Một số chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non
Ngày 08/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 105/NĐ-CP quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non. Trong đó có các chính sách liên quan tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách đối với giáo viên mầm non theo chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định tại Điều 27 Luật Giáo dục.
Các chính sách nhằm phát triển giáo dục mầm non
– Nhóm các chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non gồm: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non; Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn; Ưu tiên đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động; Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
– Nhóm các chính sách đối với trẻ em mầm non gồm: Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo; Trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
– Nhóm các chính sách đối với giáo viên mầm non gồm: Ưu tiên đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; Ưu tiên đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; Hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục.
Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo (không bao gồm trẻ em đã được hưởng chính sách theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP) đang theo học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non thuộc một trong các trường hợp sau:
– Nhóm 1: Gồm trẻ em có cha/mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn tại vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
– Nhóm 2: Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng và thuộc đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định pháp luật;
– Nhóm 3: Trẻ em là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định pháp luật.
– Nhóm 4: Trẻ em là con của liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh hoặc con của người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh hoặc con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có).
– Nhóm 5: Là trẻ em khuyết tật học hoà nhập.
Mức hỗ trợ tiền ăn trưa: 160.000 đồng/trẻ/tháng.
Thời gian hỗ trợ: Bằng số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Trợ cấp đối với trẻ em là con công nhân, người lao động tại khu công nghiệp có ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp theo quy định luật của Bộ luật Lao động
– Mức hỗ trợ: Tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng (Mức cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương).
– Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Hồ sơ hưởng chính sách:
– Đơn đề nghị trợ cấp theo mẫu quy định có xác nhận của đơn vị sử dụng lao động nơi cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đang công tác;
– Bản sao kèm bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tạm trú của trẻ em.
– Nơi nộp hồ sơ: Cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nộp hồ sơ về cơ sở giáo dục mầm non nơi trẻ đang theo học trong vòng 15 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ sở giáo dục mầm non.
Chính sách với giáo viên mầm non dân lập, tư thục tại địa bàn có khu công nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện sau:
– Giáo viên có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định pháp luật;
– Giáo viên có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục;
– Là người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Mức hỗ trợ tối thiểu: 800.000 đồng/tháng, mức này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không làm cơ sở tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng.
Thời gian hỗ trợ: Bằng số tháng dạy thực tế trong năm học.
Hồ sơ hưởng chính sách:
Cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị hồ sơ nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi cơ sở hoạt động bao gồm:
– Danh sách giáo viên được hưởng chính sách;
– Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng lao động của giáo viên được hưởng chính sách.
Thời điểm nộp hồ sơ: Tháng 8 hằng năm.
Hỗ trợ tài liệu, chi phí tập huấn với giáo viên mầm non dân lập, tư thục
– Được hỗ trợ tài liệu, chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
– Mức hỗ trợ bằng với mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chính sách:
Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục lập danh sách giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo dựa trên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng hằng năm.
Phạm Đức