Một số đặc điểm của dịch vụ ngân hàng thương mại và dịch vụ ngân hàng bán lẻ?

Ngân hàng thương mại đã hình thành và phát triển hàng trăm năm gắn liền với sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Sự phát triển hệ thống Ngân hàng thương mại đã có tác động rất lớn và quan trọng đến quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hoá. Ngược lại, khi kinh tế hàng hoá phát triển đến giai đoạn cao nhất là nền kinh tế thị trường thì Ngân hàng thương mại ngày càng được hoàn thiện và trở thành những định chế tài chính không thể thiếu được.

Theo Đạo luật của Ngân hàng Cộng hòa Pháp năm 1941 định nghĩa: “Ngân hàng thương mại là những cơ sở mà nghề nghiệp thường xuyên là  nhận tiền bạc của công chúng dưới hình thức ký thác, hoặc dưới các hình thức khác và sử dụng nguồn lực đó cho chính họ trong các nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và tài chính”.

Theo Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam khoản 2 điều 20: “Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động của ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan”.

Từ những định nghĩa trên về ngân hàng, có thể rút ra được ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân thông qua nghiệp vụ tiền gửi, tiền tiết kiệm rồi sử dụng số vốn đó để cho vay, chiết khấu, cung cấp các phương tiện thanh toán và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng trên.

Ngoài nguồn vốn tự có, hoạt động huy động vốn có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng thương mại trong việc tạo lập nguồn vốn để hoạt động kinh doanh. Trong hoạt động này, ngân hàng thương mại được sử dụng các công cụ và biện pháp mà pháp luật cho phép để huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội làm nguồn vốn tín dụng cho vay đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng thương mại bao gồm:

– Nhận tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá.

– Vay vốn.

– Huy động vốn khác.

Hoạt động tín dụng là hoạt động cấu thành nên tài sản có và có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng. Hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại bao gồm:

– Cho vay.

– Chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá.

– Bảo lãnh ngân hàng.

– Cho thuê tài chính.

– Dịch vụ cung ứng các phương tiện thanh toán

– Dịch vụ thanh toán trong nước cho khách hàng

– Dịch vụ thanh toán quốc tế và kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, đá quý.

– Thực hiện dịch vụ thu hộ, chi hộ các các tổ chức và cá nhân.

– Phát triển các sản phẩm ngân hàng điện tử

– Các sản phẩm khác như tư vấn tài chính, giữ hộ tài sản, thanh toán séc…

– Góp vốn đầu tư, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác từ nguồn vốn tự có để đa dạng hoá danh mục đầu tư, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

– Tham gia thị trường tiền tệ: Thị trường đấu giá tín phiếu kho bạc, thị trường nội tệ và ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường giấy tờ có giá ngắn hạn khác theo quy định của ngân hàng nhà nước.

– Hoạt động uỷ thác và đại lý liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân theo hợp đồng.

– Hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

– Hoạt động dịch vụ chứng khoán.

– Các hoạt động khác như bảo quản vật quý hiếm, giấy tờ có giá, cho thuê két, dịch vụ cầm đồ và các dịch vụ khác theo quy định của Pháp luật.

3. Dịch vụ ngân hàng thương mại và dịch vụ ngân hàng bán lẻ

3.1 Khái niệm dịch vụ ngân hàng thương mại

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dịch vụ tài chính là bất kỳ dịch vụ nào có tính chất tài chính được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Dịch vụ tài chính bao gồm mọi dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan tới bảo hiểm, mọi dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác (ngoại trừ bảo hiểm). Như vậy, dịch vụ ngân hàng được đặt trong nội hàm của dịch vụ tài chính.

Theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS): dịch vụ ngân hàng là nhận tiền gửi, cho vay, cho thuê tài chính, chuyển tiền và thanh toán thẻ, séc,…, bảo lãnh và mua các công cụ thị trường tài chính, phát hành  chứng khoán, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản, dịch vụ thanh toán và bù trừ, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, dịch vụ tư vấn, trung gian và hỗ trợ về tài chính.

Theo Luật các tổ chức tín dụng do NHNN ban hành, tại khoản 1 và khoản 7 – Điều 20, hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng bao gồm cả 3 nội dung: nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng không phân biệt cụ thể lĩnh vực nào là kinh doanh tiền tệ, lĩnh vực nào là dịch vụ ngân hàng.

Kết hợp với thực tế cung cấp các dịch vụ ngân hàng tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam, có thể thống nhất cách hiểu về dịch vụ ngân hàng như sau: Dịch vụ ngân hàng theo nghĩa rộng là toàn bộ các hoạt động tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối…của hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và vì mục tiêu lợi nhuận.

 

3.2 Dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng thương mại

3.2.1 Khái niệm dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Thuật ngữ “Ngân hàng bán lẻ” có từ gốc tiếng Anh là Retail banking. Theo nghĩa đen, cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ nghĩa là cung cấp các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng với số lượng nhỏ. Nó ngược với bán buôn là việc cung cấp cho người trung gian với số lượng lớn.

Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO): dịch vụ ngân hàng bán lẻ là loại hình dịch vụ điển hình của ngân hàng nơi mà khách hàng cá nhân có thể đến giao dịch tại những chi nhánh hoặc phòng/điểm giao dịch của các ngân hàng để thực hiện các dịch vụ như: tiền gửi tiết kiệm và kiểm tra tài khoản, thế chấp vay vốn, dịch vụ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và một số dịch vụ khác …

Theo các chuyên gia của học viện Công nghệ Châu Á – AIT: ngân  hàng bán lẻ là ngân hàng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tới từng cá nhân riêng lẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng lưới chi nhánh, hoặc là việc khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.

Theo từ điển Ngân hàng và tin học: Retail banking – dịch vụ ngân hàng bán lẻ là dịch vụ ngân hàng dành cho đông đảo quần chúng, thường là một nhóm các dịch vụ tài chính gồm cho vay trả dần, vay thế chấp, tín dụng chứng khoán, nhận tiền gửi và các tài khoản cá nhân khác …

Vì vậy, có thể đi đến một định nghĩa thống nhất và khái quát về dịch vụ Ngân hàng bán lẻ như sau: dịch vụ ngân hàng bán lẻ có thể được hiểu là dịch vụ ngân hàng được cung ứng đến từng cá nhân riêng lẻ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới chi nhánh; hoặc khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, điện tử vi tính, hoạt động viễn thông.

 

3.2.2 Đặc điểm của dịch vụ ngân hàng bán lẻ

– Số lượng khách hàng lớn: Đối tượng phục vụ của ngân hàng bán lẻ là các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, các DNNVV. Do đó, đối tượng phục vụ rất lớn, gồm nhiều thành phần trong xã hội, ngân hàng cũng phải tìm hiểu khách hàng là ai, cần gì để đưa ra những sản phẩm và chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp nhất.

– Quy mô giao dịch: Số lượng các giao dịch lớn nhưng giá trị những khoản giao dịch lại nhỏ. Số lượng giao dịch lớn là do phạm vi khách hàng rộng, đa dạng; còn giá trị các khoản giao dịch nhỏ vì mục đích cung cấp dịch vụ chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng. Tuy nhiên, muốn mở rộng quy mô của  giao dịch thì phải thu hút khách hàng bởi sự đa dạng về chủng loại giao dịch và có nhiều hình thức khuyến mại cũng như nhiều tiện ích đi kèm.

– Nhu cầu khách hàng mang tính thời điểm: Đối tượng khách hàng của ngân hàng bán lẻ chủ yếu là cá nhân. Nhóm khách hàng này không giống như các tổ chức kinh tế thường xuyên có nhu cầu đối với ngân hàng. Cá nhân thì ngược lại, nhu cầu của họ mang tính thời điểm do họ không biết trước được trong tương lai sẽ phát sinh nhu cầu gì như đi du học, mua xe ô tô, hoặc khi  có những món tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng…

– Độ phức tạp cao: Nền tảng các sản phẩm ngân hàng bán lẻ dựa vào sự hỗ trợ rất nhiều của hệ thống công nghệ hiện đại, độ phức tạp cao, các công nghệ mới như: Internet, mobile phone…. Vì thế, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có kỹ năng và kiến thức để có thể ứng dụng tốt sản phẩm dựa trên nhiều công nghệ cao. Bên cạnh đó, những sản phẩm dịch vụ này cần độ bảo mật cao để đảm bảo an toàn trong mọi giao dịch ngân hàng cũng như quyền lợi của khách hàng. Đối với khách hàng, những sản phẩm dịch vụ của ngân hàng bán lẻ rất đa dạng và dựa trên công nghệ cao nên đòi hỏi phải có kiến thức nhất định để có thể sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả nhất.

– Hệ thống kênh phân phối: Để cung ứng sản phẩm dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng khắp, các ngân hàng cần phải có nhiều chi nhánh, địa điểm giao dịch, cùng số lượng nhân viên đủ để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng. Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, các NHBL hiện nay cần phát triển những kênh phân phối mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và giảm chi phí cố định cho ngân hàng.

Trên cơ sở đó, dịch vụ Ngân hàng bán lẻ có thể được phân biệt với dịch vụ Ngân hàng bán buôn theo các tiêu chí sau:

 

4. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ

4.1 Huy động vốn

NHBL tập trung huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ khu vực dân cư, hộ gia đình và những DNNVV. Tuy nhiên, nguồn tiền gửi huy động chủ yếu từ khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Đây là nguồn tiền được sử dụng để tiết kiệm, thanh toán, chi trả các nhu cầu thông thường. Nguồn vốn huy động từ khu vực dân cư giữ vai trò hết sức quan trọng:

– Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, đời sống dân cư ngày càng được cải thiện và điều này dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm trong dân cư. Từ đó, góp phần tạo nguồn vốn ổn định trong tương lai cũng như đảm bảo an toàn đối với thanh khoản của ngân hàng.

– Gia tăng giá trị các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác thông qua việc bán chéo các sản phẩm, đa dạng các kênh phân phối dịch vụ.

 

4.2 Tín dụng bán lẻ

Đây là sản phẩm truyền thống của NHTM, góp phần tăng thu nhập của các ngân hàng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, tỷ trọng cho vay bán lẻ trong tổng dư nợ vay của các NHTM ngày càng cao. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng nguồn thu nhập ổn định cho ngân hàng.

Dịch vụ tín dụng bán lẻ bao gồm: cho vay cá nhân (như cho vay du  học, cho vay mua nhà trả góp, cho vay mua ô tô, bất động sản…), cho vay hộ gia đình và cho vay các DNNVV (cho vay từng lần, cho vay thấu chi, cho vay theo hạn mức…).

Đặc điểm của sản phẩm tín dụng bán lẻ:

– Sự phát triển của kinh tế xã hội và quy mô dân số ngày càng tăng nên nhu cầu đối với sản phẩm này không ngừng mở rộng và đầy tiềm năng.

– Khả năng trả nợ đôi lúc có biến động lớn khi điều kiện làm việc và sức khỏe của khách hàng thay đổi. Khả năng bù đắp từ các nguồn khác trong trường hợp có thể xảy ra hầu như không có. Ngân hàng cần có những biện pháp phòng ngừa để hạn chế rủi ro.

– Giá trị từng món vay thường nhỏ lẻ, phân tán nên làm gia tăng chi phí quản lý của ngân hàng đối với từng khoản vay này.

– Việc tư vấn, thẩm định và đánh giá khách hàng đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải hiểu đa dạng các sản phẩm bán lẻ liên quan cũng như có kinh nghiệm trong nghiệp vụ chuyên môn.

 

4.3 Dịch vụ thanh toán

Trong nền kinh tế ngày càng phát triển và toàn cầu hóa, dịch vụ thanh toán luôn giữ vai trò quan trọng trong mọi hoạt động giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng, giữa các ngân hàng và giữa các khách hàng với nhau. Hiện ngân hàng đang cung cấp dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài khoản giao dịch tại ngân hàng bao gồm tài khoản tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm dưới nhiều hình thức. Khi đó, khách hàng được đáp ứng các nhu cầu thanh toán thông qua các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: thanh toán séc, ủy nhiệm chi, lệnh chuyển tiền…

– Séc là lệnh chuyển tiền vô điều kiện của người phát hành lập trên mẫu in sẵn theo quy định, yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trích một số tiền từ tài khoản tiền gửi của mình để trả cho người thụ hưởng có tên ghi trên séc hoặc trả cho người cầm séc. Séc có thể sử dụng để lĩnh tiền mặt trực tiếp từ ngân hàng (séc lĩnh tiền mặt), hoặc dùng để thanh toán cho người bán thay vì trả trực tiếp bằng tiền mặt (séc bảo chi, séc chuyển khoản).

– Ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, nhờ thu, chuyển tiền, thanh toán L/C… là những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống của các Ngân hàng thương mại.

Với việc cung cấp các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, NHTM đem đến cho các cá nhân, hộ gia đình và DNNVV nhiều tiện ích trong việc thanh toán. Vì vậy, NHTM có thể tăng thêm thu nhập từ thu phí dịch vụ và là tiền đề để phát triển các dịch vu khác đi kèm như: thẻ ATM, Internet – Banking, BIDV mobile …

 

4.4 Dịch vụ thẻ

Dịch vụ thẻ là một trong những nguồn thu phí dịch vụ quan trọng của ngân hàng. Bên cạnh các dịch vụ thanh toán khác, thẻ ngân hàng đang được khách hàng sử dụng như một công cụ thanh toán thông minh và ngày càng đáp ứng các nhu cầu thông thường của khách hàng. Thẻ có thể sử dụng để rút tiền, gửi tiền, cấp tín dụng, thanh toán hoá đơn dịch vụ hay để chuyển khoản. Ngoài ra, thẻ cũng được sử dụng cho nhiều dịch vụ phi tài chính như truy vấn thông tin tài khoản, các khoản chi phí sinh hoạt…

Việc phân loại thẻ thanh toán có thể dựa trên một trong các tiêu chí sau:

– Xét theo tính chất thanh toán:

+ Thẻ tín dụng (credit card): cho phép chủ thẻ sử dụng một hạn mức tín dụng để mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại những đơn vị kinh doanh (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, đại lý vé máy bay…). Các thẻ này thường do các tổ chức quốc tế phát hành (Visa, Master …) hoặc các ngân hàng trong nước liên kết phát hành.

+ Thẻ ghi nợ (Debit card): là loại thẻ có quan hệ trực tiếp và gắn liền với tài khoản thanh toán của chủ thẻ. Khách hàng chỉ có thể thanh toán, rút tiền mặt… khi có số dư trong tài khoản.

– Xét theo phạm vi lãnh thổ:

+ Thẻ quốc tế: là loại thẻ được chấp nhận trên thế giới và sử dụng ngoại tệ mạnh để thanh toán. Hiện nay, phổ biến là các loại thẻ mang thương hiệu Visa, Master.

+ Thẻ nội địa: do các ngân hàng hoặc tổ chức của 1 quốc gia phát hành và chỉ được chấp nhận thanh toán tại quốc gia đó với đơn vị tiền tệ của quốc gia có ngân hàng phát hành thẻ trên.

– Xét theo công nghệ phát hành:

+ Thẻ khắc chữ nổi: dựa trên công nghệ khắc chữ nổi. Loại thẻ này  hiện không còn được sử dụng vì dễ bị giả mạo.

+ Thẻ băng từ: dựa trên kỹ thuật thư tín với hai băng từ chứa thông tin đằng sau mặt thẻ. Loại thẻ này không được áp dụng kỹ thuật mã hóa, chứa ít dữ liệu và không bảo mật được thông tin.

+ Thẻ thông minh: đây là loại thẻ đang được các ngân hàng tích cực triển khai do áp dụng công nghệ chip điện tử và gia tăng tính bảo mật thông tin cho khách hàng.

 

4.5 Dịch vụ bảo lãnh

Bảo lãnh ngân hàng là cam kết của ngân hàng bảo lãnh được lập trên một văn bản để cam kết với bên có quyền (gọi là bên thụ hưởng bảo lãnh). Đây là hình thức tín dụng bằng văn bản, không thực hiện giải ngân ngay khi phát hành nhưng mức độ rủi ro không thấp và tùy vào từng loại hình bảo lãnh. Dịch vụ bảo lãnh đáp ứng chủ yếu nhu cầu của DNNVV. Một số loại hình  bảo lãnh: bảo lãnh dự thầu, thực hiện hợp đồng, hoàn tiền ứng trước, thanh toán, bảo hành…; trong đó bảo lãnh thanh toán có mức độ rủi ro tương đương một khoản vay thông thường.

 

4.6 Dịch vụ khác

Cùng với việc phát triển nhanh chóng của CNTT, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng từng bước được hiện đại hóa. Nhiều ngân hàng đã cho ra đời các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại với nhiều tiện ích nhằm đáp ứng  nhu cầu ngày càng đa dạng của các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình và DNNVV. Một số sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ điển hình đang triển khai mạnh trong thời gian qua như:

– Dịch vụ tư vấn tài chính: ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn dựa trên khối lượng thông tin và trình độ cán bộ được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ. Một số lĩnh vực tư vấn cung cấp cho khách hàng như: tư vấn thuế, tư vấn thành lập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư bất động sản, tư vấn cho hoạt động kinh doanh chứng khoán….

– Dịch vụ quản lý ủy thác đầu tư: ngân hàng sẽ thay mặt khách hàng đứng tên trên các danh mục đầu tư và giải quyết các vấn đề phát sinh…

– Dịch vụ ngân hàng tự động qua điện thoại (Mobile Banking): khách hàng có thể kiểm tra số dư tài khoản, kiểm tra các giao dịch gần nhất, nghe các thông tin về tỷ giá và lãi suất, yêu cầu ngân hàng gửi fax các bản sao kê, tỷ giá, lãi suất cho khách hàng.

– Dịch vụ ngân hàng qua Internet (Internet Banking): khách hàng có thể xem thông tin về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng; truy vấn số dư tài khoản; thực hiện các giao dịch chuyển tiền và yêu cầu các dịch vụ khác liên quan đến ngân hàng…