thuật điều tiết bưởi Diễn ra hoa, đậu quả, chất lượng quả ngọt

2.1. Giai đoạn trước ra hoa

         * Đối với những cây bưởi mới bói, cây bưởi xanh tốt nhiều năm ra ít quả hoặc chưa ra quả:  

          – Xiết nước: Đất Thái Bình độ ẩm đất cao, đầu tháng 10 âm lịch tuyệt đối không tưới nước cho cây bưởi.

           – Tỉa cành: Giữa tháng 10 âm lịch (tháng 11 dương lịch), tỉa bỏ tất cả cành mọc trong thân, cành vượt, cành tăm, cành sâu bệnh tạo độ thông thoáng hạn chế sâu bệnh tập trung dinh dưỡng nuôi cành tạo hoa.

          – Chặn rễ: Giữa tháng 10 âm lịch (tháng 11 dương lịch), đào rãnh xung quanh gốc, cách gốc khoảng 50cm, cuốc nhẹ trong gốc cắt rễ không lấp ngay để đất phơi khô khoảng 20 ngày sau đó sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh bón vào rãnh rồi lấp đất.

         – Khoanh gốc: Giữa tháng 10 âm lịch (tháng 11 dương lịch), dùng dao mỏng khoanh cành cấp 1 cách chỗ mọc cành từ 5 – 7 cm.

        * Đối với những cây đã xử lý năm trước và đã ra quả đều:

          – Đến đầu tháng 10 âm lịch (đầu tháng 11 dương lịch), tiến hành xiết nước, tỉa cành như trên, đảm bảo lá cây hơi seo, héo nhưng không bị rụng lá hàng loạt. Thực hiện định kỳ qua các năm để cây có thời gian nghỉ và không ra lộc Đông.

          – Đến gần lập Xuân, tiến hành bón 1,0 kg vôi bột/cây kết hợp 0,7 – 1,0kg lân supe/cây, nếu cây còi cọc thiếu dinh dưỡng bón thêm 0,3 kg NPK(16: 16: 8)/cây để thúc mầm hoa sau. Sau khi bón, tưới nước từ từ trong vòng 3 ngày cho cây thật no nước rồi duy trì ẩm độ đất thường xuyên khoảng 70% đến khoảng tháng 2 – 3 âm lịch, cây bắt đầu cho mầm hoa.

        * Chú ý: Nếu xử lý như trên cây vẫn ra lộc Đông do tác động chưa đủ thì cần bẻ hết lộc Đông càng sớm càng tốt khi cây chưa ra lá bánh tẻ. Xử lý cây như vậy từ 1 đến 2 năm cây sẽ thuần và ra quả đều.

2.2. Giai đoạn cây ra hoa

        Giai đoạn này cần hạn chế tưới nước, không bón phân để tránh rụng hoa. Tỉa bỏ sớm cành lộc trong thân, cành không ra hoa. Cây sai hoa quá tỉa bỏ bớt chùm hoa trong thân, những chùm hoa không có lá để tập trung nuôi hoa còn lại. Trời mưa ẩm độ cao có thể rung nhẹ cho rụng hết cách hoa đã nở để hạn chế bệnh.

2.3. Giai đoạn quả

          Sau khi cây đã thụ phấn xong, duy trì ẩm độ đất khoảng 70%. Chăm sóc tưới nước trở lại khi cây đã hết giai đoạn rụng lá sinh lý. Khi tưới nước trở lại cần tưới nước từ từ tránh bị sốc. Thường xuyên duy trì ẩm độ đến hết tháng 10 dương lịch.

          Tiến hành bón phân như sau: (Đối với cây trên 4 năm)

STT

Thời điểm bón

Loại phân

Lượng phân (kg/cây)

1

Tháng 4 (Dương lịch)

NPK 15:15:15

0,3

2

Tháng 5 (Dương lịch)

NPK 15:15:15

0,5

3

Tháng 6 (Dương lịch)

NPK 15:15:15

0,5

4

Tháng 7 (Dương lịch)

Kaliclorua

0,2 – 0,3

5

Tháng 8 (Dương lịch)

NPK 15:15:15

0,3 – 0,4

Kaliclorua

0,2 – 0,3

6

Tháng 9 (Dương lịch)

Kaliclorua

0,2 – 0,3

           Chú ý: Tháng 7, tháng 8 âm lịch (tháng 8, tháng 9 dương lịch) cây ra lộc Thu, cần ngắt bỏ mầm, cành vượt trong thân, chỉ để những cành cần tạo thêm tán nhằm hạn chế hút ngược dinh dưỡng từ quả, tăng thêm độ ngọt cho quả.

           2.4. Phòng trừ sâu bệnh

           Cần thường xuyên kiểm tra ảnh hưởng của sâu bệnh hại. Khi cây bắt đầu xuất hiện mầm hoa và giai đoạn nụ hoa, phun phòng bệnh mốc sương, thán thư, sâu vẽ bùa, nhện, trĩ. Giai đoạn quả cần lưu ý phòng trừ nhện.

           Chú ý: Bọc quả chống ruồi vàng hoặc dùng băng phiến để xua đuổi.

KS. Dương Văn Vinh