Một số đặc điểm của các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự?
Các biện pháp ngăn chặn là nhóm biện pháp cưỡng chế được áp dụng phổ biến trong thực tiễn điều ta, truy tố, xét xử. Khi tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan người có thẩm quyền được phép áp dụng các biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị…
Mục Lục
1. Khái quát chung
Các biện pháp ngăn chặn là nhóm biện pháp cưỡng chế được áp dụng phổ biến trong thực tiễn điều ta, truy tố, xét xử. Khi tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan người có thẩm quyền được phép áp dụng các biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị truy nã; bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người bị yêu cầu dẫn độ; bảo lãnh; đặt tiền để đảm bảo; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh. Các biện pháp này khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam gọi là các biện pháp ngăn chặn.
Trong khoa học luật tố tụng hình sự có nhiều quan niệm khác nhau về các biện pháp ngăn chặn như: “những biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc đối với người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang), nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án”. Khái niệm này đã chỉ rõ tính chất cưỡng chế, đối tượng áp dụng và mục đích áp dụng, song chưa chỉ ra căn cứ, chủ thể áp dụng.
Quan niệm khác thì cho rằng “Biện pháp ngăn chặn là biện pháp có tính chất bắt buộc của Nhà nước do những người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được quyền tiến hành một số hoạt động điều tra theo luật định áp dụng, tạm thời tước bỏ hoặc hạn chế một phần quyền tự do thân thể của bị can, bị cáo và trong trường hợp đặc biệt có thể áp dụng đối với người chưa bị khởi tố về hình sự nhằm ngăn chặn tội phạm, bảo đảm cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hoặc không cho họ tiếp tục gây nguy hại cho xã hội”. Khái niệm này đã cho thấy tính chất bắt buộc phải chấp hành từ phía người bị áp dụng, chủ thể, đối tượng, mục đích áp dụng, nhưng không hợp lý khi cho là khi áp dụng biện pháp ngăn chặn “tạm thời tước bỏ một phần quyền tự do thân thể của bị can, bị cáo…” Trong khi đó, biện pháp ngăn chặn không phải là hình phạt, không có nội dung “tước bỏ, hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội” như hình phạt được quy định tại Điều 30 BLHS năm 2015 . Ngoài ra, trong khái niệm này chưa liệt kê đầy đủ chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn như chủ thể bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã.
Quan niệm thứ ba thì cho rằng “Biện pháp ngăn chặn là biện pháp hạn chế quyền tự do cá nhân, do người có quyền hạn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự áp dụng đối với bị can, bị cáo, người liên quan đến việc thực hiện tội phạm chưa bị khởi tố, khi có căn cứ áp dụng nhằm ngăn chặn tội phạm, bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đạt hiệu quả cao”
Quan niện này đã đúng khi chỉ ra bản chất chủ thể, đối tượng, mục đích áp dụng. Tuy nhiên, không chỉ ra căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Mặc dù có sự khác nhau nhất định, nhưng các quan niệm nêu trên tương đối thống nhất khi đề cập đến bản chất của biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự, có nội dung hạn chế tạm thời (chứ không tước bỏ) quyền và lợi ích của đối tượng bị áp dụng, đối tượng, mục đích áp dụng. Tuy nhiên những khái niệm này được xây dựng trước thời điểm ban hành BLTTHS năm 2015 nên chưa thật sự chính xác và phản ánh đầy đủ những vấn đề thuộc nội hàm của khái niệm biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.
Để đưa ra khái niệm biện pháp ngăn chặn thật sự khoa học, theo tác giả của luận văn thì trong nội dung khái niệm này phải thể hiện được bản chất, căn cứ; chủ thể có thẩm quyền áp dụng; đối tượng bị áp dụng; trình tự thủ tục và mục đích áp dụng mà BLTTHS năm 2015 quy định.
“các biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự do cơ quan; người có thẩm quyền áp dụng đối với những đối tượng nhất định khi có căn cứ và theo một trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định nhằm ngăn chặn tội phạm, bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thuận lợi”.
2. Đặc điểm của các biện pháp ngăn chặn
2.1 Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế do pháp luật tố tụng hình sự quy định
Đặc điểm này cho thấy tính cưỡng chế và tính pháp lý (tính luật định) của biện pháp ngăn chặn
Tính cưỡng chế của các biện pháp ngăn chặn thể hiện ở tính chất và nội dung cưỡng chế. Xét về tính chất, các biện pháp ngăn chặn là biện pháp tác động trực tiếp của nhà nước và xã hội lên đối tượng bị áp dụng, buộc đối tượng bị áp dụng phải chấp hành. Còn xét về nội dung, các biện pháp ngăn chặn khi được áp dụng, chúng tác động đến thể chất và tinh thần của đối tượng bị áp dụng thông qua việc cấm đoán một số hoạt động nhất định của đối tượng bị áp dụng như: cấm tiếp tục phạm tội; cấm bỏ trốn, rời khỏi nơi cư trú mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền; cấm cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; cấm phạm tội mới. Cùng với việc cấm đoán đó, các biện pháp ngăn chặn khi được áp dụng còn hạn chế tạm thời một số quyền và lợi ích thiết thân của đối tượng bị áp dụng như: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại, cư trú… Mặc dù các biện pháp ngăn chặn có nội dung này, nhưng không phải là hình phạt.
Tính pháp lý của biện pháp ngăn chặn thể hiện ở chỗ, chỉ những biện pháp nào có mục đích ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được pháp luật tố tụng hình sự quy định mới được coi là biện pháp ngăn chặn truy tố hình sự.
Những tính chất này phản ánh bản chất xã hội pháp lý của biện pháp ngăn chặn.
2.2 Tài liệu, chứng cứ xác đáng phản ánh khả năng đối tượng bị áp dụng sẽ gây khó khăn cho việc điều tra
truy tố, xét xử và thi hành án, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc khả năng tiếp tục thực hiện tội phạm. Đây là những căn cứ thực tế chứng tỏ cần phải ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn những hành vi gây khó khăn, cản trở các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc để bảo đảm thi hành án.
2.3 Mục đích áp dụng
Mục đích chung nhất của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn là để kịp thời ngăn chặn tội phạm và các hành vi gây trở ngại cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án như: ngăn chặn việc người bị tình nghi phạm tội; người bị buộc tội bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ; ngăn chặn việc trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
2.4 Đối tượng bị áp dụng chỉ bao gồm những người mà BLTTHS quy định
Họ có thể là người bị buộc tội (bao gồm người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo); người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị kết án; người bị yêu cầu dẫn độ. Trong số họ có người đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về tội hình sự (bị can); có những người đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử (bị cáo); có người đã bị tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật và phải thi hành bản án đó. Nhưng cũng có người chưa bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hình sự (người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội quả tang…)
2.5 Chủ thể có thẩm quyền áp dụng là những người mà theo quy định của BLTTHS họ có quyền áp dụng BPNC
Những chủ thể này chủ yếu là những người tiến hành tố tụng hình sự; những người trong các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; hoặc bất kỳ ai mà theo quy định của pháp luật có quyền bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã.
3. Khái niệm, đặc điểm của bắt người trong tố tụng hình sự
Bắt người là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Do vậy, cũng có những đặc điểm chung của biện pháp ngăn chặn như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, đây là một biện pháp ngăn chặn đặc thù khác với các biện pháp ngăn chặn khác, nên có những đặc điểm riêng (biểu hiện riêng) về bản chất xã hội pháp lý, căn cứ, mục đích, đối tượng, thẩm quyền áp dụng. Cụ thể là:
+ Thứ nhất, về bản chất xã hội – pháp lý: bắt người trong tố tụng hình sự biện pháp tạm thời hạn chế tự do thân thể đối với đối tượng bị áp dụng.
Nếu như các biện pháp ngăn chặn khác khi được áp dụng có thể hạn chế không chỉ quyền tự do thân thể mà còn hạn chế một số quyền, lợi ích thiết thực khác của đối tượng bị áp dụng như quyền tự do cư trú, quyền về tài sản… thì biện pháp này chủ yếu hạn chế quyền tự do thân thể của đối tượng bị áp dụng.
+ Thứ hai, căn cứ, điều kiện áp dụng tùy theo từng biện pháp bắt người mà có những căn cứ, điều kiện tương ứng. Tuy nhiên những căn cứ bắt người phải là những tài liệu, chứng cứ xác đáng phản ánh đối tượng có khả năng tiếp tục thực hiện tội phạm, khả năng bỏ trốn, khả năng gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
+ Thứ ba, mục đích áp dụng là để kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn những hành vi gây trở ngại cho hoạt động điều tra, truy tố xét xử, thi hành án, nhất là hành vi tiêu hủy chứng cứ, bỏ trốn…
+ Thứ tư, đối tượng áp dụng là những người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị can, bị cáo, người có yêu cầu dẫn độ.
+ Thứ năm, chủ thể có thẩm quyền áp dụng rất đa dạng bao gồm không chỉ những người có thẩm quyền trong các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, những người trong các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà còn có thể là bất kỳ ai trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã.
Từ sự phân tích trên có thể rút ra khái niệm về các biện pháp bắt người trong tố tụng hình sự như sau: “Bắt người là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị buộc tội, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị yêu cầu dẫn độ, tạm thời hạn chế tự do thân thể của họ, theo những trình tự thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định nhằm ngăn chặn tội phạm, người thực hiện tội phạm trốn tránh pháp luật, bảo đảm cho việc tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thuận lợi”.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty Luật Minh Khuê