Một số khó khăn trong thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện – Nguồn nhân lực – Khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2025. Đầu năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quy định các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non. Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã chủ động, tích cực tuyên truyền chính sách pháp luật dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh, nhân dân tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.
Qua giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh cho thấy: Hệ thống mạng lưới trường lớp mầm non trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, mở rộng, đa dạng các loại hình, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; năm học 2021 – 2022, cấp học mầm non toàn tỉnh có 197 trường (trong đó, 15 trường tư thục, 03 trường liên cấp mầm non – tiểu học và THCS), có 842 điểm trường lẻ. Tổng số 2.331 nhóm, lớp, với tổng số trẻ 57.801, trong đó trẻ mẫu giáo 4 tuổi đạt 97%, mẫu giáo 5 tuổi duy trì 99,8%. Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ được quan tâm đầu tư. Diễn biến dịch Covid -19, các cơ sở giáo dục đã điều chỉnh thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ. Chất lượng giáo dục tiếp tục chuyển biến rõ rệt và toàn diện, vững chắc từ vùng thấp đến vùng cao; có nhiều mô hình và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ em làm trung tâm”. Ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo ở các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đảm bảo phù hợp với từng đơn vị. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được củng cố, duy trì vững chắc ở các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi đang thực hiện bước đầu đạt kết quả quan trọng.
Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh giám sát tại cơ sở
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật thuộc lĩnh vực còn gặp một số khó khăn như: Quy mô mạng lưới trường lớp, căn cứ nhu cầu thực tế cần xây mới trên 200 phòng học, cần nâng cấp, sửa chữa cải tạo là 660 phòng. Sau khi sáp ghép trường do chia tách địa giới hành chính, hiện một số xã đang vượt điểm trường so với quy định, số lượng trẻ/các điểm trường không nhiều nên giáo dục mầm non gặp không ít khó khăn. Tình trạng học sinh 4 tuổi học ghép 2,3 độ tuổi ở trường chính và một số điểm trường do địa bàn rộng, dân cư ở phân tán còn khá nhiều; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở một số cơ sở chưa đạt được như mong muốn do số trẻ/lớp đông trong khi giáo viên thực tế đứng lớp đạt khoảng 1,6 giáo viên/lớp, thậm trí đối với trẻ từ 24-36 tháng tuổi có một số điểm trường tỷ lệ 1,0 giáo viên/lớp, giáo viên đồng thời thực hiện dạy học, chăm sóc, cấp dưỡng; tính đến thời điểm báo cáo, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 5 tuổi trong nhà trường 13,8%, thể thấp còi 17,6%. Riêng trường Mầm non tư thục sau dịch bệnh Covid một số cơ sở không đảm bảo về giáo viên và cơ sở vật chất khó đảm bảo điều kiện, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu; về đội ngũ hiện vẫn thiếu nhiều giáo viên mầm non so với định mức quy định, toàn tỉnh định mức giáo viên/nhóm, lớp mới đạt 1,84. Bình quân mỗi giáo viên mầm non làm việc 9-10 giờ/ngày bao gồm cả thời gian nghỉ trưa (khoảng 2 giờ/ngày), kinh phí chi trả dạy thêm giờ ở một số địa phương rất khó khăn. Việc sắp xếp, tuyển dụng giáo viên mầm non đối với vùng cao hoặc hợp đồng lao động đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn còn khó khăn do chỉ tiêu giao biên chế viên chức trong toàn ngành của tỉnh hàng năm chưa đáp ứng được số giáo viên thiếu, thiếu nguồn tuyển đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019. Một bộ phận CBQL, giáo viên năng lực ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy còn hạn chế; tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn còn khá cao; số giáo viên xin chuyển vùng hoặc xin thôi việc có xu hướng tăng. Về cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình; thiếu đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu; một số đồ dùng, đồ chơi đã đầu tư mua sắm từ lâu, cũ hỏng; thiếu thiết bị dạy học thông minh, hiện đại; nhiều điểm trường thiếu công trình vệ sinh, chưa đảm bảo nước sạch, bếp ăn một chiều; thiếu đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học cho trẻ nhà trẻ và mẫu giáo 3,4 tuổi. Do đặc thù vùng cao quỹ đất giành để xây trường chật hẹp không đảm bảo quy cách theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ giáo dục và đào tạo. Đối với việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách cũng còn không ít vướng mắc như: Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non tại Thông tư số 13/2020/ TT-BGDĐT của Bộ giáo dục và đào tạo có nội dung không phù hợp với các tỉnh miền núi trong đó có Lào Cai; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 8/9/2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non chỉ hỗ cho Giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở điểm trường lẻ; trường chính không được hỗ trợ trong khi Quy định số 15/2010/QĐ-TTg của Chính phủ tất cả giáo viên tiểu học dạy lớp ghép đều được hưởng chế độ; việc thu và miễn giảm học phí theo quy định gặp nhiều khó khăn do Nghị định số 81/2021/NĐ-CP mới tập trung cho trẻ em 5 tuổi, trẻ mẫu giáo và trẻ nhà trẻ chưa được quan tâm. Mặt khác, thực tế do điều kiện kinh tế khó khăn nên một số gia đình không thể có khả năng đóng học phí cho con em đi học; một số nội dung, mức thu các khoản dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non theo Nghị quyết số 27/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh chỉ phù hợp vùng thành phố, thị trấn. Đối với vùng cao miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ. Thực hiện Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc tiếp tục hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực III, khu vực II hoàn thành nông thôn mới trong năm học 2021-2022, năm học tới 2022-2023 nếu học sinh không tiếp tục được hỗ trợ sẽ rất khó khăn.
Để thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về giáo dục mầm non trong thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình và đội ngũ nhà giáo để thực hiện tốt các quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với giáo dục mầm non. Giao ngành chuyên môn rà soát, đánh giá hiệu quả của các cơ chế chính sách làm căn cứ đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới đảm bảo sát thực tế, đúng quy định pháp luật, như việc miễn giảm học phí; tiếp tục hỗ trợ học sinh vùng II, vùng III trợ hoàn thành nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đối với giáo dục mầm non như xây dựng phòng học, mua sắm đồ dùng, đồ chơi…; xem xét nâng tỷ lệ giáo viên trên lớp gần cập mức quy định tại Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV hoặc xem xét giảm tỷ lệ giao tinh giản biên chế đối với giáo dục mầm non để đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Lưu Thị Hiên
Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh