Một số điểm mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên
Ngày 02 tháng 02 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 04 Thông tư thay thế các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015: Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập; Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.
Bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học
Các Thông tư mới ban hành có một số điểm đổi mới quan trọng như:
– Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Đồng thời, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học được xác định thành 3 hạng, gồm hạng I, hạng II và hạng III (thay vì hạng II, hạng III, hạng IV như hiện hành) để phù hợp với yêu cầu về trình độ đào tạo và mức độ phức tạp của công việc cũng như yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
– Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ ngoại ngữ thứ 2 đối với giáo viên dạy ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, và năng lực sử dụng ngoại ngữ được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên các hạng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên các hạng.
– Lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở mới được tuyển dụng được xếp tương ứng với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm được tuyển dụng. Đồng thời, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở hạng cao hơn cũng có sự điều chỉnh tăng tuần tự theo quy định. Các Thông tư đã quy định rõ việc bổ nhiệm và xếp lương đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo các địa phương có thể thực hiện được ngay khi các Thông tư có hiệu lực thi hành.
Đối với giáo viên bậc Mầm non tại các trường công lập
Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, bao gồm: giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (sau đây gọi chung là giáo viên mầm non) trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập công lập (sau đây gọi chung là trường mầm non công lập) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục có thể vận dụng quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non bao gồm:
– Giáo viên mầm non hạng III – Mã số V.07.02.26;
– Giáo viên mầm non hạng II – Mã số V.07.02.25;
– Giáo viên mầm non hạng I – Mã số V.07.02.24.
Cách chuyển xếp hạng giáo viên
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BDGĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non như sau:
– Giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26);
– Giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26);
– Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25).
Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.
Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26).
Giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non đã trúng tuyển.
Cách xếp lương
Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
– Giáo viên mầm non hạng III, mã số V.07.02.26, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89;
– Giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
– Giáo viên mầm non hạng I, mã số V.07.02.24, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38.
Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc chuyển xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Đối với giáo viên cấp Tiểu học tại các trường công lập
Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy chương trình tiểu học, bao gồm: giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (sau đây gọi chung là giáo viên tiểu học) trong các trường tiểu học, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học, trường chuyên biệt công lập, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục tiểu học (sau đây gọi chung là trường tiểu học công lập).
Theo thông tư mới này, có 3 hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên tiểu học (gồm hạng I, II, III thay vì II, III, IV như trước đây).
Cụ thể, chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học mới bao gồm:
– Giáo viên tiểu học hạng III – Mã số V.07.03.29;
– Giáo viên tiểu học hạng II – Mã số V.07.03.28;
– Giáo viên tiểu học hạng I – Mã số V.07.03.27.
Cách chuyển xếp hạng giáo viên
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học như sau:
– Giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29).
– Giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29).
– Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28).
– Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) khi được xác định là người trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.
– Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29).
Giáo viên mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học đã trúng tuyển.
Cách xếp lương
Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:
– Giáo viên tiểu học hạng III, mã số V.07.03.29, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
– Giáo viên tiểu học hạng II, mã số V.07.03.28, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38);
– Giáo viên tiểu học hạng I, mã số V.07.03.27, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78);
– Giáo viên tiểu học hạng IV (trước đây) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên thì giữ nguyên mã số V.07.03.09 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) cho đến khi đạt trình độ chuẩn thì được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng chuẩn.
Giáo viên tiểu học hạng III (trước đây) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên thì giữ nguyên mã số V.07.03.08 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,1 đến 4,89) cho đến khi đạt trình độ chuẩn thì được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng chuẩn.
Trường hợp giáo viên tiểu học hạng II (trước đây) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mới) thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mới), sau khi đạt các tiêu chuẩn thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mới, mã số V.07.03.28) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Đối với giáo viên cấp THCS tại các trường công lập
Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy chương trình THCS, bao gồm: giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (sau đây gọi chung là giáo viên THCS) trong các trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập (sau đây gọi chung là trường THCS công lập).
Theo thông tư mới này, có 3 hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên THCS (gồm hạng I, II, III). Cụ thể, chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS mới bao gồm:
– Giáo viên THCS hạng III – Mã số V.07.04.32;
– Giáo viên THCS hạng II – Mã số V.07.04.31;
– Giáo viên THCS hạng I – Mã số V.07.04.30.
Cách chuyển xếp hạng giáo viên
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS như sau:
– Giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.32).
– Giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31).
– Giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.04.10) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.30).
– Giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.32).
– Giáo viên THCS hạng I (mã số V.07.04.10) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31).
Giáo viên mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS đã trúng tuyển.
Cách xếp lương
Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:
– Giáo viên THCS hạng III, mã số V.07.04.32, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
– Giáo viên THCS hạng II, mã số V.07.04.31, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38).
– Giáo viên THCS hạng I, mã số V.07.04.30, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78).
– Giáo viên THCS hạng III (trước đây) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên thì giữ nguyên mã số V.07.04.12 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,1 đến 4,89) cho đến khi đạt trình độ chuẩn thì được bổ nhiệm giáo viên THCS hạng III hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng chuẩn.
– Giáo viên THCS hạng II (trước đây) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mới) thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mới), sau khi đạt các tiêu chuẩn thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mới) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Trường hợp giáo viên THCS hạng I (trước đây) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mới) thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mới), sau khi đạt các tiêu chuẩn thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I (mới, mã số V.07.03.28) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Đối với giáo viên cấp THPT tại các trường công lập
Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy chương trình giáo dục trung học phổ thông, bao gồm: giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám đốc, phó giám đốc (sau đây gọi chung là giáo viên trung học phổ thông) trong các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập (sau đây gọi chung là trường trung học phổ thông công lập) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông bao gồm:
– Giáo viên trung học phổ thông hạng III – Mã số V.07.05.15;
– Giáo viên trung học phổ thông hạng II – Mã số V.07.05.14;
– Giáo viên trung học phổ thông hạng I – Mã số V.07.05.13.
Cách chuyển xếp hạng giáo viên
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông theo quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nay được xếp hạng chức danh nghề nghiệp tương đương theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
Giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông đã trúng tuyến.
Cách xếp lương
Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
– Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
– Giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38;
– Giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tất cả các quy định này sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng ngày 20/3/2021. Nội dung chi tiết các Thông tư xem tại ĐÂY!
BBT.NVN