Một số kinh nghiệm trong việc kiểm sát hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân.

Một số kinh nghiệm trong việc kiểm sát hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân.

Từ ngày 01/01/2022, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 và Luật Phòng chống ma túy có hiệu lực cùng với các văn bản hướng dẫn ban hành kèm theo có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng, điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Một trong những điểm mới nổi bật là quy định về điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải trải qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi đó, đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì sẽ không phải trải qua biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà áp dụng ngay biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Luật số 67/2020/QH14 đã bỏ quy định áp dụng biện pháp “tiền đề” giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng là người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định mà dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy. Khoản 1 Điều 96 Luật sửa đổi bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”.

Theo quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định thay đổi cơ bản so với quy định cũ. Điều 32 Luật Phòng chống ma túy quy định:

          “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

          1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

          2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

          3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

          4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.”

            Theo quy định này, một người thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện sau: thứ nhất là người đủ 18 tuổi trở lên, thứ hai là người nghiện ma túy và thứ ba là thuộc một trong bốn trường hợp nêu tại khoản 1 đến khoản 4 Điều 32. Để có quan điểm đề xuất đúng pháp luật, giúp Tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có căn cứ, khi nghiên cứu hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, Kiểm sát viên cần nghiên cứu về thời hiệu áp dụng, đối tượng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, các tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong đó cần lưu ý kiểm sát một số nội dung:

1. Xác định tình trạng nghiện ma túy:

Để xác định một người là nghiện ma túy phải tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy của người đó. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy của một người chỉ được thực hiện đối với người thuộc trường hợp quy định tại Điều 27 Luật phòng chống ma túy. Theo đó chỉ những người thuộc trượng hợp sau đây mới được tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy:

            “a) Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

          b) Người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định;

          c) Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

          d) Người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

          đ) Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.”

          Theo quy định tại Điều 103 Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì trong hồ sơ phải có tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó. Tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy hướng dẫn hồ sơ đề nghị thì tài liệu xác định tình trạng nghiện là 01 bản sao Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, nếu hồ sơ chưa có các tài liệu để xác định căn cứ để một người đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện theo quy định Điều 27, nếu xét thấy cần thiết thì KSV cần trao đổi với Tòa án yêu cầu cơ quan đề nghị cung cấp bổ sung tài liệu để làm rõ căn cứ đưa người đi xác định tình trạng nghiện ma túy. Ví dụ như xác định tình trạng nghiện ma túy đối với trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì cần có tài liệu là Quyết định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy của Chủ tịch UBND xã để chứng minh đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý theo quy định.

          Khi kiểm sát kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của đối tượng cần phân biệt giữa xác định chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy:

          Về xác định tình trạng nghiện ma túy được quy định tại Nghị định 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy và Thông tư số 18/2021 ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy. Cụ thể:

          + Nghị định 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy. Nghị định quy định cụ thể cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với từng trường hợp: người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy; người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy tại nơi tạm giữ có cơ sở y tế đủ điều kiện hoặc tại nơi tạm giữ không có cơ sở y tế đủ điều kiện; người không bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Khi áp dụng Nghị định này cần lưu ý đến quy định tại Điều 11 về Quy định chuyển tiếp để khi kiểm sát đảm bảo đúng quy định. Điều 11 Nghị định quy định: “Y sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, đang làm công việc xác định tình trạng nghiện ma túy được tiếp tục thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy.”

+ Thông tư số 18/2021 ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy trong đó quy định 06 tiêu chuẩn chẩn đoán tình trạng nghiện ma túy, quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy. Theo quy định của Thông tư thì một người được xác định nghiện ma túy phải có ít nhất 03 tiêu chuẩn của tình trạng nghiện ma túy.

            Thực tiễn kiểm sát thấy rằng, có một số hồ sơ đề nghị có biên bản thể hiện cơ quan y tế xác định tình trạng nghiện ma túy bằng hình thức xét nghiệm bằng thử nước tiểu. Việc xét nghiệm bằng mẫu thử thông qua nước tiểu chỉ là biện pháp để xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy.

            Tại khoản 11 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy quy định: “Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể là việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định chất ma túy trong cơ thể thông qua mẫu nước tiểu, mẫu máu hoặc các mẫu vật khác của cơ thể người.” Xác định chất ma túy trong cơ thể nhằm xác định một người có sử dụng chất ma túy. Việc xác định một người dương tính với chất ma túy không phải để xác định người đó nghiện ma túy. Kết quả xác định chất ma túy trong cơ thể được thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống ma túy.

          Khi hồ sơ đề nghị có tài liệu thể hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy bằng hình thức xét nghiệm thông qua nước tiểu thì Kiểm sát viên cần đề nghị với Tòa án yêu cầu cơ quan đề nghị cung cấp hồ sơ bệnh án xác định tình trạng nghiện của đối tượng để kiểm sát đảm bảo việc xác định tình trạng nghiện ma túy của đối tượng đúng quy định pháp luật.

          2. Kiểm sát trường hợp đối tượng thuộc khoản 1, khoản 3 Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

          Khi kiểm sát đối với hồ sơ đề nghị thuộc trường hợp này, Kiểm sát viên cần kiểm sát việc lập biên bản vi phạm của cơ quan có thẩm quyền có đúng quy định tại Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Tại Điều 3 của Nghị định về giải thích từ ngữ đã quy định cụ thể thế nào là thuộc trường hợp không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 32 Luật phòng chống ma túy. Theo quy định nêu trên, để xác định một người vi phạm về việc không đăng ký, không thực hiện, hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thì phải lưu ý điều kiện về thời hạn để xác định một người có vi phạm hay không. Qua thực tiễn một số hồ sơ đề nghị, ngay sau khi có kết quả xác định tình trạng nghiện, công an xã đã lập Biên bản vi phạm về việc không đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện là không đúng quy định nêu trên vì theo quy định sau khi có kết quả xác định tình trạng nghiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc người nghiện ma túy phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyên. Nếu sau 05 ngày làm việc người này không đăng ký cai nghiện thì mới vi phạm quy định về việc không đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện. Do đó, khi kiểm sát điều kiện về vi phạm cai nghiện ma túy tự nguyện và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, kiểm sát viên cần xem xét hồ sơ có tài liệu thể hiện người nghiện ma túy đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả xác định nghiện ma túy, được nhận Quyết định cai nghiện ma túy hay không để có căn cứ xác định hành vi vi phạm của đối tượng.

          3. Kiểm sát trường hợp đối tượng thuộc khoản 2 Điều 32 Luật Phòng chống ma túy: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy.

Đối với đối tượng thuộc trường hợp này, Hồ sơ cần có tài liệu chứng minh đối tượng đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện và tài liệu xác định người đó sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian cai nghiện.

          Khoản 10 Điều 2 Luật phòng chống ma túy quy định: Người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính.”

            Như vậy, khi kiểm sát đối với trường hợp phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy thì trong hồ sơ phải có phiếu xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể của người sử dụng chất ma túy có kết quả dương tính.

          4. Kiểm sát trường hợp đối tượng thuộc khoản 2 Điều 32 Luật Phòng chống ma túy: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

          Đối với hồ sơ thuộc trường hợp trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện, Kiểm sát viên cần kiểm sát tài liệu xác định đối tượng đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện như tài liệu xác định đối tượng đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện, Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy …

          Về xác định thời hạn quản lý sau cai nghiện được quy định tại Điều 40 Luật Phòng chống ma túy:

          “1. Người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định.

          2. Người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định.”

                Về điều kiện “tái nghiện”: Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 116/2021 quy định  Tái nghiện là trường hợp người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc hoặc kết thúc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có hành vi sử dụng ma túy trái phép, được cơ quan có thẩm quyền xác định là nghiện ma túy. Như vậy, để xác định một người tái nghiện thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy của người đó theo quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy.  

          5. Kiểm sát đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại Điều 33. Đây là biện pháp phòng ngừa không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mục đích là để giúp người chưa thành niên không tiếp tục sử dụng và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật do tác động của việc sử dụng ma túy. Đồng thời thể hiện quy định rất nhân văn của Luật. Người chưa thành niên được xem như đi chữa bệnh, không để lại thông tin trong lý lịch và không ảnh hưởng đến thời gian sau này. Thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Pháp lệnh số 01/2022 ngày 24/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu theo Pháp lệnh số 09/2014 thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, còn theo Pháp lệnh số 01/2022 thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

            Tóm lại, biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với nhiều quy định mới, nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn. Do đó, quá trình kiểm sát các hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, các văn bản pháp luật liên quan, Quy chế kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 299/QĐ-VKSTC ngày 19/8/2020 để nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát đối với công tác kiểm sát việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị                                             

 

                                                             Nguyễn Thị Tố Loan – Phòng 10

Viện KSND tỉnh Nghệ An