Một số khái niệm trong Nghiên cứu khoa học
Mục Lục
KHOA HỌC
Hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội và tư duy, được tích luỹ trong quá trình nhận thức trên cơ sở thực tiễn, được thể hiện bằng những khái niệm, phán đoán, học thuyết. Nhiệm vụ của KH là phát hiện ra bản chất, tính quy luật của các hiện tượng, sự vật, quá trình, từ đó mà dự báo về sự vận động, phát triển của chúng, định hướng cho hoạt động của con người. KH giúp cho con người ngày càng có khả năng chinh phục tự nhiên và xã hội. KH vừa là một hình thái ý thức xã hội vừa là một dạng hoạt động, một công cụ nhận thức[1].
Tri thức khoa học có thể phân thành:
1. Tri thức kinh nghiệm: các tri thức tích lũy qua quá trình tồn tại của con người, qua các nghiên cứu thực nghiệm đi trước. Từ các quan sát thực tế tổng quát hóa (quy nạp) thành các lý thuyết khoa học.
2. Tri thức lí luận: tri thức tích lũy được từ quá trình phân tích, tổng hợp các lý thuyết có sẵn và kiểm định thông qua quan sát thực tế (suy diễn).
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam: Nghiên cứu khoa học là quá trình hoạt động nhằm thu nhận tri thức khoa học. NCKH có hai mức độ: kinh nghiệm và lí luận, luôn tác động qua lại với nhau.
Theo Babbie (1986): Nghiên cứu khoa học là cách thức con người tìm hiểu các hiện tượng khoa học một cách có hệ thống.
NCKH có cấu trúc phức tạp, gồm nhiều yếu tố: xây dựng các nhiệm vụ nhận thức; nghiên cứu những phương pháp và tri thức đã có trong lĩnh vực đang nghiên cứu; đưa ra và phân tích lí thuyết những giả thuyết; phân tích và khái quát hoá những kết quả đã nhận thức được; kiểm tra các giả thuyết có được trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các sự kiện; xây dựng các lí thuyết và hình thành những quy luật; nghiên cứu những dự báo khoa học, vv [1].
Sự phát triển của hệ thống NCKH phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội. Trong điều kiện ngày nay, có sự gắn bó chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản (nghiên cứu hàn lâm) và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu theo từng ngành và nghiên cứu liên ngành. Nghiên cứu liên ngành nhằm giải quyết những vấn đề lớn, phức tạp.
+ Nghiên cứu hàn lâm: nghiên cứu nhằm trả lời các câu hỏi về bản chất lý thuyết, hay nói cách khác là xây dựng và kiểm định các lý thuyết khoa học. Các lý thuyết khoa học này đóng góp vào kho tàng tri thức khoa học để giải thích và dự báo các hiện tượng khoa học (Kerlinger 1986, dẫn theo[2]). Lý thuyết khoa học ở đây có thể là một lý thuyết mới (chưa có trước đó) hoặc là một cách mới,…
Ví dụ: Mô hình tính toán sức tải cho các khu du lịch sinh thái.
+ Nghiên cứu ứng dụng: nghiên cứu nhằm áp dụng các thành tựu khoa học (lý thuyết khoa học) vào các lĩnh vực cụ thể trong cuộc sống.
Ví dụ: Áp dụng mô hình của Cifuentes và Ceballos-Lascurain tính toán sức tải các khu du lịch sinh thái tại Việt Nam.
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Theo Luật Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2000, khoa học được hiểu là “hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy” và công nghệ được hiểu là “tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”.
Khoa học nhằm tìm ra bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng, giải thích thế giới làm thỏa mãn nhu cầu nhận thức của con người còn hoạt động công nghệ nhằm biến tri thức khoa học thành các quy trình, giải pháp kỹ thuật và sản phẩm thông qua các nguồn lực: kỹ thuật (Technoware), thông tin (Infoware), tổ chức (Orgaware) và con người (Humanware).[3]
ĐỀ TÀI
Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam: Đề tài là đối tượng để miêu tả, biểu hiện, nghiên cứu, chuyện trò, vv.
Trong văn học, nghệ thuật, đề tài là những hiện tượng xã hội được nhà văn, người nghệ sĩ khai thác một cách nhất quán theo ý định tư tưởng – nghệ thuật của mình. Trong khoa học, việc chọn đề tài có một tầm quan trọng đặc biệt. Đề tài phải đáp ứng yêu cầu của khoa học, của thời đại, phục vụ sản xuất và đời sống con người, phải thiết thực và có ý nghĩa đối với thực tiễn cuộc sống.
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Trong nghiên cứu khoa học, khái niệm đề tài (NCKH) được hiểu là: một hình thức tổ chức nghiên cứu khoa học do một người hoặc một nhóm người thực hiện.
Một cách nhìn khác cụ thể hơn: NCKH là một nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm phát hiện quy luật, mô tả, giải thích nguyên nhân hoặc sáng tạo nguyên lý, những giải pháp được thể hiện dưới các hình thức: đề tài nghiên cứu mô tả, đề tài nghiên cứu phân tích, đề tài triển khai thực nghiệm hoặc kết hợp cả nghiên cứu mô tả, nghiên cứu phân tích và triển khai thực nghiệm.
Một số hình thức tổ chức nghiên cứu khác không hoàn toàn mang tính chất nghiên cứu khoa hoc, chẳng hạn như: Chương trình, dự án, đề án. Sự khác biệt giữa các hình thức NCKH này như sau:
+ Đề tài: được thực hiện để trả lời những câu hỏi mang tính học thuật, có thể chưa để ý đến việc ứng dụng trong hoạt động thực tế.
+ Dự án: được thực hiện nhằm vào mục đích ứng dụng, có xác định cụ thể hiệu quả về kinh tế và xã hội. Dự án có tính ứng dụng cao, có ràng buộc thời gian và nguồn lực.
+ Đề án: là loại văn kiện, được xây dựng để trình cấp quản lý cao hơn, hoặc gởi cho một cơ quan tài trợ để xin thực hiện một công việc nào đó như: thành lập một tổ chức; tài trợ cho một hoạt động xã hội, … Sau khi đề án được phê chuẩn, sẽ hình thành những dự án, chương trình, đề tài theo yêu cầu của đề án.
+ Chương trình: là một nhóm đề tài hoặc dự án được tập hợp theo một mục đích xác định. Giữa chúng có tính độc lập tương đối cao. Tiến độ thực hiện đề tài, dự án trong chương trình không nhất thiết phải giống nhau, nhưng nội dung của chương trình thì phải đồng bộ.
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Có thể hiểu Sáng kiến kinh nghiệm là kinh nghiệm thực tế đã thành công về cách thực hiện của một người hay một nhóm người trong công việc nhằm cải thiện hiệu quả công việc. Sáng kiến kinh nghiệm có thể chỉ đơn giản là cải tiến quy trình làm việc ở một vài bước nào đó nhằm tăng hiệu quả công việc hay ứng dụng một phần mềm nào đó trong công việc nhằm cải thiện hiệu quả.
Sáng kiến kinh nghiệm chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân trong khi đó Nghiên cứu khoa học phải dựa vào các lý thuyết khoa học đã có và thực tế khách quan.[4]
Tài liệu tham khảo:
[1] Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bách khoa toàn thư Việt Nam, tại http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn
[2] Nguyễn Đình Thọ, 2011, Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh – Thiết kế và thực hiện, NXB Lao Động
[3] Lê Trung Thắng, 2012, So sánh khác nhau giữa khoa học và công nghệ, tại http://hocvienquany.vn/Default.aspx?MaTin=1354 ngày đăng 16/9/2012, truy cập 12/4/2013.
[4] Nguyễn Huy Kỷ, 2007, Một cách hiểu về Sáng kiến kinh nghiệm và Nghiên cứu khoa học tại http://hanoi.edu.vn/newsdetail.asp?NewsId=3724&CatId=102
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…