Một số biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường trong trường mầm non
Đối với trẻ mầm non xây dựng môi trường giáo dục trẻ là rất quan trọng vì môi trường giáo dục có tốt thì mới kích thích sự khám phá tìm tòi của trẻ. Cũng chính vì vậy ngay từ đầu năm học chúng ta phải tạo cho trẻ môi trường lớp học sạch đẹp thân thiện.
Trang trí các nội dung giáo dục theo chủ đề. Làm nhiều góc mở để lôi cuốn trẻ vào các hoạt động. Đặc biệt là ở mỗi góc chơi gắn những nội quy nho nhỏ giúp trẻ có thể thực hiện đúng theo nội quy của từng góc chơi. Hàng tuần, phân công từng nhóm trẻ giúp cô lao động trực nhật, lau dọn góc chơi, lau lá cây… từ đó trẻ có ý thức giữ gìn đồ dùng đồ chơi của lớp gọn gàng. Biết cắt và lấy đồ chơi đúng quy định.
Không những thế chúng tôi còn tạo ra những biển báo “Cấm” hay biển báo đơn giản nhưng gần gũi với trẻ để trẻ có thể nhìn vào và có thể biết đó là biển báo gì. Từ đó mà trẻ đến lớp có thể thực hiện đúng nội quy quy định của từng góc chơi. Hàng ngày những trẻ nào làm được mụt việc tốt thì sẽ được cắm vào băng bé ngoan.
Thông qua các hoạt động hàng ngày trẻ được “Học mà chơi, chơi mà học” được củng cố lại kiến thức qua đó hình thành những nề nếp, thói quen tạo cơ sở cho việc hình thành nhân cách tốt đẹp.
Bên cạnh đó chúng ta cũng có biện pháp là tuyên truyền vận động phụ huynh cùng tham gia giáo dục trẻ.
Ở lứa tuổi mầm non là lứa tuổi đang học kèm người lớn. Chính vì vậy, mà người lớn luôn luôn là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.
Tuyên truyền vận động phụ huynh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống hàng ngày và nhắc nhở phụ huynh cùng tham gia thực hiện bằng khẩu hiệu “Mỗi người hãy trồng thêm một cây xanh là thêm mét hanh động bảo vệ môi trường” phụ huynh lớp tôi đã ủng hộ những chậu cảnh nhỏ để tạo cho khung cảnh vườn trường thêm đẹp hơn.
Vào những giờ hoạt động ngoài trời tôi thường trò chuyện cùng trẻ về ích lợi của cây xanh như cây xanh đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ bầu khí quyển, làm cho không khí trong lành, cây xanh còn cung cấp cho trẻ nhiều hoa thơm quả ngọt, làm giảm ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… cung cấp cho con người thức ăn, thuốc chữa bệnh, cây xanh của rừng còn giúp ngăn chặn lũ lụt.
Bên cạnh đó, trẻ còn biết tận dụng các chiếc lá vàng, cây cổ trong vườn. Chúng tôi hướng dẫn trẻ làm ra những con vật gần gũi như: con mèo, con trâu… hay cho trẻ chơi bán hàng, nấu ăn, làm nón, quần áo… hay hướng dẫn trẻ tạo ra các sản phẩm tạo hình. Qua đó chúng tôi giáo dục trẻ lòng yêu thiên nhiên biết chăm sóc, bảo quản, giữ gìn môi trường thiên nhiên mà mình đang sống.
Ngoài ra, tôi còn chuẩn bị nhiều loại hạt như: hạt đỗ, ngô, lạc… những loại hạt dễ nảy mầm để trẻ dễ thực hành tra hạt và theo dõi sự nảy mầm và phát triển của cây. Khi cây lớn trẻ chăm sóc cây như thế nào để cây cho quả, từ đó giáo dục trẻ biết thành quả lao động của con người.
Tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong hoạt động học. Mỗi môn học đều có mục đích – yêu cầu riêng, song tôi luôn chú ý lồng ghép giáo dục trẻ bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng một cách linh hoạt. Mỗi chủ đề có một nội dung khác nhau song lại đều giúp cho trẻ có ý thức bảo vệ môi trường.
VD: Hàng ngày chúng tôi thống nhất trẻ cùng phụ huynh mang đến lớp các loại phế liệu (vỏ hộp, bìa các tông, len, vải…) để làm đồ dùng tự tạo phục vụ cho hoạt động của trẻ. Trẻ rất thích thú khi được cùng cô tạo ra những con rối, các loại đồ dùng khác phù hợp với chủ đề mà trẻ được làm quen. từ đó, chúng tôi giáo dục trẻ làm đâu gọn đấy, biết vứt rác vào đúng nơi quy định, biết rửa tay lau tay khi làm bài xong. Như vậy, trẻ có ý thức tự dọn dẹp gọn gàng ngăn nắp.
Đối với lĩnh vực khám phá khoa học và xã hội như “Tìm hiểu công việc của cô lao cong”, chúng tôi thường cho trẻ xem hình ảnh cô lao công ngày đêm quét rác trên đường phố làm cho đường phố thêm sạch đẹp, từ đó trẻ luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường lớp học sạch sẽ.
Tôi nhận thấy rằng giáo dục bảo vệ môi trường có mối liên hệ khăng khít với bộ môn âm nhạc. Kết hợp giáo dục âm nhạc vào bảo vệ môi trường giúp trẻ có hứng thú học tập đồng thời kích thích khả năng ghi nhớ, củng cố rất nhiều kiến thức về giáo dục bảo vệ môi trường. Trẻ biết thể hiện các bài hát nhẹ nhàng, tình cảm, đúng giai điệu lời ca, không hát quá to.
– Ở lĩnh vực phát triển ngôn ngữ còn góp phần quan trong trong việc giúp trẻ làm quen với giữ gìn bảo và bảo vệ môi trường. chúng ta biết rằng văn học là người bạn không thể thiếu đối với trẻ mầm non. Nó giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, đặc biệt phát triển ngôn ngữ mạch lạc, khả năng nhận thức và hình thành nhân cách cho trẻ. Do vậy, ở lớp tôi việc giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ tôi đã thường xuyên, kết hợp với môn văn học.Thông qua các bài thơ, câu chuyện tôi đã dạy cho trẻ đọc diễn cảm, nhẹ nhàng, không la hét to. từ đó, trẻ cảm nhận được về nội dung về thiên nhiên tươi đẹp, những việc làm có ích, có hại cho môi trường trẻ sẽ nhận ra đâu là việc tốt đối với môi trường và trẻ hành động cho phù hợp.
Bên cạnh đó, tôi thường sưu tầm, sáng tạo thơ ca, câu thơ, hò vè có nội dung bảo vệ môi trường để dạy trẻ.
Dạy trẻ bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động khác:
Tôi nhận thấy rằng hoạt động góc chính là phương tiện giúp trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt là hình thành nhân cách cho trẻ sau này. Thông qua hoạt động trẻ phản ánh lại cuộc sống môi trường xung quanh trẻ, mô phỏng lại những hành động quen thuộc của người lớn mà trẻ đã thấy, đã biết. Chính vì vậy, khi cho trẻ hoạt động góc tôi hướng dẫn, gợi mở cho trẻ rõ ràng, chi tiết để trẻ hoạt động tích cực và luôn chuẩn bị đồ dùng đồ chơi phong phú, đa dạng nhằm thu hút trẻ chơi. Đặc biệt tôi luôn lưu ý, kết hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong hoạt động một cách phù hợp để qua đó trẻ có được hiểu biết và có được ý thức tốt khi tham gia bảo vệ môi trường.
– Thông qua các trò chơi phân vai trẻ đóng vai và thể hiện các công việc của người làm công tác bảo vệ môi trường như trồng cây, chăm sóc cây, thu gom rác trong trò chơi “Bộ tập làm nội trợ” tôi chú ý dạy trẻ có ý thức tiết kiệm nước, chế biến món ăn, thu dọn đồ dùng đoàng hoàng sau khi chế biến.
Thông qua các trò chơi học tập tôi dạy trẻ cách tìm hiểu các hiện tượng trong môi trường, trẻ học cách so sánh, phân loại các hành vi tốt, hành vi xấu đối với môi trường, phân biệt môi trường sạch, môi trường bẩn và tìm ra nguyên nhân thông qua các trò chơi đóng kịch: trẻ thể hiện nội dung các câu chuyện bảo vệ môi trường, thể hiện các hành vi có lợi và hành vi có hại cho môi trường thông qua các trò chơi vận động. Trẻ mô tả các hành vi bảo vệ môi trường hoặc làm hại cho môi trường: Động tác cuốc đất trồng cây, tưới nước, bắt sâu là hành vi có lợi cho môi trường, còn động tác gây tổn hại cho môi trường là chặt cây, dẫm lên cỏ, đốt rừng, săn bắt chim thú.
– Thông qua các hoạt động ngoài trời: Hoạt động ngoài trời là hoạt động cần phải đảm bảo tính tích cực hoạt động của trẻ làm giàu và củng cố kiến thức cho trẻ về môi trường xung quanh, giáo dục cho trẻ những thói quen hành vi với mình nơi công cộng.
Qua hoạt động tôi cho trẻ được quan sát cây cối, các loại hoa, các loại rau… giúp cho trẻ biết gieo hạt chăm sóc và bảo vệ cây, không hái hoa bẻ cành, quét dọn vệ sinh sân trường bằng những dùng cụ làm bằng đồ phế thải trẻ rất vui thích và hứng thú hoạt động.
– Thông qua hoạt động lao động Ngoài hoạt động học chúng tôi thường xuyên giao nhiệm vụ cho trẻ qua bảng phân công trực nhật hàng ngày. Trẻ biết giúp cô lau dọn giá đồ dùng, đồ chơi, biết xắp xếp đồ dùng đúng nơi quy định. Trẻ biết lau lá cây và chăm sóc cây xanh. từ đó, trẻ biết yêu thiên nhiên yêu lao động.
Qua các biện pháp giáo dục trẻ bảo vệ môi trường tôi nhận thấy kết quả trên trẻ như:
– Biết chăm sóc và bảo vệ cây
– Biết giữ gìn trật tự vệ sinh công cộng, vệ sinh trường lớp
– Biết cất dọn đồ dùng, đồ chơi đúng nơi quy định
– Không vứt rác ra đường, biết gom rác vào thùng rác
– Không la hét to
– Phân biệt được những hành động đúng và hành động sai đối với môi trường và tiết kiệm năng lượng